Paris khốn đốn vì chuột đông hơn người

Giới chức Paris đang tìm cách ngăn chặn tình trạng chuột tràn lan khắp thành phố nhưng nhiều người dân vẫn kiên quyết đòi bảo vệ quyền được sống của những sinh vật gặm nhấm này.

Chuột đang tràn lan khắp "kinh đô ánh sáng". Người ta nhìn thấy chúng nhan nhản tại các siêu thị, công viên và ở cả nhà trẻ, Wall Street Journal cho biết.

Geofroy Boulard, thì trưởng Quận 17 tại khu vực phía tây bắc Paris, cuối năm 2017 phải triệu tập họp khẩn xử lý cuộc khủng hoảng gặm nhấm này. Giới chức quận đã thảo luận nhiều cách thức nhằm giảm bớt số lượng chuột tại thành phố, trong đó có sử dụng thuốc diệt chuột.

Đó cũng là lần đầu tiên Boulard nhận ra rằng chuột tại Paris cũng có nhóm vận động hành lang bảo vệ quyền lợi. Khoảng 10 người biểu tình đã đối chất với ông, lên án kế hoạch của lãnh đạo quận. Họ yêu cầu chính quyền địa phương sử dụng một biện pháp nhân đạo hơn là rải thuốc tránh thai cho chuột.

Chuột đông hơn người

Boulard cho rằng lập luận của nhóm người biểu tình là không đủ sức thuyết phục, đặc biệt khi chuột hoành hành tại Paris ngày một nghiêm trọng.

"Chúng ta không thể sống chung với chuột ở những nơi công cộng", ông nhấn mạnh. Tuy thành phố vẫn chưa đưa ra con số thống kê chính thức, một chuyên gia ước đoán hiện có gần 4 triệu con chuột ở thủ đô nước Pháp, đông hơn cả dân số thành phố.

Nhân viên môi trường của thành phố Paris phải thường xuyên dọn dẹp xác chuột ở các thùng rác công cộng. Ảnh: AP.

Paris có nhiều yếu tố "địa lợi, nhân hòa" để loài gặm nhấm sinh sôi. Mật độ dân cư dày đặc của thành phố cùng với lượng khách du lịch khổng lồ đổ về mỗi ngày đã tạo ra vô số thức ăn thừa. Paris cũng được xây dựng trên nền của những kiến trúc từ thời La Mã cổ đại, tạo ra không gian ngầm thích hợp để chuột sinh sống.

Tuy nhiên, những rắc rối bắt đầu khi lũ gặm nhấm quyết định tràn lên mặt đất. Những công trình ngầm của thành phố, mực nước sông Seine dâng cao, cộng với tình trạng vứt rác bừa bãi của người dân và khách du lịch... là những lý do phía sau cuộc di dân phiền toái của chuột.

Giờ đây, không khó để khách du lịch bắt gặp hình ảnh chuột sục sạo trong những đống rác dạt ven sông Seine hay bên cạnh các tượng đài thành phố.

"Chúng tôi không muốn giết hết lũ chuột tại Paris. Làm vậy không có ý nghĩa gì cả. Chúng tôi chỉ muốn kiểm soát tình trạng chuột tràn lan khắp nơi", một quan chức thành phố cho biết.

Trong thế kỷ 20, các nhà khoa học kết luận rằng chuột là vật trung gian lan truyền dịch hạch tại châu Âu thời trung cổ. "Cái chết đen" đã cướp đi sinh mạng của gần 60% dân số toàn châu lục. Dù hiện nay nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu đặt nghi vấn về kết luận của những nhà khoa học đi trước, định kiến của con người đối với loài chuột vẫn khó thay đổi.

Những hình ảnh tiêu cực về nạn chuột xuất hiện khắp Paris như đổ thêm dầu vào lửa. Tháng 1, một nhân viên vệ sinh thành phố gửi đến Le Parisien đoạn video ghi lại hình ảnh hàng trăm con chuột sục sạo trong xe chở rác của anh.

"Điều này không thể được tiếp diễn. Đây là một cơn đại dịch", người nhân viên này cho biết.

Lượng rác thải lớn của người dân Paris trở thành nguồn thức ăn khổng lồ cho gần 4 triệu con chuột của thành phố. Ảnh: AFP.

Chuột cũng có luật sư, người bảo vệ

Cuộc tranh luận về quyền của chuột ở Pháp đã xuất hiện hàng thế kỷ trước, khi châu Âu trung cổ đang đau đầu trước nạn chuột phá hoại mùa màng và lan truyền bệnh dịch.

Theo quyển sách "Xét xử hình sự và Án tử hình đối với động vật" được viết bởi E.P. Evans, chính quyền Pháp đã tìm cách xét xử các hành vi "sai trái" của loài chuột. Vào thế kỷ 16, chính quyền vùng Autun từng mở phiên tòa luận tội một đàn chuột phá hoại cánh đồng lúa mạch của người dân địa phương. Tòa thậm chí đã chỉ định một luật sư tên Bartholomew Chassenee đại diện cho đàn chuột.

Giờ đây, những lời kêu gọi bảo vệ quyền của chuột vẫn tiếp tục được lan truyền trên mạng xã hội. "Chúng ta cần tìm được một sự cân bằng để chung sống", Claudine Duperret, một cựu chuyên viên quản lý hậu cần, cho biết. Cô đang điều hành nhóm "Giải cứu chuột" với 600 thành viên trên Facebook.

Duperret bắt đầu nuôi chuột từ 11 năm trước, khi cô con gái muốn xin một con về làm thú cưng. Kể từ đó, cô đã giải cứu 25 con chuột khỏi đường phố. Duperet còn mang chúng theo khi dạo quanh thành phố hay trong các kỳ nghỉ lễ.

Khó khăn lớn nhất của Duperret có lẽ là việc tìm chỗ chôn cất những người bạn gặm nhấm của mình. Cô cho biết vẫn còn 4 con chuột được đặt trong tủ đông của nhà bếp chờ... an táng.

Những con chuột được nhóm giải cứu đa số từng là thú cưng trong nhà. Duperret cho biết trẻ em thành phố từng đổ xô đi mua chuột sau khi bộ phim hoạt hình "Ratatouille" của Walt Disney ra mắt vào năm 2007. Tuy nhiên, cơn sốt này cũng chỉ kéo dài được vài tháng và sau đó chuột lại bị vứt ra đường. "Chuột không phải loài thú nuôi dành cho trẻ em. Chúng rất thông minh", Duperret cho biết.

Ngoài ra, nhóm cũng thường tìm thấy chuột bạch từng được nuôi trong các phòng thí nghiệm. Một vài thành viên của nhóm cũng thử nuôi chuột cống.

Claudine Duperret, trưởng nhóm giải cứu chuột tại Paris. Ảnh: WSJ.

Những nhà hoạt động như Duperret không đồng tình với giải pháp của chính quyền thành phố. Họ cho rằng giống chuột nâu cũng có quyền được cư ngụ giữa "kinh đô ánh sáng" như mọi loài động vật hữu nhũ khác.

Đối với nhóm vận động này, các biện pháp như thuốc diệt chuột hay bẫy chuột là quá tàn nhẫn.

Khi chính quyền thành phố bắt đầu chiến dịch tiêu diệt chuột 18 tháng trước, họ đã đăng trên mạng một thỉnh nguyện thư bảo vệ sinh mạng của hàng triệu con chuột. Lá thư đã thu được hơn 26.000 chữ ký đồng tình.

"Chúng tôi rất quan ngại (về kế hoạch của chính quyền)", nhà tâm lý học đã về hưu Jo Benchetrit, người viết thỉnh nguyện thư đòi cứu chuột Paris, chia sẻ.

Bà cho rằng nhiều người cảm thấy chiến dịch bảo vệ quyền của chuột là "không bình thường" do xã hội đã quen sống trong cảm giác "tàn nhẫn tầm thường".

Thanh Danh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/paris-khon-don-vi-chuot-dong-hon-nguoi-post868165.html