Park Hang Seo: Những trận chiến về tâm lý

Trước khi đi vòng chung kết, có một bài báo viết rằng Park Hang Seo cho rằng cầu thủ Việt đủ đẳng cấp thi đấu ở châu Á, ngang tầm với Nhật Bản và Hàn Quốc. Tôi giật mình, không biết ông trả lời phỏng vấn khi nào? Tìm hiểu thì té ra ông chỉ nói rằng cầu thủ Việt có những yếu tố mà cầu thủ Nhật Bản hay Hàn Quốc không có, tất nhiên, bài viết đó là một sự hiểu lầm thú vị về sau.

HLV Park Hang Seo và Quang Hải tại buổi giao lưu với bạn đọc báo Tuổi Trẻ Online. Ảnh: Nam Trần

Thể hình có thể kém, nhưng thể lực không bao giờ yếu

Cứ thấy thể lực của cầu thủ Việt bắt đầu từ phút 70 trở đi là hết pin, HLV Park Hang Seo và đội ngũ huấn luyện tìm hiểu cách làm thế nào để nâng cao thể lực của đội.

Ngoài việc tăng cường tập thân trên để tăng cường khả năng tranh chấp cơ bắp cho cả đội, ông cũng bắt đầu nói về cái gọi là yếu thể lực như một cách tiếp cận tâm lý. Thay vì nói chúng ta khỏe, ông nói rằng chúng ta xuống sức thì họ cũng xuống sức.

Thay vì nói rằng họ mạnh hơn chúng ta, thì ông luôn nói rằng cầu thủ Việt có những đặc điểm nhanh, gọn và chính xác, tinh tế, khéo léo hơn cầu thủ nước ngoài. Thậm chí, ông còn phân tích cầu thủ nước ngoài càng cao to thì càng chậm chạp khi xoay xở, chỉ cần nhanh một chút là họ bị cho đo ván ngay.

Tất cả những liệu pháp cụ thể được ông đề cập khiến cầu thủ không ngán ngại khi tranh chấp. Có cầu thủ nói rằng họ nhảy cao hơn mình, ông nói thế sao không cùng bật nhảy cùng lúc và xông vào người họ cho họ đánh đầu không chính xác, và nếu hậu vệ thì làm thế là xong chứ gì nữa.

Câu khẳng định của ông thực sự là một liều thuốc, cũng là một mệnh lệnh cho các cầu thủ. 2 tháng không đủ thời gian để thay đổi thể chất và tăng cường sức mạnh cơ bắp cho các cầu thủ. Nếu ai đó nói rằng ban huấn luyện đã nâng tầm sức mạnh cầu thủ Việt thì đó là không biết gì về U23.

Ông cũng nói rõ với các cầu thủ rằng thể lực không chỉ là sức mạnh tranh chấp, không chỉ là thể hình mà còn là sự dẻo dai, độ tập trung, độ khéo léo khi xử lý bóng, hiệu quả của từng tình huống xử lý, từ đó khiến cầu thủ hiểu chính xác thế nào là thể lực trong bóng đá.

Sức mạnh tinh thần chính là yếu tố để khắc phục những nhược điểm hiện có. Cầu thủ trong tay ông không quá cao, thậm chí Quang Hải chỉ cao 1,65m nhưng sức chiến đấu của cầu thủ này rất đáng nể. Và nói chung, cầu thủ Việt đều có chiều cao khiêm tốn.

Tất nhiên, không chỉ nói về thể lực, ông nói về những khó khăn của cầu thủ Syria, họ không có giải vô địch trong nước, cầu thủ phải tha phương cầu thực, còn cầu thủ Irắc thì phải chiến đấu trong điều kiện chiến tranh uy hiếp mạng sống bất cứ lúc nào. Ông cũng nói rằng cầu thủ Việt Nam được thi đấu như thế đã là một đặc ân mà cần phải đền đáp.

HLV Park Hang Seo trao đổi với các học trò trước loạt đá luân lưu tranh huy chương đồng ASIAD 2018. Ảnh: Đức Đồng

“Cầu thủ họ đề nghị thế, đề nghị các anh thực hiện”

Có lẽ, một trong những người stress nhất với HLV Park Hang Seo chính là anh Đoàn Anh Tuấn, Phó phòng đội tuyển của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Anh Tuấn thì chính là người quán xuyến hết tất cả mọi việc hậu cần cho đội tuyển.

Một khối lượng công việc khổng lồ trong vòng gần 2 tháng trời, từ việc tìm video trận đấu để phân tích, tìm kiếm thông tin đối thủ, đến cả những việc nhỏ nhất như từ ăn uống, đề nghị khách sạn hay ban tổ chức thay đổi lịch tập, xe cộ, vấn đề an ninh, vé máy bay đi lại, kết nối với ban tổ chức, tìm kiếm đồ ấm cho cầu thủ, đi ăn ngoài, đi dạo, giày móng sắt không có, bữa ăn không có nước mắm, vé cho cổ động viên, huy động người đi cổ vũ, đặt phòng, thông tin “tình báo”, v.v., tất cả đều một tay anh Tuấn lo liệu.

Từng là du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc, tiếng Trung thành thạo, kinh nghiệm nhiều, sắc sảo, thông minh khéo léo, và có mối quan hệ rất tốt với Liên đoàn bóng đá Trung Quốc khiến cho đội tuyển U23 ở Trung Quốc nhưng cảm thấy như ở nhà, đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho đội tuyển thành công.

Nhiều khi, chính HLV Park Hang Seo đã đưa ra những yêu cầu quá mức cho chính anh Tuấn. Anh Tuấn luôn là người biết lắng nghe và câu trả lời rất thường nghe thấy: Ok, ông và các cầu thủ yêu cầu thế thì chúng tôi sẽ tiến hành thôi.

Sau trận đấu với Irắc, đội đi xông hơi ở ngoài và không biết có phải vì thế hay không mà trong trận đấu với Qatar, cả đội đá như lên đồng. Sau trận đấu này, ông lại yêu cầu anh Tuấn phải tìm cho ông một sauna khác để cả đội đi vì sauna trước đó quá bẩn.

Nhìn cách HLV Park Hang Seo yêu cầu, tôi hiểu rằng ông muốn tất cả những gì cầu thủ đều được đáp ứng một cách đầy đủ nhất, nhưng có thể, đó cũng là một trong những chiêu quản lý cầu thủ của ông: Chúng tôi đã thỏa mãn hết yêu cầu của các bạn, vậy thì việc các bạn làm sẻ phải làm cho tốt.

Từ phải: HLV Park Hang Seo, anh Đoàn Anh Tuấn và đội trưởng Lương Xuân Trường khảo sát mặt sân thi đấu ở Thường Châu (Trung Quốc) trước trận chuẩn bị cho trận bóng U23 Việt Nam đấu với U23 Uzbekistan.

Bất cứ đội bóng nào cũng có thể bị đánh bại

Ông nói rằng trên thế gian này không có đội bóng nào hoàn thiện cả. Kể cả Barcelona hay bất cứ đội bóng nào. Ông nói về cơ hội cho những đội bóng nhỏ và những chiến thắng vang dội của họ. Các đội bóng nhỏ, chỉ cần khai thác một vài điểm yếu của đối thủ là có thể chiến thắng.

Trong bản phân tích cầu thủ đối phương, ông chỉ rất rõ ưu điểm của họ nhưng cũng nêu rõ nhược điểm của họ, ví dụ thủ môn Qatar khá kém bóng bổng, ông ra lệnh cho Văn Thanh luôn tạt bóng vào khoảng trống giữa khung thành và vòng 16m50, kết quả là chúng ta đã có bàn thắng thứ 2 như chúng ta mong muốn khi thủ môn này bắt không dính bóng. Những đội bóng như Hàn Quốc hay Úc thường chơi với hai trung vệ cao kều, ông nói rằng đừng chuyền bổng, chỉ cần chuyền sệt cận chân hoặc chạy và nhận bóng vào chỗ trống thì họ sẽ bị bỏ lại phía sau như hai con rối. Ông nhắc những cầu thủ có kỹ thuật, chỉ cần 1–2 tình huống xử lý tốt là cầu thủ đội bạn bị loại khỏi cuộc chơi. Ông kể Hàn Quốc đã thắng những đội lớn của thế giới như Ý, Tây Ban Nha để nói rằng chỉ cần chuẩn bị chu đáo, đội bóng nhỏ cũng có thể chiến thắng đội bóng lớn, vì thế mới gọi là bóng đá.

Ông luôn nhấn mạnh những ưu điểm cầu thủ Việt Nam có mà đối phương không bao giờ có, sự tự tin được nâng lên một tầm cao vút khi chúng ta quá hiểu họ và hiểu chính mình. Sự tôn trọng đối thủ là cần thiết nhưng không nhất thiết gì phải run sợ cả. Sau trận đá với Hàn Quốc, chính bóng đá Hàn Quốc đã giật tít “Bóng đá Hàn Quốc đã toát mồ hôi với Việt Nam”.

HLV Park Hang Seo trả lời các câu hỏi của báo chí tại lễ xuất quân dự Vòng chung kết U23 Châu Á. Ảnh: H.D

Cầu thủ Việt đủ đá ở Hàn Quốc và Nhật Bản ư?

Trước khi đi vòng chung kết, có một bài báo viết rằng Park Hang Seo cho rằng cầu thủ Việt đủ đẳng cấp thi đấu ở châu Á, ngang tầm với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tôi giật mình, không biết ông trả lời phỏng vấn khi nào? Tìm hiểu thì té ra ông chỉ nói rằng cầu thủ Việt có những yếu tố mà cầu thủ Nhật Bản hay Hàn Quốc không có, tất nhiên, bài viết đó là một sự hiểu lầm thú vị về sau. Bài báo này đã khiến cho ông bị các phóng viên vặn đi vặn lại sau này. Tuy nhiên điều quan trọng là ông khẳng định cầu thủ Việt có đủ tố chất để chơi bóng chứ không phải thua kém cầu thủ Hàn, Nhật, thậm chí là nếu chỉ cần thay đổi lối chơi bóng, cải thiện thêm một chút về thể lực thì cầu thủ của Việt Nam sẽ hoàn toàn chơi bóng ngang ngửa với các cầu thủ Hàn, Nhật. Câu nói này đã khiến cho cầu thủ Việt Nam tự tin hơn trước trận đá với Hàn Quốc.

Nhằm khích lệ tinh thần cầu thủ, ông lấy ví dụ so sánh bóng đá Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu chỉ nói về cơ sở vật chất, đầu tư, nền tảng, bài bản, hạ tầng thì Nhật Bản nổi trội hơn Hàn Quốc, nhưng Nhật vẫn thường thua Hàn là vì người Hàn tin rằng trận đấu chỉ dành cho 11 người chứ không phải cho 50 triệu dân Hàn Quốc đấu 200 triệu dân Nhật Bản. Trên sân, 11 người đó ai đoàn kết thì chiến thắng.

Lê Huy Khoa

(*) Tựa các phần trích đăng do Người Đô Thị đặt, cấu trúc nội dung khác thứ tự trong sách.

Kỳ 1: Park Hang Seo: một huấn luyện viên đầy thăng trầm

Kỳ 2: Park Hang Seo: “Đừng nghĩ tôi thay đổi hoàn toàn đội tuyển Việt Nam…”

"Phong cách quản trị Park Hang Seo" do Lê Huy Khoa chấp bút, NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành cuối tháng 8.2018, có kết cấu nội dung 8 phần, dung lượng hơn 200 trang.

Thông qua những quan sát trực tiếp trong quá trình làm trợ lý cho HLV Park Hang Seo và chứng kiến vinh quang của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải vô địch U23 châu Á 2018 ở Trung Quốc, Lê Huy Khoa đã phác họa một cách khá đầy đủ những điều thú vị về bóng đá, cách đối nhân xử thế tạo cảm xúc đẹp của các tuyển thủ U23 Việt Nam, cách quản trị đội bóng chuyên nghiệp của huấn luyện viên, ban huấn luyện và những cộng sự khác, với góc nhìn mới mẻ: “Bóng đá, thực ra không khác kinh doanh hay vận hành một tổ chức thông thường là mấy...”.

Ngay từ lời nói đầu, Lê Huy Khoa đã khẳng định anh không viết sách ở góc độ tôn sùng huấn luyện viên Park Hang Seo hay bất cứ ai, mà nhấn mạnh thành công đến từ sự đoàn kết, ăn ý nhau của các thành viên trong tập thể, "Ông ấy cũng là một con người, và có nhiều nhược điểm. Hãy hiểu, quyết định của HLV Park Hang Seo cũng là quyết định của cả ban huấn luyện U23, và sự đồng lòng của một tập thể. Tôi chỉ muốn nói rằng HLV Park Hang Seo và ban huấn luyện đã làm thế và đã có những kết quả, và hy vọng những điều họ đã ứng dụng trong bóng đá, dù mới hay cũ, đều có thể là một cảm hứng cho chúng ta trong công việc, kinh doanh", Lê Huy Khoa viết.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/park-hang-seo-nhung-tran-chien-ve-tam-ly-15320.html