PGS.TS- ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: GHI ĐẬM DẤU ẤN, THÀNH CÔNG CỦA NƯỚC CHỦ NHÀ VIỆT NAM VỚI BẠN BÈ QUỐC TẾ

Đánh giá cao chất lượng các kiến đóng góp của các nghị sỹ trẻ Việt Nam và quốc tế cho Phiên thảo luận chuyên đề về 'Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững' trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng Phiên thảo luận này đã góp phần làm nên thành công, ghi đậm thêm dấu ấn tốt đẹp của nước chủ nhà Việt Nam với bạn bè quốc tế.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam

Sau hai ngày làm việc rất sôi nổi, khẩn trương, hữu nghị, đoàn kết và với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc chính thức và thành công tốt đẹp.

Hội nghị cho thấy Diễn đàn nghị sĩ trẻ IPU là một diễn đàn rất cần thiết, bổ ích cho các nghị sĩ trẻ và tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của nghị sĩ trẻ nói riêng, giới trẻ nói chung với tư cách là chủ nhân tương lai của mỗi quốc gia, dân tộc và của cả thế giới trong việc tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Liên minh nghị viện thế giới (IPU) và của Liên hợp quốc.

Đáng chú ý, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 lần này đã dành hẳn một Phiên thảo luận chuyên đề cho nội dung về văn hóa với chủ đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững”. Phiên thảo luận là sáng kiến của Quốc hội Việt Nam, đã nhận được sự quan tâm lớn, cũng như rất nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận sôi nổi, tâm huyết từ các nghị sỹ trẻ các nước và trở thành một điểm nhấn thành công quan trọng của Hội nghị năm nay.

Phóng viên: Việt Nam chúng ta vừa đăng cai thành công Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Thủ đô Hà Nội. Để khép lại nội dung thảo luận chuyên đề, Hội nghị đã dành hẳn một Phiên thảo luận chuyên đề cho nội dung về văn hóa. Điều đó đã nói lên tầm quan trọng và vai trò của văn hóa với mỗi quốc gia, cũng như Việt Nam như thế nào thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội: Đến giờ phút này, tất cả chúng ta đều phải thừa nhận rằng, văn hóa là một lĩnh vực hết sức quan trọng trong thế giới ngày hôm nay. Việt Nam - đất nước chúng ta cũng đang rất chú ý đến lĩnh vực này. Quốc hội Việt Nam đã thể hiện điều đó khi tổ chức rất thành công Hội thảo văn hóa về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa vào năm 2022 tại Bắc Ninh. Việc đưa chủ đề văn hóa vào hội nghị cũng là đóng góp riêng của Việt Nam và được sự đồng tình, nhất trí cao của Ban tổ chức Hội nghị.

Đối với mỗi quốc gia, văn hóa đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển bền vững. Văn hóa là những giá trị chung của một cộng đồng, là môi trường tạo ra những giá trị đạo đức, tư tưởng, truyền thống, phẩm chất con người và khuyến khích sáng tạo trong xã hội. Văn hóa cũng phản ánh nhận thức và ý thức của một quốc gia, giúp tô điểm nét đẹp văn hóa của dân tộc và thể hiện khía cạnh đặc biệt của từng quốc gia.

Phiên thảo luận chuyên đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” của Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 nhận được sự quan tâm lớn, nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận sôi nổi, tâm huyết từ các nghị sỹ trẻ các nước và trở thành một điểm nhấn thành công quan trọng của Hội nghị năm nay

Đối với Việt Nam, văn hóa đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước, góp phần định hình ý thức và giá trị con người, sức mạnh dân tộc. Bên cạnh đó, văn hóa còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Những giá trị văn hóa đặc trưng của Việt Nam như tình yêu nước, tinh thần đoàn kết, chia sẻ, nghĩa tình... đã góp phần tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Chính vì lẽ đó, để xem xét đóng góp của văn hóa vào mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Liên hợp quốc đã đề ra, Hội nghị Nghĩ sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 lần này đã dành hẳn một phiên thảo luận để trao đổi về vai trò của các nghị viện và nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ và toàn cầu hóa, cụ thể: Hợp tác kỹ thuật số dựa trên đạo đức và giảm thiểu tác động không mong muốn của chuyển đổi số đối với quyền riêng tư, bảo mật và hạnh phúc; Phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; Cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa; tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; Vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững.

Phóng viên: Tại Phiên thảo luận chuyên đề về “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” trong khuôn khổ Hội nghị Nghĩ sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, là đại diện đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia phát biểu đề dẫn tại phiên thảo luận này, ông có suy nghĩ gì?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội: Chúng ta đã thấy, văn hóa ngày càng quan trọng trong quá trình phát triển của thế giới. Sau khi chúng ta đã cơ bản vượt qua những nhu cầu cơ bản của con người, đời sống tinh thần dần quyết định chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của con người và cả thịnh vượng của quốc gia. Chính vì tầm quan trọng đó, chúng ta đã thấy sự dịch chuyển trọng tâm chú ý của cả thế giới đối với văn hóa.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tại Phiên thảo luận chuyên đề về “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9

Nếu như những năm 1980-1990 của thế kỷ trước, UNESCO phát động thập niên phát triển văn hóa, thì với nhiều tuyên bố, công ước về văn hóa sau đó, đặc biệt là Công ước 2005 của UNESCO về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa, đã thực sự tạo ra đột phá về nhận thức của các quốc gia về vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển đất nước. Bảo vệ chủ quyền văn hóa quốc gia để tạo điều kiện bảo vệ các biểu đạt đa dạng văn hóa, làm nên sức sống của thế giới, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mỗi đất nước.

Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 rằng “văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Các quốc gia giờ đây tập trung nhiền hơn cho việc bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc, tạo nên bản lĩnh để hội nhập quốc tế tốt hơn.

Tất cả các đại biểu, nghị sĩ trẻ đều nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa trong việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc

Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đã khiến cho tất cả quốc gia đều phải đối mặt với một xã hội số, kinh tế số, công dân số và văn hóa số, ở đó chứa đựng cả cơ hội, thuận lợi và thách thức, khó khăn cho việc bảo vệ các biểu đạt đa dạng của văn hóa.

Đó là lý do Quốc hội các nước đều mong muốn thiết lập hệ thống chính sách, luật pháp để tạo điều kiện, môi trường cho văn hóa phát triển, từ đó đem lại lợi thế cho sự phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Nghị sĩ trẻ chính là những người đóng vai trò quan trọng trong quá trình thảo luận và đưa ra những chính sách, phát luật này, vì thế, việc lựa chọn chủ đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” thực sự rất phù hợp với ưu tiên chung của Quốc hội các nước và của Quốc hội Việt Nam.

Phóng viên: Là đại biểu trực tiếp cùng điều hành nội dung của Phiên thảo luận chuyên đề về “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” của Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9, ông có đánh giá như thế nào về chất lượng ý kiến đóng góp từ các nghị sỹ trẻ cũng như thành công của Phiên thảo luận chuyên đề này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội: Qua 2 ngày làm việc liên tục, tôi cho rằng, Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã thành công và để lại nhiều dấu ấn, tình cảm tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế về về đất nước, con người và Quốc hội Việt Nam. Đây là Hội nghị quốc tế đa phương có quy mô và sức ảnh hưởng lớn. Thành công này sẽ tiếp tục giúp tăng cường vị thế và uy tín của đất nước chúng ta trên trường quốc tế.

Thành công của Hội nghị không chỉ đến từ sự chuẩn bị chu đáo, nhiệt tình của phía Việt Nam chúng ta, mà còn ở chủ đề được lựa chọn, cách thức, chất lượng thảo luận và thành phần tham gia thảo luận tại Hội nghị.

Các đại biểu, nghị sỹ tại Phiên thảo luận chuyên đề về “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9

Tiêu biểu là Phiên thảo luận chuyên đề về “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” là sáng kiến của Quốc hội Việt Nam, và thực sự đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nghị sĩ trẻ, ghi đậm dấu ấn và thành công của nước chủ nhà Việt Nam. Điều đó thể hiện qua việc phiên họp vô cùng sôi nổi với các ý kiến phát biểu và thời lượng kéo dài thêm gần một giờ đồng hồ so với dự kiến ban đầu. Bên cạnh đó, chủ đề và chất lượng nội dung lựa chọn cũng rất phủ hợp, có tính thời sự với mọi quốc gia ; đặc biệt là chất lượng, sự đa dạng của các ý kiến đóng góp, phát biểu từ các nghị sỹ trẻ Việt Nam và quốc tế đã cho chúng ta thấy được một bức tranh toàn cảnh và những giải pháp đa chiều về quá trình thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững ở mỗi nước.

Qua phiên thảo luận đầy trách nhiệm và sôi nổi về văn hóa, tất cả các đại biểu, nghị sĩ trẻ đều nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa trong việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, cũng như trong bối cảnh chuyển đổi số, ở đó, văn hóa số đã tạo nên những thuận lợi và đặt ra nhiều thách thức cho văn hóa, kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia.

Tôi cho rằng, Phiên thảo luận chuyên đề này là điểm nhấn rất một thành công của nước chủ nhà Việt Nam khi chúng ta đã đưa ra được những vấn đề trọng tâm mà các quốc gia, các Quốc hội và các nghị sẽ trẻ rất quan tâm và mong muốn thể hiện quan điểm. Hơn cả, chúng ta cũng thành công trong việc giới thiệu những ví dụ hay, hình ảnh đẹp và những thông điệp truyền cảm hứng từ những nỗ lực bảo vệ và phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa Việt Nam với các bạn bè quốc tế.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=79966