Parent coach Tú Anh Nguyễn chỉ ra giai đoạn ẩm ương cực kỳ của trẻ, nhưng chỉ cần làm đúng cách thì bố mẹ sẽ qua vượt qua dễ dàng

Thật ra tất cả mọi hành vi và thái độ của con đều có nguyên nhân đằng sau. Đó là con thật sự đang có một vấn đề gì đó mà không tự giải quyết được.

Parent coach Tú Anh Nguyễn đã có những chia sẻ về cách để bố mẹ vượt qua giai đoạn "Khủng hoảng tuổi lên 3" của con:

Parent coach Tú Anh Nguyễn đã có những chia sẻ về cách để bố mẹ vượt qua giai đoạn "Khủng hoảng tuổi lên 3" của con:

Sau giai đoạn Khủng hoảng tuổi lên 2 của con, bố mẹ sẽ tiếp tục có một trải nghiệm mới có tên gọi "Khủng hoảng tuổi lên 3". Phần lớn phụ huynh đều nhận định rằng: Việc nuôi dạy con chỉ bắt đầu dễ chịu hơn khi ở giai đoạn 4 tuổi. Bởi lúc này những cơn ăn vạ, chướng tính, khó bảo sẽ dần biến mất. Thay vào đó là những cuộc trao đổi, đối thoại giữa bố mẹ và con cái. Mọi thứ dần trở nên bình tĩnh, hợp lý và nhẹ nhàng hơn.

Khủng hoảng tuổi lên 3 là gì mà bố mẹ nào cũng khiếp sợ?

"Khủng hoảng tuổi lên 3" chính xác là phiên bản nâng cấp tinh vi hơn và phức tạp hơn của "Khủng hoảng tuổi lên 2". Cụ thể là:

- 2 tuổi, con vẫn chưa nói được nhiều. 3 tuổi, con nói liên tục không khác gì một cái máy khâu. Và một số bạn nhỏ 3 tuổi còn thường xuyên hét lớn.

- 2 tuổi, câu cửa miệng của con là "Không". 3 tuổi, câu cửa miệng của con là "Tại sao?", "Sao vậy?". Bên cạnh đó "Không" vẫn là câu trả lời ưa chuộng của con.

- 2 tuổi, con chỉ có 1 "vũ khí" chính là khóc – với đủ mọi cường độ âm thanh. 3 tuổi, "vũ khí" của con đã nâng cấp lên thành: ăn vạ, khóc la, giãy giụa, dậm chân tay, và các hành vi theo chiều hướng bạo lực khác.

- 2 tuổi, con vẫn hợp tác mặc tã trong những trường hợp cấp bách. 3 tuổi, cả nhà chạy theo nhu cầu và thời khóa biểu đi vệ sinh của con.

- 2 tuổi, con rất hào hứng chọn quần áo mặc mỗi ngày. 3 tuổi, con sẽ nói: "Con không thích mặc quần áo. Vì sao con phải mặc quần áo?".

- 2 tuổi, giấc ngủ trưa của con là thời gian nghỉ giải lao của mẹ. 3 tuổi, ngủ trưa chỉ còn là một trong những hoạt động con sẽ làm khi muốn.

- 2 tuổi, con thường sẽ hào hứng ăn các món ngon mẹ nấu khi con thật sự đói. 3 tuổi, con còn bận khủng hoảng nên chỉ có thời gian ăn tầm 3 muỗng là no!

- 2 tuổi, mẹ thường mất nửa tiếng để thuyết phục con đi tắm và 10 phút sau sẽ có 1 em bé sạch sẽ thơm tho. 3 tuổi, mẹ và con mất khoảng 1 tiếng trong nhà tắm sau đó kết quả là một em bé vẫn còn đầy xà phòng. Còn mẹ ướt sũng và nhà tắm không khác gì sàn bể bơi.

- 2 tuổi, mẹ chỉ cần đánh lạc hướng con một chút là xong chuyện. 3 tuổi, mẹ thường xuyên bị con đánh lạc hướng và cuối cùng là đầu hàng hoặc chiều theo ý con lúc nào không biết.

- 2 tuổi, con sẵn lòng để mẹ làm giúp những việc con chưa làm được. 3 tuổi, con không muốn ai giúp bất cứ việc gì và muốn tự làm tất cả theo ý mình.

- 2 tuổi, con sẽ ăn vạ khi không được uống sữa sô cô la yêu thích. 3 tuổi, con sẽ ăn vạ vì con được uống sữa sô cô la nhưng con ghét cái màu nâu của sữa.

Vào tuổi lên 3, sự phát triển trong nhận thức của con đã tiến thêm một bậc so với lúc 2 tuổi. Đồng thời con cũng đã biết nói rất rõ để thể hiện suy nghĩ và quan điểm của mình. Giờ đây, con hoàn toàn ý thức được rằng mình là một cá thể độc lập. Con có một nhu cầu muốn được chứng tỏ bản thân vô cùng lớn, muốn tự mình làm mọi thứ theo ý con, con muốn thử nghiệm "quyền hành" của mình và thử thách giới hạn của mọi thứ xung quanh xem kết quả sẽ đi đến đâu.

Bố mẹ nên làm gì khi con đang trong giai đoạn Khủng hoảng tuổi lên 3?

Nếu bố mẹ đã có sự chuẩn bị tốt và có kinh nghiệm xử lý những cơn chướng tính của con từ tuổi lên 2, thì sẽ tự tin hơn khi con vào Khủng hoảng tuổi lên 3. Lúc này, trình độ và kỹ thuật xử lý khủng hoảng của bố mẹ cũng cần được nâng cấp theo con.

Là một Chuyên viên đào tạo phụ huynh về Dạy con Tích cực, tôi muốn nhấn mạnh 2 giá trị tinh thần to lớn và quan trọng nhất với bất kỳ đứa trẻ nào chính là: Sự gắn kết với gia đình và Giá trị của bản thân con đối với mọi người.

Trong giai đoạn này, bố mẹ hãy:

- Bớt la hét, bình tĩnh hơn: Ở tuổi lên 3, con sẽ rất hào hứng trong các cuộc thi "Ai hét to hơn" hoặc "Ai gan lì hơn" với bố mẹ. Khi bố mẹ bền bỉ và kiên trì giữ vững một thái độ bình tĩnh, con sẽ dần điều chỉnh thái độ và âm lượng của mình để về cùng "tông" với bố mẹ.

- Tránh phạt con trong cơn giận dữ: Thật ra tất cả mọi hành vi và thái độ của con đều có nguyên nhân đằng sau. Đó là con thật sự đang có một vấn đề gì đó mà không tự giải quyết được. Hãy cố gắng đặt mình vào vị trí của con để hiểu xem con đang "mắc kẹt" ở đâu, sau đó hướng dẫn con một cách kiên nhẫn. Đây là cơ hội rất tốt để dạy con nâng cao trí tuệ cảm xúc.

- Dành cho con toàn bộ sự tập trung và chú ý: Dù là trong khoảng thời gian ngắn, nhưng khi ở bên cạnh con, bố mẹ đừng bị phân tán vào tivi hay điện thoại. Con muốn cảm nhận được giá trị của mình trong mắt bố mẹ và con muốn cảm nhận được sự kết nối chặt chẽ mà bố mẹ dành cho mình. Hãy ôm con và thể hiện những hành động yêu thương, âu yếm với con bất cứ khi nào có thể.

- Chuẩn bị phương án phòng ngừa: Chắc chắn sẽ có một hoặc vài hành vi mà con thường xuyên lặp đi lặp lại khiến bố mẹ không thể không nổi cáu. Thay vì ngày nào cũng "nổi cơn tam bành" vì một việc mà bố mẹ biết chắc chắn con sẽ làm, hãy tìm cách phòng ngừa trước khi việc đó xảy ra.

- Luôn cho con được ở trong thế được tự quyết định và chủ động: Thay vì những câu mệnh lệnh hay các câu hỏi có/không đơn giản, hãy cho con 2-3 phương án trong tầm kiểm soát của bố mẹ. Trong mọi trường hợp. hãy để con được lựa chọn và quyết định điều con muốn. Việc này cần óc sáng tạo của bố mẹ, nhưng sẽ tránh được rất nhiều trận chiến la hét và nước mắt về sau.

- Nhượng bộ con khi có thể: Hãy xác định rằng bố mẹ không thể bắt con theo ý mình 100% trong giai đoạn này. Hãy thật sự làm theo ý con muốn trong những trường hợp mà bố mẹ nghĩ rằng mình có thể "du di" và nhượng bộ. Chỉ cần những tình huống đó không để lại hậu quả nghiêm trọng, không nguy hiểm tính mạng, không ảnh hưởng đến đạo đức hay phát triển nhận thức và hành vi khi con lớn lên thì hãy nhường con.

- Tự dặn bản thân mỗi ngày 100 lần: "Giai đoạn này rồi cũng sẽ qua thôi!".

Cuối cùng, cho dù con có trong giai đoạn khủng hoảng nào đi chăng nữa, bố mẹ vẫn là nơi bình yên nhất của con. Con có thể thoải mái bộc lộ mọi cảm xúc xấu xí nhất của mình. Vì với con, bố mẹ chính là vùng an toàn (comfort zone) để con được tự do thể hiện và trải nghiệm. Bố mẹ hãy củng cố và bồi đắp sự gắn kết, cũng như giúp con cảm nhận được giá trị của bản thân mình qua giai đoạn này và cả về sau.

Tú Anh Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/parent-coach-tu-anh-nguyen-chi-ra-giai-doan-am-uong-cuc-ky-cua-tre-nhung-chi-can-lam-dung-cach-thi-bo-me-se-qua-vuot-qua-de-dang-2220202491565480.htm