PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH: CÁC Ý KIẾN TẠI DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM 2022 SẼ ĐẨY NHANH QUÁ TRÌNH THAM VẤN PHỤC VỤ SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI

Sau một ngày làm việc sôi nổi, trách nhiệm và khẩn trương, Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 đã thành công tốt đẹp. Là một trong những đại biểu được mời tham dự Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, các ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế tại Diễn đàn là kênh thông tin tham khảo hữu ích, giúp đẩy nhanh quá trình tham vấn, cũng như tổng hợp ý kiến, xem xét sửa đổi Luật Đất đai phù hợp với thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022

Tổng thuật Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022

Toàn cảnh ''Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022'' với chủ đề ''Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững'' được tổ chức ngày 18/9.

Phóng viên: Là một trong hơn 450 đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022, ông có đánh giá khái quát như thế nào về kết quả Diễn đàn?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế: Kết quả của Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 đã tạo ra sự nhất trí cao về mặt lý thuyết, lý luận trong thực tế điều hành của nền kinh tế Việt Nam thời gian tới. Trong đó, mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó thúc đẩy quá trình hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2022, năm2023 và những năm tiếp theo. Các ý kiến tại Diễn đàn được trao đổi nhiệt tình, thẳng thắn, ý kiến đóng góp của các chuyên gia cho thấy có sự thống nhất trong hầu hết các vấn đề, từ đó có thể triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội, Chính phủ trong thực tiễn đời sống.

Phóng viên: Trong các nội dung được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022, ông quan tâm đến vấn đề nào?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế: Tôi quan tâm tới đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bởi đất đai là vấn đề rất lớn, liên quan đến hầu hết lĩnh vực, mọi chủ thể kinh tế, từ cá nhân cho đến các doanh nghiệp cũng như công tác quản lý Nhà nước. Chính vì vậy, việc chọn xem xét sửa đổi chính sách về đất đai chính là điểm mốc để giải quyết bài toán đang tạo ra kẽ hở lớn vì đã có nhiều vụ khiếu kiện, khiếu nại, tham nhũng, thất thoát tài sản lớn trong thời gian qua liên quan đến đất đai. Đây là một vấn đề rất khó đã được các cơ quan chức năng, các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp nhiều ý kiến. Thông qua Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 có thể thấy những điểm đột phá để giúp các cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa Luật Đất đai trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến tại Diễn đàn cũng thống nhất quan điểm sửa đổi luật theo hướng bỏ khung giá đất, trên cơ sở đó thống nhất việc thay đổi, điều chỉnh các quy định của hệ thống pháp luật liên quan. Tôi hy vọng, qua Diễn đàn này, các ý kiến của chuyên gia trong nước và ngoài nước sẽ là kênh thông tin tham khảo hữu ích, giúp đẩy nhanh quá trình tham vấn, cũng như quá trình tổng hợp ý kiến, xem xét sửa đổi Luật Đất đai phù hợp với thực tiễn.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, thông qua Diễn đàn Kinh tế - Xã hội, các ý kiến của chuyên gia trong nước và ngoài nước sẽ là kênh thông tin tham khảo hữu ích, giúp đẩy nhanh quá trình tham vấn, cũng như quá trình tổng hợp ý kiến, xem xét sửa đổi Luật Đất đai phù hợp với thực tiễn.

Vấn đề thứ hai tôi quan tâm đó là việc thực hiện Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế trong giai đoạn còn lại của năm 2022 và những năm tiếp theo. Đối với lĩnh vực tài chính tiền tệ, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đan xen giữa nhiều nhân tố nhưng nhân tố có tác động có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của nền kinh tế đó là lạm phát cao, lãi suất cao, các đồng tiền biến động mạnh… việc Việt Nam xác định giữ vững ổn định giá trị của đồng Việt Nam, thậm chí nâng cao giá trị của đồng Việt Nam so với một số đồng tiền mạnh trong thời gian qua là đúng đắn. Vì vậy, việc tiếp tục giữ vững ổn định và nâng cao vị thế của đồng Việt Nam trong thời gian tới, giảm áp lực lạm phát cơ bản, giúp hoạt động kinh tế phù hợp, linh hoạt hơn.

Các ý kiến tại Diễn đàn cũng đồng thuận về quan điểm đổi mới hệ thống huy động vốn trung và dài hạn. Biện pháp chủ yếu thời gian qua là huy động thông qua thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu bổ sung, trái phiếu doanh nghiệp; đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế bằng việc phát hành linh hoạt chủ động trái phiếu Chính phủ để đáp ứng yêu cầu đầu tư công, trên cơ sở đó, giảm lượng cung tiền tệ cho nền kinh tế nhưng đảm bảo đủ cho quá trình sản xuất…

Bên cạnh đó, tại diễn đàn, tôi đánh giá cao việc thực hiện gói hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế, các ý kiến tại Diễn đàn cũng đồng thuận cho rằng Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm đề ra các cơ chế chính sách nhanh chóng, kịp thời, có sự kiểm tra đốc thúc để chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tôi, việc triển khai chương trình cần thường xuyên xem xét, điều chỉnh phù hợp hơn với thực tiễn. Trong đó, cần hỗ trợ vừa đủ đối với những doanh nghiệp có quyết tâm và đủ năng lực vươn lên để có thể cạnh tranh bình đẳng thị trường trong nước và thế giới.

Phóng viên: Tại Diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế đã đóng góp nhiều ý kiến phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, theo ông giải pháp nào cần được quan tâm triển khai để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2022 và những năm tiếp theo?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế:

Đối với các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững, theo tôi cần chú trọng quan tâm phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cần coi đây động lực để tăng trưởng trong thời gian tới. Đặc biệt, phải tiến hành cải cách nền kinh tế, phục hồi và tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tái cấu trúc lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến hơn để vượt bẫy thu nhập trung bình trong thời gian từ nay đến năm 2030.

Mặc dù, chúng ta cũng đã có cơ chế, chính sách về phát triển chương trình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhưng những chương trình này vẫn còn chung chung, cần cụ thể hóa lộ trình triển khai, các bước ưu tiên thực hiện theo từng mốc thời gian để tạo ra bước đột phá. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế xanh đòi hỏi chi phí cực kỳ tốn kém, lợi nhuận thấp hơng so với phương thức sản xuất truyền thông. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, các ngân hàng thương mại tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn cho các dự án xanh, có như vậy mới tạo sự phát triển bền vững.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=68582