Pakistan sử dụng tên lửa sát thủ của Mỹ để không kích Ấn Độ

Không quân Ấn Độ đã cho công bố mảnh vỡ của loại tên lửa AIM-120 do Mỹ sản xuất. Đây chính là bằng chứng rõ nhất cho việc các tiêm kích của Pakistan tấn công căn cứ quân sự của Ấn Độ.

Không quân Ấn Độ đã cho công bố mảnh vỡ của một loại tên lửa do Mỹ sản xuất. Đây chính là bằng chứng rõ nhất cho việc các tiêm kích của Pakistan tấn công căn cứ quân sự của Ấn Độ.

Trước đó, Pakistan vẫn một mực khẳng định nước này không điều động chiến đấu cơ tấn công các căn cứ quân sự của Ấn Độ.

Hình ảnh cho thấy loại tên lửa AIM-120C-5 mà Pakistan dùng để không kích Ấn Độ.

Phía Ấn Độ trưng bằng chứng không thể chối cãi về cuộc không kích của phía Pakistan.

Islamabad trước đó phủ nhận điều động các tiêm kích F-16 tham gia đợt tấn công vào căn cứ quân sự của Ấn Độ và khẳng định không có bất cứ máy bay quân sự nào của nước này bị Ấn Độ bắn rơi.

Tuy nhiên, việc không quân Ấn Độ cho công bố các bức ảnh về hàng loạt mảnh vỡ của loại tên lửa AIM-120C-5 do Mỹ sản xuất là “bằng chứng không thể chối cãi” rằng các máy bay quân sự Pakistan đã tấn công một số mục tiêu trên lãnh thổ Ấn Độ.

Vào năm 2006, không quân Pakistan đã đặt mua 500 tên lửa AMRAAM. Đây là một phần trong thỏa thuận trị giá 650 triệu USD mua vũ khí trang bị cho chiến đấu cơ F-16 của Pakistan ký kết với Mỹ.

Với tầm bắn lên đến 160km, sau khi phóng không cần điều khiển, tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM là “sát thủ diệt chim sắt” hiện đại nhất của Mỹ hiện nay.

Hiện loại tên lửa này được Mỹ và 33 quốc gia trên thế giới sử dụng

Tên lửa không đối không AIM-120 là chủng loại tên lửa nổi tiếng của Mỹ. Chúng sử dụng hệ dẫn đường quán tính giai đoạn đầu.

Các thông số liên tục được cập nhật mục tiêu từ máy bay mang phóng trong giai đoạn giữa và sang đến thời kỳ công kích thì nó sẽ bật đầu dò radar dẫn đường tích hợp trên quả đạn để tự xử lý nốt công việc còn lại.

AIM-120 trang bị đầu tự dẫn dẫn độ nhạy lớn còn có thể sử dụng khi không chiến trong tầm nhìn, lúc này đầu dò của nó sẽ kích hoạt ngay sau khi rời bệ phóng.

Tuy nhiên phương thức trên ít khi sử dụng vì góc quét khá hẹp, không thể so sánh với tên lửa hồng ngoại "khóa mục tiêu sau khi phóng".

Phi công có thể bắn nhiều tên lửa AIM-120 cùng lúc vào nhiều mục tiêu. Hoặc, nếu tác chiến chống mục tiêu ở cự ly gần, đầu tự dẫn radar chủ động của AIM-120 có thể kích hoạt ngay sau khi rời bệ phóng và tự tìm mục tiêu.

AIM-120 AMRAAM (viết đầy đủ là Advanced Medium-Range Air-to-Air Missile dịch ra là "tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến") là một trong những loại tên lửa không đối không hiện đại nhất thế giới, cực kỳ mạnh mẽ.

Được đưa vào phục vụ hạn chế năm 1991, tên lửa này đã xuất khẩu tới khoảng 35 quốc gia trên thế giới.

Tính tới ngày nay, các máy bay chiến đấu thế giới đã thực hiện tới 3.900 phát bắn AIM-120, có tới 10 chiến thắng đã được ghi công cho AIM-120.

AIM-120 ra đời nhằm thay thế cho mẫu tên lửa dẫn đường bằng radar bán chủ động AIM-7 Sparrow vốn được đánh giá là kém hiệu quả.

Giá một quả AIM-120 chừng 300.000-400.00 USD với các phiên bản từ AIM-120A đến C và lên tới "giá khủng" 1,78 triệu USD/quả với phiên bản AIM-120D.

Tên lửa không đối không AIM-120 có khả năng triển khai trên hầu hết các máy bay tiêm kích do Mỹ sản xuất, ví dụ như F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon, F-22 Raptor, F-35 Lightning II; F/A-18 Hornet và cả E/F Super Hornet.

Ngoài ra, AIM-120 có thể tích hợp trên một số mẫu máy bay chiến đấu của đồng minh Mỹ như Eurofighter Typhoon, Tornado, JAS 39 Gripen, F-2, Sea Harrier...

Các phiên bản AIM-120 nhìn chung đều có kích thước tương đương nhau, sự khác biệt chủ yếu nằm ở những cải tiến động cơ, thuốc phóng, hệ thống dẫn đường... AIM-120 có trọng lượng 152kg, dài 3,7m, đường kính thân 180mm.

AIM-120 được trang bị đầu đạn nổ phá mảnh nặng 22,7kg với phiên bản A/B và rút xuống còn 18,1kg với phiên bản C.

Mặc dù đầu nổ của AIM-120 được cho là nhẹ hơn loại trên AIM-7, nhưng nó vẫn được đánh giá là hiệu quả, dễ dàng phá hủy hoặc gây tổn thương nghiêm trọng với mọi máy bay tiêm kích, máy bay ném bom, máy bay vận tải, thậm chí là tấn công mục tiêu mặt đất khi cần.

AIM-120 sở hữu khả năng cơ động và tốc độ cao nhờ được trang bị động cơ rocket WPU-6/B có thể đưa AIM-120 đạt tốc độ đáng kinh ngạc - Mach 4 (tương đương 4.900km/h) cho phép nó tiêu diệt ngay cả những máy bay chiến đấu nhanh nhất của đối phương.

Về tầm bắn, phiên bản đời đầu A/B của dòng tên lửa AIM-120 chỉ đạt mức 55-75km (khá hơn AIM-7 đạt tầm 50km), tuy nhiên từ phiên bản AIM-120C-5 thì tầm bắn tăng lên đến 105km và đến AIM-120D thì tăng lên 160km.

Sức mạnh của AIM-120 được coi là ngang ngửa và thậm chí có phần nhỉnh hơn về phạm vi tác chiến so với R-77 của Nga.

Bên cạnh việc phát triển cho máy bay chiến đấu, nhà sản xuất cũng nghiên cứu chế tạo một vài phiên bản AIM-120 cho các tổ hợp tên lửa đất đối không. Hình ảnh hệ thống tên lửa phòng không tầm trung - xa NASAMS do Na Uy phát triển, cũng sử dụng các phiên bản cải tiến của tên lửa AIM-120.

Tuy nhiên, khi được triển khai trên mặt đất, tầm bắn của AIM-120 "giảm chóng mặt" với cự ly theo phương ngang chỉ là 25km. Hình ảnh hệ thống tên lửa phòng không SLAMRAAM được thiết kế trên khung gầm xe bọc thép HMMWV, trang bị bệ phóng với 5 đạn tên lửa.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-pakistan-su-dung-ten-lua-sat-thu-cua-my-de-khong-kich-an-do/801019.antd