Pete Buttigieg - Chân dung ứng viên trẻ nhất cuộc đua Tổng thống Mỹ

Cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ năm 2020 đang dần tăng nhiệt đồng nghĩa với các ứng cử viên tiềm năng của các đảng phái dần lộ diện. Các quan điểm hay cam kết tranh cử của mỗi ứng viên cũng dần được định hình và quảng bá đến công chúng. Chẳng phải là tỷ phú cũng không có quá nhiều năm kinh nghiệm như một số ứng viên khác, ông Pete Buttigieg thu hút sự chú ý bởi nhiều điều đặc biệt: ứng viên trẻ nhất, ứng viên nghèo nhất và là ứng viên duy nhất công khai là người đồng tính.

ĐỘNG LỰC TỪ GIA ĐÌNH

Nếu như phát triển sự nghiệp chính trị là mục tiêu và động lực của đa phần các ứng viên Tổng thống Mỹ thì với ông Pete Buttigieg lại có phần khác biệt. Vấn đề mà vị Thị trưởng trẻ tuổi nhắm tới lại là câu chuyện về chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Mục tiêu này vốn xuất phát từ một vấn đề cá nhân của chính gia đình ông.

Trước khi cha qua đời vào tháng 1 năm ngoái, ông Pete Buttigieg và mẹ đã phải vật lộn để thu xếp những khoản tài chính khổng lồ để chăm lo cho sức khỏe và bệnh tật của cha ông trong một thời gian dài. Đơn giản bởi chính sách y tế Medicare hiện nay của Mỹ đã không cho phép chi trả đa phần các chi phí chăm sóc dài hạn như trường hợp của gia đình ông Pete. Thậm chí, một nhân viên xã hội đã nói với gia đình ông rằng, lựa chọn tốt nhất chỉ có thể là tiêu hết các khoản tiền tiết kiệm; hoặc nếu gia đình chứng minh đủ điều kiện mức nghèo cần thiết mới có thể nhận các trợ cấp ít ỏi về y tế.

Sau quãng thời gian phải chật vật khó khăn do các vấn đề chưa hợp lý trong chính sách y tế, ông Pete đã tự đặt ra cho mình một mục tiêu mới, đó là trở thành ứng viên Tổng thống Mỹ. Và đầu tuần này, ứng viên Pete Buttigieg đã công bố một loạt các đề xuất chính sách tâm huyết vốn được thiết kế nhằm ngăn chặn những tình huống khó khăn tương tự mà người dân Mỹ sẽ phải đối mặt. Kế hoạch của ông tập trung mục tiêu đảm bảo rằng, những người Mỹ lớn tuổi sẽ có quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc dài hạn với chi phí vừa phải và có thể đảm bảo tự chủ, độc lập về kinh tế sau khi về hưu.

Với kế hoạch tâm huyết mang tên “Dignity and Security in Retirement” - tạm dịch là “Nhân phẩm và An ninh trong vấn đề hưu trí”, ứng viên Pete trực tiếp kêu gọi một chương trình quốc gia mới về phúc lợi y tế chăm sóc dài hạn, đồng thời củng cố thị trường bảo hiểm trong lĩnh vực này.

Ý tưởng nổi bật trong kế hoạch của ông là chương trình phúc lợi có tên gọi “Long Term Care America”, nhằm cung cấp cho người cao tuổi khoảng 90 USD mỗi ngày để chi trả cho các chi phí chăm sóc dài hạn, như thuê phụ tá chăm sóc sức khỏe tại nhà hoặc trả tiền cho viện dưỡng lão... Chính sách này sẽ áp dụng cho đối tượng là các cá nhân từ 65 tuổi trở lên hoặc những người cần có sự trợ giúp với 2 hoặc nhiều hơn các sinh hoạt cá nhân hàng ngày.

Các ứng viên Đảng Dân chủ Mỹ tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Ảnh: AFP/Getty

Các ứng viên Đảng Dân chủ Mỹ tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Ảnh: AFP/Getty

Kế hoạch của ông Pete cũng tập trung vào việc tăng cường số lượng nhân viên chăm sóc trực tiếp, hỗ trợ những người chăm sóc gia đình không được trả lương, thúc đẩy tiếp cận chăm sóc tại nhà và mở rộng An sinh xã hội. Kế hoạch của ông hướng tới tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ cho đối tượng này. Ông cũng đề xuất thành lập Hội đồng Tiêu chuẩn về Lực lượng lao động chăm sóc trực tiếp quốc gia để giúp điều chỉnh ngành này cũng như đóng góp hoàn thiện chính sách cho các vấn đề như bồi thường, đào tạo và tuyển dụng…

ỨNG VIÊN TIỀM NĂNG

Khi dân số Mỹ đang già hóa trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, quốc gia này chưa sẵn sàng để ứng phó với thực trạng này. Theo đó, ít nhất một nửa số người trưởng thành hiện nay khi bước sang tuổi 65 sẽ cần được chăm sóc dài hạn. Và đến năm 2026, cả nước sẽ cần 7,8 triệu nhân viên chăm sóc trực tiếp mới. Thực tế hiện nay cho thấy, chi phí trung bình để thuê một phụ tá chăm sóc sức khỏe tại nhà là hơn 50.000 USD/năm, trong khi một phụ tá kiêm điều dưỡng có giá 100.000 USD/năm.

Ông Pete Buttigieg phát biểu kêu gọi cử tri ủng hộ. Ảnh: Reuters

Với thực tế như vậy, rõ ràng, ứng viên Pete Buttigieg đã nhắm vào một nhu cầu thực tiễn của người dân Mỹ. Đó là vấn đề an ninh xã hội và an ninh hưu trí. Trong tuyên bố tranh cử của mình, ứng viên Pete khẳng định, ông quyết tâm mở ra một kỷ nguyên mới cho các thế hệ người Mỹ lớn tuổi, một kỷ nguyên cho phép bất kỳ ai già đi, nghỉ hưu mà không phải lo lắng về bất cứ điều gì.

Có lẽ, tuyên bố tranh cử khá ấn tượng này đã khiến dư luận chú ý hơn đến ứng viên 37 tuổi Pete Buttigieg của đảng Dân chủ - Thị trưởng của thành phố South Bend, bang Indiana. Ông được tạp chí Forbes đánh giá là ứng viên nghèo nhất chỉ với khối tài sản trị giá chỉ 100.000 USD; trong khi các ứng viên giàu nhất là tỷ phú Donald Trump có tới 3,1 tỷ USD.

Mặc dù vậy, ứng viên Pete cũng có một số kinh nghiệm và một hồ sơ cá nhân đáng kể. Có hai bằng Đại học Harvard và Oxford, ông Pete từng làm việc cho Công ty tư vấn toàn cầu McKinsey, phục vụ trong Hải quân Mỹ. Ông cũng từng được bầu chọn là Thị trưởng của năm hồi năm 2013 dựa vào các tiêu chí về độ thú vị, độ tuổi, trình độ và nền tảng kinh nghiệm. Đặc biệt hơn nữa, ứng viên Pete còn là Thị trưởng hiếm hoi công bố là người đồng tính và công khai hình ảnh cuộc sống cá nhân.

Thị trưởng Pete Buttigieg (phải) công khai mối quan hệ đồng tính với chồng là Chasten. Ảnh: The Hill

Trong thời gian đảm nhận công việc của một Thị trưởng, ông Pete cũng đã có những thể hiện và đóng góp đáng kể cho thành phố South Bend. Có thể kể đến ý tưởng “Thành phố thông minh” thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện an toàn giao thông đường bộ, hồi sinh các công viên xanh… Trong tuyên bố tranh cử, ngoài vấn đề trọng tâm về y tế, an sinh xã hội, ông Pete còn ủng hộ thắt chặt kiểm soát súng đạn, chống phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT, bảo vệ môi trường hay chống biến đổi khí hậu…

Tất nhiên, dù có những lợi thế đáng kể về tuổi tác, sự năng động và một chính sách an sinh xã hội đột phá, ứng viên Pete vẫn sẽ phải vượt qua hàng loạt ứng viên tiềm năng của phe Dân chủ như cựu Phó Tổng thống Joe Biden hay Thượng nghị sĩ Kamala Harris…

Có một lợi thế là hiện nay, số người thuộc đảng Dân chủ ủng hộ ứng viên Pete Buttigieg đang có xu hướng tăng lên, thậm chí đã vượt các ứng viên còn lại. Tuy nhiên, chưa thể biết kịch bản nào sẽ tiếp tục diễn ra! Và rằng, dư luận sẽ còn phải chờ đến vòng bầu cử sơ bộ đầu tiên của đảng Dân chủ sẽ được tổ chức vào đầu năm tới để chọn ra một ứng viên duy nhất làm đại diện tranh cử với phe Cộng hòa. Từ nay đến lúc đó, chắc chắn ông Pete hay các ứng cử viên khác đều sẽ có rất nhiều việc phải làm!

Khang Duy

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/pete-buttigieg-chan-dung-ung-vien-tre-nhat-cuoc-dua-tong-thong-my-258117.html