Paris Ballet và những gót chân thiên thần gây ám ảnh

Paris Ballet mang lại nhiều xúc cảm cho người xem từ thăng hoa, đắm chìm trong điệu nhạc, lời yêu đến ám ảnh bởi những gót chân biểu hiện cho sự điên dại.

Tối 11/6, nhà hát ballet hàng đầu thế giới Opera de Paris biểu diễn chương trình nghệ thuật Paris Ballet tại Hà Nội. Suốt hơn 2 tiếng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, công chúng đã được thưởng thức phong cách đặc trưng của trường phái ballet Pháp với 9 trích đoạn của những vở ballet từ cổ điển đến đương đại lừng lẫy như: Giselle, Kẹp hạt dẻ, In the night, Những nhịp đập gián đoạn trái tim, Vẫn là Carmen, Những đứa trẻ thiên đường, Không em không tiếc gìDon Quichotte.

Paris Ballet có sự tham gia của các vũ công hàng đầu nước Pháp.

Paris Ballet có sự tham gia của các vũ công hàng đầu nước Pháp.

Toàn bộ chương trình như một lược sử thời gian về ballet Pháp giúp khán giả Việt Nam khám phá những nét tiêu biểu về loại hình nghệ thuật vẫn bị liệt vào danh sách “trưởng giả học làm sang” này. Những màn kết hợp giữa những vũ công hàng đầu thế giới là Agnes Letestu, Mathilde Froustey, Audric Bezard, Florian Magnenet, Esteban Berlanga, Carlo di Lanno, Olivier Sarrat, Toby Mallitt, Alida Badia, Lucie Barthelemy khiến người xem bị “mê hoặc” và có cảm giác như đang được đắm chìm trong Paris – thành phố của tình yêu và ballet.

Nhìn những ngón chân cái của các vũ công lướt trên sân khấu và dường như chúng chẳng bao giờ chạm vào mặt sàn, người ta ví các nghệ sĩ ballet giống như những thiên thần xuống thăm trần gian nhưng không bao giờ chạm vào mặt đất.

Nghệ thuật ballet cổ điển Pháp vốn coi người phụ nữ là trung tâm của các vở diễn lãng mạn. Và quả thực những vũ công ngôi sao như quý bà như Agnes Letestu hay “cô bé Pháp” Mathilde Froustey đã trở thành “nữ hoàng” trên sân khấu Hà Nội khi được giao vị trị quan trọng, còn các vũ công nam khiêm mình lại để giữ vai trò phụ nâng đỡ các ballerina (nữ vũ công) và tôn bạn diễn trên sân khấu.

Dẫu vậy công chúng Việt vẫn không khỏi ấn tượng bởi tiết mục múa đôi kết hợp của 2 vũ công nam là Audric Bezard và Florian Magnenet trong trích đoạn Cuộc chiến giữa các thiên thần của vở diễn Những nhịp đập gián đoạn trái tim. Đây là khoảnh khắc khí thể nhất của mà biên đạo múa người Pháp Roland Petit sáng tạo ra. Những động tác uyển chuyển đầy nam tính của hai vũ công đã khắc họa cuộc chiến giữa thiên thần Saint-Loup – thiên thần của ánh sáng và Morel – thiên thần của của đêm.

Một cuộc chiến với đầy đủ dư vị từ quyết liệt mãnh mẽ đến nhẹ nhàng, mơn trớn, vừa như mũi tên lao vào đôi phương, vừa như bàn tay e ấp làm dung cảm từng khoảng khắc của da thịt. Cuộc chiến giữa các thiên thần để lại nhiều câu hỏi cho người xem. Người chưa biết vở diễn Những nhịp đập gián đoạn trái tim với trích đoạn kinh điển này hoàn toàn có thể tưởng tượng và hình dung đây là màn múa đôi biểu hiện cho tình yêu và đủ cung bậc cảm xúc từ hoan lạc đến đấu tranh, từ gắn kết đến chia sẻ.

Audric Bezard và Florian Magnenet trong trích đoạn Cuộc chiến giữa các thiên thần

Chi tiết một người ngoảnh mặt vào trong sân khấu đưa đôi chân như đang muốn chạy, còn người kia tựa đầu vào gót chân như giữ lại, như không muốn mất đi một điều gì đó khiến không ít người ám ảnh. Audric Bezard và Florian Magnenet nhận những tràng pháo tay không ngớt từ khán giả Hà Nội cho phần trình diễn xuất sắc. Và cũng có thể nói đây đã tiết mục điểm nhấn và để lại nhiều cao trào nhất trong lòng người thưởng thức.

Với nhiều trích đoạn nổi tiếng khác nhau, Paris Ballet đưa khán giả đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác. Dù không thể tập trung trọn vẹn sự chú ý và cảm xúc như xem một vở diễn nhưng khán giả có thể chuyển mình trên sân khấu và thăng hoa xúc cảm nhờ dàn nhạc sống thay vì nhạc thu sẵn như một số chương trình ballet đã tổ chức tại Việt Nam trước đó. Những đôi chân nhanh chậm múa theo điệu nhạc mang lại sự phấn khích không gì có thể miêu tả được. Cả khán phòng rộng lớn hướng về sân khấu, không ai nói lời nào vì mọi âm thanh và khoảnh khắc đều phải nhường cho “những gót chân biết hát”.

Đặc biệt hơn cả là tiếng dương cầm của Henri Barda. Những ngón tay điệu nghệ thảo trên phím dương cầm trong màu tóc trắng bạc phơ. Với tâm hồn người Việt, nghệ sĩ piano hàng đầu nước Pháp như một ông tiên, ông Bụt bên sân khấu. Thanh âm mà Henri Barda hòa chung vào khán giả, lảng bay trên sân khấu giúp những đôi chân múa lượn thêm phần điệu nghệ. In the night với phần biểu diễn 3 cặp đôi là Agnes Letestu và Florian Magnenet, Lucie Barthelemy và Toby Mallitt, Aida Badia và Esteban Berlanga trở thành một đỉnh cao nghệ thuật trong tiếng dương cầm quyến rũ.

Một trích đoạn khác cũng để lại nhiều ám ảnh về cảm xúc trong lòng khán giả là trích đoạn Vẫn là Carmen

Một trích đoạn khác cũng để lại nhiều ám ảnh về cảm xúc trong lòng khán giả là trích đoạn Vẫn là Carmen. Nhân vật Carmen tượng trưng cho người phụ nữ định mệnh và quyến rũ với vẻ đẹp ma mị chết người được sáng tạo lại với sức sống mới trong Paris Ballet. Trích đoạn khắc họa nhân vật Don Jose – trong một trại tâm thần sau khi bị Carmen quyến rũ rồi lại bỏ rơi để theo người khác.

Don Jose dường như bất động, những giấc mơ và những con ác quỷ trong anh vận động trên nền nhạc Bizet và ám ảnh anh, ám ảnh cả người xem. Anh sống lại trong cơn cuồng điên, nhảy múa, gặp gỡ, đam mê, điên rồ, hủy diệt… với một cô Carmen khi là y tá biết yêu thương và quan tâm, khi là con quỷ gợi cảm.

Bước ra khỏi khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia, khán giả có thể lưu giữ trong mình nhiều cảm xúc bất tận, từ thăng hoa, đắm chìm trong điệu nhạc, lời yêu đến ám ảnh bởi những gót chân biểu hiện cho sự điên dại. Paris Ballet thôi thúc người xem phải tìm hiểu về ballet. Với nội dung mang tính nghệ thuật, dàn dựng công phu, diễn viên giỏi, Paris Ballet thực sự là “bông hoa hồng” nước Pháp khiến công chúng Việt mê đắm.

Quang Đức
Ảnh: Trần Tùng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/paris-ballet-va-nhung-got-chan-thien-than-gay-am-anh-post657158.html