Panama trở lại danh sách 'thiên đường thuế' của EU, ba cái tên nữa cũng góp mặt

Với lý do không đáp ứng được các xếp hạng 'hoàn toàn thích hợp' của Diễn đàn Toàn cầu về Minh bạch và Trao đổi thông tin, EU đã đưa Panama trở lại danh sách các 'thiên đường thuế'. Bên cạnh đó, danh sách cũng có sự 'góp mặt' của 3 nơi khác.

Ảnh minh họa từ Pinterest

Ảnh minh họa từ Pinterest

TTXVN ngày 19.2 cho biết vào hôm qua, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa Panama trở lại danh sách các “thiên đường thuế” (tax haven) với nhận định quốc gia Trung Mỹ này không đáp ứng các xếp hạng “hoàn toàn thích hợp” của Diễn đàn Toàn cầu về Minh bạch và Trao đổi thông tin (hiểu nôm na là do những thiếu sót trong việc trao đổi thông tin thuế của Panama với EU).

Năm 2018, Panama được EU đưa ra khỏi danh sách này và chuyển sang danh sách theo dõi, khi nước này cam kết thực hiện những thay đổi hướng tới minh bạch hóa thông tin tài chính sau vụ bê bối Hồ sơ Panama năm 2016.

Nhưng theo một thông cáo của Hội đồng châu Âu, Panama đã không hoàn thành đúng hạn những cải cách về thuế mà họ đã cam kết với EU.

Trước quyết định của EU, bà Erika Mouynes - Thứ trưởng Đa phương và Hợp tác của Panama đã bày tỏ sự không hài lòng. Bà nhấn mạnh từ tháng 7.2019 tới nay EU không thực hiện bất kỳ đánh giá kỹ thuật nào về Panama.

Bà Mouynes cũng cho biết Panama đã có chiến lược và quyết tâm nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực, hoạch định có tầm nhìn hơn để cứu vãn uy tín quốc gia, từ đó thoát khỏi các đánh giá tiêu cực của EU về lâu dài.

Ngoài Panama, EU còn đưa Seychelles, quần đảo Cayman (một vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh ở Caribbean) và Palau vào danh sách "thiên đường thuế".

Thổ Nhĩ Kỳ thì được cho thêm thời gian khoảng 1 năm nữa để thực hiện các cam kết của mình, vì nước này đã thông qua những cải cách lập pháp cho phép việc chia sẻ dữ liệu.

Theo tài liệu của EU, lý do quần đảo Cayman đã được thêm vào danh sách vì các quỹ đầu tư ở đó không có hoạt động kinh tế thực sự trên quần đảo. Điều đó có thể dẫn đến việc các công ty tạo ra những công cụ đầu tư tại đây chỉ để giảm thuế ở các khu vực khác.

Còn lý do đối với quần đảo Seychelles là "chế độ ưu đãi thuế có hại" tại đây. Lý do được đưa ra cho đảo quốc Palau ở Thái Bình Dương thì tương tự với Panama.

Việc thêm quần đảo Cayman và Panama vào danh sách "thiên đường thuế" được cho là đánh dấu sự thay đổi trong cách tiếp cận của EU.

Bởi trước đó EU bị chỉ trích là danh sách "thiên đường thuế" hiện chủ yếu còn các quốc đảo ở Thái Bình Dương và khu vực Caribbean, những nơi vốn gần như không có mối quan hệ tài chính nào với EU, thể hiện rằng EU quá khoan dung đối với các "thiên đường thuế" khác.

Các nước và vùng lãnh thổ vẫn tiếp tục nằm trong danh sách này hiện gồm Fiji, Oman, Samoa, Trinidad & Tobago, Vanuatu và 3 vùng lãnh thổ thuộc Mỹ gồm Samoa, đảo Guam và quần đảo Virgin.

Danh sách Thiên đường thuế của EU được thiết lập vào năm 2017 sau những điều tra tiết lộ về các kế hoạch trốn thuế trên diện rộng của nhiều công ty. Những cái tên trong danh sách đen sẽ phải đối mặt với danh tiếng xấu, các giao dịch tài chính bị thắt chặt giám sát và có nguy cơ mất nguồn hỗ trợ từ EU.

3 yếu tố quan trọng trong việc xem xét một khu vực là "thiên đường thuế", theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD (theo Wikipedia):

1. Không đánh thuế hoặc thuế gần như bằng không. Thiên đường thuế biến nó thành nơi để những người không cư trú ở đó tránh khỏi phải đóng thuế cao ở nơi họ ở hay kinh doanh.

2. Bảo vệ thông tin tài chính cá nhân. Thiên đường thuế thường có luật hoặc thủ tục hành chính, theo đó các doanh nghiệp và các cá nhân có thể hưởng lợi từ các quy định chặt chẽ và các bảo vệ khác chống lại sự giám sát của cơ quan thuế vụ nước ngoài. Điều này ngăn cản sự truyền thông tin về người nộp thuế đang được hưởng lợi từ khu vực thuế thấp.

3. Thiếu minh bạch. Một sự thiếu minh bạch trong hoạt động của các quy định pháp lý, luật pháp hoặc hành chính là một yếu tố được sử dụng để xác định nơi ẩn trú thuế. OECD cho là luật phải được áp dụng công khai và nhất quán, phải có những thông tin cần thiết cho cơ quan thuế vụ nước ngoài để xác định tình trạng của người nộp thuế.

Thiếu minh bạch trong một nước có thể làm cho các cơ quan thuế vụ khác gặp khó khăn hoặc không thể áp dụng pháp luật một cách hiệu quả. "Phán quyết bí mật", mức thuế có thể thương lượng được, hoặc các thực hành khác mà không áp dụng luật pháp một cách công khai và kiên định (trước sau như một) luôn là những ví dụ về sự thiếu minh bạch. Giám sát pháp luật chỉ có giới hạn hoặc thiếu sự tiếp cận pháp lý hồ sơ tài chính của chính phủ được xem là các yếu tố góp phần.

A.T.T

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/panama-tro-lai-danh-sach-thien-duong-thue-cua-eu-ba-cai-ten-nua-cung-gop-mat-132195.html