Panorama 'mọc' trên đỉnh Mã Pì Lèng: Sẽ phá dỡ toàn bộ tầng giật cấp nhô ra sông Nho Quế

Đoàn kiểm tra liên ngành kiến nghị cải tạo, chỉnh trang tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất để du khách dừng chân, ngắm cảnh. Toàn bộ tầng giật cấp phía trên của công trình Panorama xây nhô ra phía sông Nho Quế sẽ bị phá dỡ…

Sau cuộc họp của đoàn kiểm tra liên ngành giữa các sở của tỉnh Hà Giang: Xây dựng; Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Giao thông Vận tải; Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường và huyện Mèo Vạc, đoàn kiểm tra xác định công trình Panorama được xây dựng ngoài mốc giới danh thắng Mã Pì Lèng, có kết cấu bê-tông cốt thép kết hợp các sàn kết cấu thép dùng để ngắm cảnh, gồm 7 cấp xây bám theo địa hình.

Mặt trước công trình gồm 2 phần là tầng âm, tầng nổi sát mặt đất và 6 cấp xây thấp dần theo sườn núi, mỗi cấp một tầng; trong đó, cấp cuối cùng chủ đầu tư tận dụng làm gian kho, không dùng để kinh doanh. Công trình đã hoàn thiện được 5 cấp. Phần sàn thép phục vụ ngắm cảnh của cấp thứ 6 và đơn nguyên cấp thứ 7 đang được hoàn thiện. Qua đo đạc thực tế, công trình có diện tích xây dựng 226m2, diện tích sàn gần 500m2 và gần 80m2 sàn khung thép để ngắm cảnh.

Qua kiểm tra, đoàn đã thống nhất kiến nghị UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu huyện Mèo Vạc cải tạo, chỉnh trang một phần công trình (gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) để du khách dừng chân, ngắm cảnh. Toàn bộ tầng giật cấp phía trên của công trình Panorama xây nhô ra phía sông Nho Quế sẽ bị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh; thời hạn phá dỡ hoàn thành trước ngày 15/11. Chủ đầu tư được yêu cầu hoàn thiện các thủ tục pháp lý phần công trình còn lại trong thời hạn 60 ngày; các vi phạm khác sẽ xử lý theo quy định.

Công trình Panorama 7 tầng xây dựng trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng đứng trước nguy cơ bị phá dỡ.

Công trình Panorama 7 tầng xây dựng trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng đứng trước nguy cơ bị phá dỡ.

Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang, việc xây dựng công trình Panorama là không đúng vì đất đai chưa chuyển đổi mục đích, các thủ tục còn thiếu. Đoàn liên ngành đề xuất UBND tỉnh giữ lại phần nhà nằm sát mặt đường, cải tạo để bảo đảm thân thiện với môi trường, còn toàn bộ phần công trình phía sau sẽ bỏ hết. Phần giữ lại sẽ đúng tính chất là điểm dừng chân như khuyến nghị của chuyên gia UNESCO.

Ông Hưng cũng cho hay theo quy định của Đồ án quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực có danh thắng Mã Pì Lèng hạn chế hoạt động xây dựng mới, chỉ xây dựng công trình an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, công trình hạ tầng và xã hội thiết yếu. Tầng cao xây dựng từ 1-3 tầng, mật độ xây dựng từ 15%- 25%. "Đây mới là bước đề xuất của các sở ngành, còn UBND tỉnh Hà Giang sẽ tham khảo ý kiến của Bộ VH-TT-DL trước khi đưa ra quyết định chính thức", ông Hưng nói.

Khu vực này từng được UNESCO khuyến nghị chỉ nên xây dựng điểm dừng chân phục vụ du khách.

Sau sự việc gây lùm xùm, dư luận bức xúc đặt câu hỏi: "Khi một Panorama to đùng như vậy xây dựng trên Mã Pì Lèng, các cơ quan chức năng ở đâu, làm gì?".

Mặc dù đã có cảnh báo từ trước nhưng bởi sự "chần chừ" của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, công trình xây dựng vi phạm trên vẫn được hoàn thành và quảng cáo rầm rộ trên internet. Công trình chưa được cấp phép xây dựng, chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa chuyển mục đích sử dụng đất.

Panorama không phải là vụ xâm phạm di sản đầu tiên tại các khu du lịch, điểm tham quan. Trước đây đã có hàng loạt khu vực di sản như Tràng An (Ninh Bình), hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt)... bị xâm hại, phá hủy cấu trúc tự nhiên, cho thấy việc quản lý của các địa phương với di sản, thắng cảnh chưa chặt chẽ.

Tòa nhà Mã Pì Lèng Panorama vẫn thu hút đông du khách nghỉ qua đêm dù đã có kiến nghị tháo dỡ.

Giữa năm 2019, dư luận từng bức xúc gay gắt với khu di tích lầu Bảo Đại bị Công ty CP đầu tư Khánh Hà thuộc Tập đoàn Hà Đô "cạo trọc" để xây dựng biệt thự, khách sạn, nhà hàng, quán bar... Rồi còn có vụ việc trong khu vực quần thể danh thắng Tràng An (Di sản Thiên nhiên thế giới ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình), được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng lại xuất hiện công trình xây dựng hàng nghìn bậc thang lên núi Cái Hạ (còn gọi là núi Huyền Vũ) ngay trong vùng lõi di sản.

Trước đó, năm 2017, một công ty đã đổ hàng nghìn mét khối đất đá lấn biển vịnh Nha Trang trái phép để làm dự án Khu nghỉ dưỡng Champarama Rerort & Spa mà chỉ phạt hành chính 100 triệu đồng rồi cho tồn tại…

Khách sạn Panorama quảng cáo có nhiều loại hình phòng nghỉ. Trong ảnh là phòng tập thể dành cho nhóm du lịch đông người.

Theo nhiều chuyên gia, pháp luật về di sản của Việt Nam hiện nay đang rất chung chung, chưa phân rõ ra từng luật riêng và cụ thể như luật về di sản kiến trúc, di sản đô thị, di sản thiên nhiên... mà vẫn cứ đang "lùng bùng sống chung" trong một đạo luật. Điều này dẫn đến sự khó khăn trong quản lý cũng như tạo sơ hở cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp trục lợi.

Chủ khách sạn trên đèo Mã Pì Lèng chỉ là nạn nhân?

Trả lời báo chí, bà Vũ Thị Ánh (57 tuổi, khách sạn Panorama xây dựng không phép trên đèo Mã Pì Lèng) cho biết, bà không tự ý xây dựng mà được các cấp chính quyền ở Hà Giang đồng ý, trong quá trình xây dựng, nhiều cơ quan chức năng đã đến kiểm tra độ an toàn.

Bà Ánh giải thích việc thiếu các loại giấy phép là do khi chính quyền địa phương kêu gọi đầu tư xây dựng, bà chỉ cố gắng làm cho kịp tiến độ chứ không quan tâm đến việc làm hồ sơ, thủ tục giấy tờ và nghĩ rằng địa phương sẽ lo các loại giấy phép.

Khi biết khách sạn mình đang sai phạm, có thể bị cưỡng chế, dỡ bỏ. Bà Ánh chia sẻ, nếu phá dỡ công trình, bà chỉ có nước nhảy xuống sông Nho Quế vì tất cả tài sản, cả cuộc đời của bà ở đây.

Số đông dư luận cho rằng, nên thượng tôn pháp luật trong vụ việc này. Luật pháp quy định xây dựng sai phép, chưa có giấy phép phải cưỡng chế thì cứ đúng quy định mà thực hiện. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng bà Ánh cũng chỉ là nạn nhân, những người đáng bị xử lý mà dư luận bỏ quên là cán bộ quản lý địa phương.

"Việc mang tiền đi đổ xuống đất khi dựa vào mối quan hệ quen biết vài người như bà Vũ Thị Ánh thật lãng phí thời gian và của cải, cuối cùng bản thân bà lại là người phải hứng chịu. Nhưng pháp luật không cho phép lợi ích sai trái của một vài cá nhân làm ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên", một người dân địa phương nhấn mạnh.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/panorama-moc-tren-dinh-ma-pi-leng-se-pha-do-toan-bo-tang-giat-cap-nho-ra-song-nho-que-20191010083338122.htm