Petrolimex cạnh tranh xăng dầu kiểu 'ông lớn'

Diễn đàn 'Cơ chế và điều kiện kinh doanh xăng dầu không phù hợp?' trên Tạp chí Điện tử doanhnghiepvn.vn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến độc giả về vấn đề này.

Từ ngày 31/8 đến 30/9/2018 Petrolimex thực hiện chương trình tri ân khách hàng vào thứ sáu hàng tuần. Cụ thể khách hàng sẽ được giảm 300 đồng/lít xăng và dầu diezel vào các ngày 31/8 và các ngày 7, 14, 21 và 28/9/2018. Thông tin này có thể làm nhiều khách hàng phấn khởi, nhất là các khách hàng tiêu thụ nhiều như vận tải ô tô…

Dù là tên gọi gì thì đây thực chất cũng là một nội dung Marketing mà chắc là các chuyên gia truyền thông của Petrolimex đã nghiên cứu kỹ. Để thực hiện chương trình này, Petrolime cũng phải hy sinh lợi nhuận của mình. Tất nhiên, mọi chương trình đều phải có mục đích mà cao nhất của các nhà kinh doanh là lợi nhuận.

Chi phí Marketing là chi phí hợp lý trong kinh doanh. Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, Petrolimex thực chất chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh. Vấn đề ở dây là, chương trình được thực hiện trên toàn bộ hệ thống các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex. Ngoài hệ thống các cửa hàng của mình, trong chuỗi cung ứng Petrolimex còn có rất nhiều thương nhân phân phối, tổng đại lý, thương nhân nhận quyền và đại lý.

Ảnh minh họa.

Ở đây chỉ nói đến thương nhân nhận quyền. Tại khoản 7, Điều 23, Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân nhận quyền. Ngoài việc treo biển hiệu của thương nhân theo quy định hiện hành, phải sử dụng tên thương mại, biểu tượng (lô gô), nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại của thương nhân nhượng quyền, thực hiện bằng hợp đồng phù hợp với Luật Thương mại về nhượng quyền thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật.

Điều này được hiểu là nhận diện cửa hàng của thương nhân nhận quyền chính là nhận diện thương hiệu của thương nhân nhượng quyền. Khi khách hàng vào một cửa hàng nhận quyền thì có nghĩa là đã vào cửa hàng chính hãng của hệ thống. Thực tế thương nhân nhận quyền dùng uy tín thương hiệu nhượng quyền nên họ cũng phải tuân theo những ràng buộc khác quy định trong hợp đồng nhượng quyền phí nhượng quyền, phí sử dụng nhãn hiệu... Với chương trình tri ân của Petrolimex nêu trên, có việc là hai cửa hàng đều treo biển hiệu của Petrolimex nhưng một bên thì có giảm giá 300đ/lít vào ngày thứ 6 (7/9), còn một bên thì không.

Trao đổi với PV, các chủ cửa hàng xăng dầu (Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi là thương nhân nhận quyền của Petrolimex, còn cửa hàng đối diện bên kia đường là cửa hàng thuộc sở hữu của Petrolimex. Chúng tôi cũng được bên nhượng quyền thông báo nếu muốn tổ chức khuyến mại như họ thì họ sẽ hỗ trợ 100đ/lít, còn chúng tôi bỏ ra 200đ/lít. Nhưng chúng tôi không thực hiện, không phải vì tiếc kinh phí mà vì chúng tôi cho rằng chương trình này của Petrolimex thực hiện là không đàng hoàng với bên nhận quyền như chúng tôi. Bán hàng thì phải cạnh tranh, nhưng ngoài chất lượng do bên nhượng quyền cung cấp, chúng tôi còn cạnh tranh bằng chất lượng phục vụ, sự nhanh nhẹn, tận tình, chuyên nghiệp và tình cảm nữa. Thử hình dung, từ trước tới giờ giữa hai cửa hàng cạnh tranh lành mạnh, mặc dù cửa hàng chúng tôi điều kiện không bằng bên kia nhưng chúng tôi vẫn bán tốt hơn điều đó khẳng định dịch vụ của chúng tôi tốt hơn. Xăng dầu là nhu cầu thiết yếu, vì vậy chất lượng dịch vụ ở đâu tốt hơn thì khách hàng mua. Việc Petrolimex tổ chức khuyến mại là việc của họ, tăng quyền lợi cho khách hàng là điều tốt, nhưng họ nên tổ chức đồng loạt cho cả các cửa hàng nhượng quyền nữa thì xứng với tầm vóc của họ hơn”.

Khi được hỏi về sự lo lắng khi các chương trình như thế của Petrolimex sẽ lấy mất khách hàng của mình không? Các chủ cửa hàng cho biết: “Petrolimex làm chương trình lần này là lần thứ hai, các cửa hàng nhượng quyền chúng tôi đều cảm thấy buồn vì cách làm của họ, doanh nghiệp nhà nước lớn mà còn chỉ chăm chăm vào lợi ích cục bộ thế thì kinh tế đất nước phát triển sao được. Có một vài khách hàng năm ngoái cũng bỏ chúng tôi sang đó một thời gian, nhưng giờ họ lại quay lại rồi, chắc năm nay họ lại sang vài hôm khuyến mại cho vui thôi, làm tư nhân vất vả lắm, một cái xe lớn bơm khoảng 200 lít dầu họ tiết kiệm được 60 ngàn đồng, lái xe cũng được thêm bát phở”.

Nhiều ý kiến cho rằng, Petrolimex là doanh nghiệp mà nhà nước nắm cổ phần chi phối, vì vậy ngoài việc đơn thuần chạy theo lợi nhuận, Petrolimex nên quan tâm thực hiện tốt đường lối phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong vai trò là “ông lớn”.

Những ý kiến đóng góp của thương nhân kinh doanh xăng dầu, chuyên gia kinh tế và nhà quản lý về “Cơ chế và điều kiện kinh doanh xăng dầu không phù hợp?” được thể hiện dưới dạng bài viết phân tích, phản ánh, phản biện…sẽ được Ban Biên tập xem xét đăng tải trên Tạp chí Điện tử Doanh nghiệp Việt Nam (doanhnghiepvn.vn). Ý kiến của quý độc giả xin được gửi về địa chỉ E-mail của Tạp chí điện tử: bbt.doanhnghiepvn@gmail.com hoặc địa chỉ tòa soạn: Phòng 1005, nhà D, Khách sạn Thể thao, số 15 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. BBT đề ghị tác giả của bài viết ghi rõ họ tên, địa chỉ (E-mail, số điện thoại) để tòa soạn tiện liên hệ.

Phương Linh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/petrolimex-canh-tranh-xang-dau-kieu-ong-lon/20180920092555265