Petrolimex lập chuỗi cửa hàng tiện lợi: Nếu lỗ, đừng đổ lên đầu dân!

Theo thông tin được công bố, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết đang nghiên cứu thành lập chuỗi cửa hàng tiện lợi với số lượng mặt hàng có thể lên tới 2.000 sản phẩm. Kế hoạch này, Petrolimex đã nghiên cứu trong 5 năm qua và đang được triển khai thực hiện.

Theo thuyết minh của doanh nghiệp này, việc thành lập chuỗi cửa hàng tiện lợi này là để khai thác những tiềm năng, lợi thế từ việc sở hữu hơn 5.200 cửa hàng xăng dầu trải khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thông tin này của Petrolimex được đưa ra trong bối cảnh thị trường bán lẻ của Việt Nam đang đứng trước sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt. Hàng loạt các ông lớn nước ngoài đã quyết định bán lỗ, thoái lui và rút quân khỏi thị trường Việt Nam như Metro AG của Đức bán lại hệ thống Metro Cash & Carry cho TCC Group và Casino Group của Pháp bán lại Big C Việt Nam cho Central Group (2016), Maximark, Fivimart hay Shop&Go được bán lại cho Vingroup, Jardine Matheson Group cũng đóng cửa siêu thị Giant và ngay gần đây nhất là Tập đoàn bán lẻ Pháp Auchan Retail đã lên kế hoạch bán hoạt động kinh doanh siêu thị đang thua lỗ tại Việt Nam cho những nhà đầu tư tiềm năng.

Trích báo cáo tài chính của Petrolimex năm 2018 đã được kiểm toán.

Trích báo cáo tài chính của Petrolimex năm 2018 đã được kiểm toán.

Thị trường bán lẻ Việt Nam được các chuyên gia, nhà đầu tư đánh giá là rất tiềm năng nhưng mức độ cạnh tranh cũng vô cùng khốc liệt. Sự ra đi của hàng loạt hàng loạt các tên tuổi lớn nêu trên cùng với sự rón rén của chuỗi cửa hàng tiện lợi thành công nhất trong lịch sử thế giới 7-Eleven, và quyết định ngừng đầu tư vào thị trường Việt Nam của Tập đoàn bán lẻ lớn thứ 2 Nhật Bản - FamilyMart vì thua lỗ là minh chứng cho điều đó.

Quay trở lại với câu chuyện của Petrolimex, việc quyết định đầu tư vào các hoạt động kinh doanh không bị pháp luật cấm là quyền của doanh nghiệp và tất nhiên, là có cả ý kiến phê duyệt/chỉ đạo của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước (đối với Petrolimex là Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vì Nhà nước vẫn đang giữ 75,78% vốn điều lệ của doanh nghiệp này). Người quyết định/tham gia quyết định đầu tư phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Vì vậy, thông thường, lãi/lỗ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không phải là vấn đề được người dân quan tâm.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ: Lĩnh vực kinh doanh xăng dầu là nhóm ngành Nhà nước có sự quản lý, điều tiết. Theo quy định của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, Nhà nước sẽ tính toán Giá cơ sở để làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Giá cơ sở bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp. Do vậy, về nguyên lý, kết quả kinh doanh từ các hoạt động khác của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoàn toàn có thể được tính vào giá bán lẻ cho người dân. Nếu theo nguyên lý đó, trường hợp Petrolimex mở chuỗi cửa hàng tiện lợi thua lỗ, phần thua lỗ này hoàn toàn có thể được tính chung trong giá cơ sở để điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Và đương nhiên khi đó, Người dân phải gánh cả khoản lỗ này.

Theo Báo cáo tài chính năm 2018 của Petrolimex, 02 khoản góp vốn vào Ngân hàng Eximbank (với giá gốc khoảng 50 tỷ đồng) và công ty cổ phần An Phú (110,7 tỷ đồng) đều đã được Petrolimex trích lập dự phòng với tổng số hơn 120 tỷ đồng, lần lượt là 15,244 tỷ đồng và 105,560 tỷ đồng. Nghĩa là, Petrolimex đã đưa vào chi phí của doanh nghiệp hơn 120 tỷ đồng cho khoản lỗ có thể phát sinh từ hoạt động đầu tư kinh doanh ngoài ngành. Liệu khi tính giá cơ sở để làm căn cứ điều hành giá bán lẻ, các cơ quan Nhà nước đã loại trừ các khoản mục này hay chưa? Hay cứ chi phí doanh nghiệp đã ghi nhận là được cộng vào giá cơ sở?

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xem lại quy mô của cấu phần “Lợi nhuận định mức” khi tính Giá cơ sở. Số liệu tài chính cho thấy, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Petrolimex là rất cao trong 03 năm qua, lần lượt là 25,8 (2016), 16,8 (2017) và 17,5 (2019). Câu hỏi đặt ra là có nhất thiết phải duy trì một mức lợi nhuận rất cao đối với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Nhà nước đang kiểm soát, điều tiết giá hay không?

Và cuối cùng, xin đừng đổ lên đầu người dân những khoản lỗ từ hoạt động đầu tư ngoài ngành (nếu có) như mở chuỗi cửa hàng tiện lợi!

Lê Trần

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/petrolimex-lap-chuoi-cua-hang-tien-loi-neu-lo-dung-do-len-dau-dan-d2066877.html