'Pedro Paramo': Những bóng ma của ký ức

Gabriel Garcia Marquez đã từng nói rằng: 'Nếu tôi viết được một cuốn tiểu thuyết như cuốn Pedro Paramo của Juan Relfo thì tôi sẽ bẻ bút không viết nữa'.

Juan Relfo (1917 - 1986) là nhà văn, nhà viết kịch bản, nhiếp ảnh gia người Mexico. Ông nổi tiếng với tập truyện ngắn El Llano en llamas (1953), và tiểu thuyết Pedro Paramo (1955).

Chỉ với một tập truyện ngắn và một tiểu thuyết kiệt tác, Juan Rulfo xác lập được vị trí quan trọng bậc nhất trong khu vực văn học Nam Mỹ và văn học thế giới hiện đại. Juan Rulfo được coi là tác giả có ảnh hưởng lớn tới các nhà văn Mỹ Latinh khác, đặc biệt là Gabriel Garcia Marquez (Nobel Văn học 1982).

Juan Rulfo luôn bảo rằng ông không phải nhà văn chuyên nghiệp, ông chỉ viết khi cảm hứng văn chương buộc mình phải viết. Tuy chỉ có hai tác phẩm nhưng tiếng tăm của ông đã lừng danh khắp thế giới. Tác phẩm của ông không những được in rộng rãi trong các nước Tây Ban Nha và còn được dịch ra hầu khắp các thứ tiếng quốc tế.

 Bìa sách Pedro Paramo, bản tiếng Việt được dịch giả Nguyễn Trung Đức chuyển ngữ.

Bìa sách Pedro Paramo, bản tiếng Việt được dịch giả Nguyễn Trung Đức chuyển ngữ.

Đi giữa địa ngục, đi giữa hư vô

Cuốn tiểu thuyết bắt đầu từ một chuyến đi theo di nguyện của người mẹ đã chết, tìm về lại miền quê cũ. Miền quê ấy đã từng hiện diện trong ký ức của người mẹ, tuyệt đẹp như đoạn trích dưới đây:

“Ở đó con sẽ gặp lại nơi chôn nhau cắt rốn của mẹ. Đó là nơi mẹ hằng yêu mến, là nơi những ước mong thời trẻ khiến mẹ bủn rủn cả người. Làng mẹ nổi lên trên đồng bằng, um tùm cây cối. Nó giống như một con lợn đất để mẹ cất giữ những kỷ niệm của mình. Con sẽ cảm thấy người ta muốn sống trăm tuổi, nghìn tuổi, sống mãi mãi. Buổi ban mai, buổi sáng, buổi trưa, buổi tối, tất cả các buổi ấy đều giống nhau duy chỉ có gió là khác. Ở đó, gió làm thay đổi màu sắc của cảnh vật; ở đó, cuộc sống thay đổi cũng giống như những tiếng rì rầm hay nói cho đúng hơn là nó tựa như những tiếng rì rầm trong trẻo của cuộc sống…”

Hình ảnh trong ký ức êm dịu chừng ấy, bây giờ trước mắt chàng làng Comala chỉ còn là một ngôi làng chết chóc, phủ kín bầu không khí là sự tĩnh lặng của hơi lạnh người chết, chỉ còn tiếng nói, những tiếng nói ma mị bủa vây chàng.

Ngôi làng dần ra qua các lời kể của những người còn sống, những người đã chết, và qua một dòng ký ức sâu thẳm. Cùng một không gian ấy, ở những thời điểm khác nhau, là muôn mặt khác, ở đó Pedro Paramo hiện nên là nhân vật chủ chốt, chi phối tất cả đời sống của làng Comala. Những dòng ký ức đứt quãng, cứ phập phù trở về, bủa vây hiện tại.

Pedro là người điền chủ trong làng, mọi cô gái trong làng đều muốn làm vợ ông, mọi người đàn bà đều muốn được ông để mắt tới, những chàng trai đều là tôi tớ của ông, đất đai của ông trải dài mênh mông. Ông lừng lững ở đó, thể hiện sự giàu có, quyền lực của mình. Và cũng ở đó, ông thể hiện tình yêu, sự độc ác, nỗi tuyệt vọng, sự cay đắng, và cái chết của mình. Ngôi làng của ông đã chứng kiến tất cả.

Một bức tranh được chụp bởi Juan Rulfo

Ngôi làng của ông nhìn thấy ông yêu say đắm một người con gái, ông sẵn sàng quỳ sụp trước mắt nàng để thể hiện tình yêu. Ông dâng hiến mọi thứ cho Susana, và rồi khi nàng chết, ông cũng ngồi im đợi chờ từng bộ phận cơ thể mình tàn tạ đi, chết đi.

Pedro và Susana là hiện thân của những điều độc ác và những điều đẹp đẽ, đã cùng tồn tại song hành ở làng Comala, rồi cùng chết đi. Chỉ còn lại tàn dư của nó, với sự nghèo khổ, với những kẻ tha hương cầu thực, với những bóng ma còn lẩn khuất chưa thể siêu thoát.

Ngôi làng Comala chỉ còn giống như một địa ngục đầy ma quỷ, đầy tiếng nói kết tội, tiếng khóc than ai oán, và lời gào thét cầu cứu, ám ảnh và bi ai.

Ngôi làng hiện lên cũng tựa như xã hội Mexico vào những năm 50 của thế kỷ XX, khi tàn dư cũ đang chết, và số phận con người vẫn đứng giữa những màn sương mù không thể biết đi về đâu.

Cấu trúc kể chuyện độc đáo

Tiểu thuyết Perdo Paramo không chỉ tái hiện cuộc đời những nhân vật có số phận nghiệt ngã trước những khúc cua lịch sử, nó còn tạo nên một bức tranh lịch sử Nam Mỹ đa dạng, đầy âm sắc, đa thanh, đa điệu bởi cách tạo dựng cấu trúc kể chuyện độc đáo.

Trong cuốn tiểu thuyết mỏng này, ngoài lời kể chuyện của Juan Preciado, người đến ngôi làng để tìm một người cha, theo hành trình của chàng để thấy bức tranh hiện tại của ngôi làng, còn có rất nhiều lời kể xen kẽ nhau, từ quá khứ đến hiện tại. Ấy là lời kể ở ngôi thứ ba, kể về cuộc đời Pedro, lời kể của Dorotea, Eduviges, cha xứ Renteria, Aldrete, Damiana, Bartolome San Juan… tất cả những dòng kể ấy hòa vào làm một, vừa làm rộng góc độ soi chiếu nhân vật Perdo Paramo, vừa tái tạo được những vùng không gian mê hoặc, cuốn hút đối với dòng chảy của cuốn tiểu thuyết.

Về lối viết này, tác giả Juan Rulfo đã từng chia sẻ với Fernando Benitez: “Trong Perdo Paramo có một cấu trúc và cái cấu trúc này được xây dựng bằng những sợi chỉ căng thẳng xâu chuỗi những cảnh rời rạc, bởi vì những sự kiện được đưa vào trong tác phẩm xảy ra trong những phiến đoạn thời gian tương tác lẫn nhau, đó là thời gian không thời gian”.

Là một nhiếp ảnh gia, Juan Rulfo cũng là người có sự độc đáo không lẫn được trong cách tạo dựng hình ảnh. Bằng tài biến hóa ngôn ngữ xuất thần của mình, ông đã tạo dựng nên một làng quê, thấm đẫm không khi hư huyễn. Ấy là dòng thác sương mù, là đặc quánh gió, sương, là ủ ê của những ma mị, vừa chân thực vừa ảo ảnh.

Chân dung nhà văn Juan Rulfo.

Trong suốt sự nghiệp nhiếp ảnh của mình, ông đã chụp hàng trăm bức ảnh đen trắng thể hiện đời sống thường ngày ở những vùng đất xa xôi của Mexico. Văn chương và nhiếp ảnh cũng là hai dòng chảy hòa vào nhau, để bày tỏ tình yêu mến vô cùng đối với mảnh đất quê hương ông.

Pedro Paramo là cuốn sách thực sự nên đọc, không chỉ bởi giá trị văn chương sâu sắc, nó còn là cây cầu giúp bạn đến gần hơn với vùng đất Mỹ Latinh đầy bí ẩn chưa được khám phá.

Cuốn tiểu thuyết xứng đáng được ngợi ca, như lời tác gia Jorge Luis Borges đã khen tặng: “Pedro Paramo là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của văn chương tiếng Tây Ban Nha, thậm chí của cả nền văn học thế giới”.

Thủy Nguyệt

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/pedro-paramo-nhung-bong-ma-cua-ky-uc-post1042272.html