PGS.TS Nguyễn Thị Trâm: Hết lòng với nông nghiệp Việt Nam

Nhắc đến PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, nhiều người gọi bà là một trong những nhà khoa học nữ thành công nhất trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, từng khai sinh ra nhiều giống lúa lai năng suất cao, chất lượng tốt, có hương vị thơm ngon và giá trị kinh tế lớn như TH3-3, TH3-4, TH3-5… Chia sẻ về chặng đường này, bà nói rằng làm cái gì cũng có khó khăn, cái chính là phải có quyết tâm đi đến cùng.

Cuộc đời nghiên cứu khoa học của bà Trâm gắn liền với các giống lúa Việt Nam.

Cuộc đời nghiên cứu khoa học của bà Trâm gắn liền với các giống lúa Việt Nam.

PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, đâu là những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của bà?

PGS.TS Nguyễn Thị Trâm: Cuộc đời khoa học của tôi thì rất dài. Năm 1968, khi ra trường, tôi làm nghiên cứu đầu tiên về cây lúa, sau đó chọn tạo giống lúa ở Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, rồi làm nghiên cứu sinh (cũng về cây lúa) và về Học viện Nông nghiệp Việt Nam giảng dạy. Ở đây tôi dạy về chọn giống cây trồng nói chung, đồng thời tập trung nghiên cứu chọn tạo giống lúa. Năm 1999, tôi về hưu nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu ở cơ quan cũ.

Ban đầu chỉ là một nhóm nghiên cứu về lúa lai, sau một thời gian thì nhà trường cho thành lập Viện Sinh học Nông nghiệp, từ đó chúng tôi tự túc bỏ kinh phí cá nhân ra để chọn tạo giống, tất nhiên có sự hỗ trợ của trường về đất đai, phòng thí nghiệm. Nhân lực nghiên cứu khoa học thì có các em sinh viên, các nghiên cứu sinh.

Đến năm 2008, lần đầu tiên tôi bán được bản quyền một giống lúa lai 2 dòng có tên TH3-3 trị giá 10 tỷ đồng, đấy cũng là một nghiên cứu khoa học phục vụ được nhân dân. Giá trị 10 tỷ đồng đối với khoa học không phải là lớn, nhưng là lần đầu tiên trong nông nghiệp thấy rằng nghiên cứu khoa học có giá trị đích thực nào đó về mặt vật chất. Từ xưa đến nay mình cứ đưa ra thế thôi nhưng chưa được ai đánh giá, mà chỉ có giấy khen. Cái đánh giá bằng vật chất đã nói lên giá trị sử dụng ngoài sản xuất như thế nào.

Sau thành công đó tôi vẫn tiếp tục làm nghiên cứu ở Viện Sinh học Nông nghiệp (nay là Viện Nghiên cứu và Phát triển Cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Chúng tôi lấy sản phẩm khoa học công nghệ để nuôi đội ngũ cũng như nuôi các đề tài khoa học. Cuối năm 2012 thì tiến hành nghiên cứu cây sacha inchi, cũng hoàn toàn với vốn tự bỏ ra, cùng với sức lực của các em sinh viên, các cao học viên làm đề tài thạc sĩ, kết hợp với nông dân các nơi cùng bỏ vốn ra làm. Chính sức ép mặt tài chính nên làm đến đâu cũng phải nghĩ đến việc sản phẩm của nó có sử dụng được hay không, và sử dụng được thì sẽ thu lại để bù đắp công lao nghiên cứu, trả tiền cho những đánh giá, tổng kết, báo cáo…

Kết quả nghiên cứu những giống lúa đã đạt thành công, mang lại nhiều giá trị. Vậy còn nghiên cứu về loại cây mới sacha inchi, kết quả nghiên cứu có tác động gì đến xã hội, và phục vụ gì cho đời sống nhân dân?

- Cây sacha inchi là một cây lấy hạt, nhưng hạt này cho dầu và protein không giống như hạt lúa, mà tương đương như đỗ tương hay óc chó, đậu xanh, đậu đỏ… Thực tế Việt Nam có khá nhiều loại nông sản để xuất khẩu như lúa, cà phê, tiêu, điều, rau, hoa quả, nhưng lại rất thiếu những dạng cây có hạt, mà hạt sacha inchi lại cho dầu và protein rất có lợi cho sức khỏe. Cây sacha inchi có hàm lượng dầu tương đối cao, từ 45-50%, và protein khoảng 27%. Đây là loại cây lâu năm, trồng 1 lần thu được 15-20 năm và là cây thân leo không kén đất trồng. Chúng ta có thể tận dụng đất để trồng, ví dụ ở nông thôn có rất nhiều bờ rào có thể trồng leo xung quanh, hoặc trồng ở những vùng đồi núi vừa làm cây phủ xanh đất chống xói mòn, vừa có thể thu được sản phẩm.

Bên cạnh tác dụng lấy dầu và protein, cây cũng cho nhiều dược chất tốt nữa như vitamin e làm đẹp cho phụ nữ. Hiện sacha inchi đã chính thức được công nhận là giống cây dược liệu của Việt Nam.

Từ giống cây mới này, đã cho ra đời những sản phẩm được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày?

- Chúng tôi nghiên cứu từ năm 2012, đến khoảng năm 2015 bắt đầu thử nghiệm một số sản phẩm. Đầu tiên là ăn thử rau và phân tích đầy đủ thành phần, độc tố. Khi ổn rồi thì cho nhân dân ăn rau luộc, xào, xao vàng uống chè, hay nghiền làm trà túi lọc cũng rất ngon, giúp lợi tiểu mát gan, dễ ngủ cho những người già… Hiện đã có nhiều sản phẩm được ra đời như dầu, hạt rang, viên nang omega… Chúng tôi đã bắt đầu bán, và đã được Cục An toàn thực phẩm cấp chứng nhận. Tôi nghiên cứu để định danh nó tại Việt Nam. Trước đây chúng ta chưa có, bây giờ nhập một nguồn gien mới về. Khi nhập về thì phải đánh giá xem có phải sinh vật ngoại lai gây hại không, nó có lợi và hạn chế ở điểm nào để khuyến cáo. Các học trò ở trường, các người trẻ ở một số tỉnh cũng đến đề nghị tôi giúp đỡ họ khởi nghiệp, tôi giúp họ bằng cách viết một quyển sách giới thiệu về cây này, thấy cây này lợi ở mặt nào thì các bạn tự khai thác. Hiện nay cũng có nhiều người đã sử dụng sản phẩm từ cây này để khởi nghiệp, mở công ty như công ty Yên Ca (Hòa Bình), Sachi Tây Nguyên, Sacha inchi Việt Nam…

Một số sản phẩm được ra đời từ cây sacha inchi.

Cuộc đời làm nghiên cứu khoa học của bà có thể nói đã đạt được nhiều thành tựu: Giải thưởng Kovalevskaia năm 2000, Bằng tác giả sáng chế, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ năm 2005 và rất nhiều các giống lúa mới đã ra đời…?

- Tôi làm nghiên cứu đã sang năm thứ 52 rồi. Làm nghiên cứu lúa cho đến tận bây giờ. Về nghiên cứu lúa, tôi là người bán bản quyền nhiều nhất ở Việt Nam, bán giống lúa lai TH3-3 trị giá 10 tỷ cho 1 công ty TNHH của Nam Định, một giống lúa lai 2 dòng nữa là TH 3-4 giá 700 triệu, một giống lúa lai 3 dòng giá 500 triệu, một giống lúa giá 4,2 tỷ cho một công ty của Ấn Độ, một số giống lúa thuần chất lượng cao như Hương Cốm…

Miệt mài với những công trình nghiên cứu ở cái tuổi không còn trẻ. Có thể thấy sự đam mê nghiên cứu ở bà. Có động lực to lớn nào giúp sức cho bà không?

Thực ra tôi cũng có hoàn cảnh riêng, không may mắn là chồng mất sớm. Đến lúc về hưu thì vẫn khỏe mạnh, con cái chưa ổn lắm về sự nghiệp, lại có mẹ già, cho nên phải cố gắng làm lấy kinh tế. Đó cũng là một động lực về tài chính. Động lực về nghiên cứu thì thấy mình còn khỏe, mà sự nghiệp nghiên cứu trong khi đi giảng dạy đối với nông nghiệp nó có thời vụ, và phải làm thực nghiệm rất nhiều trên đồng ruộng. Nếu đi giảng dạy thì không có thời gian để triển khai các kết quả nghiên cứu của mình ra đồng ruộng nông dân. Tất nhiên khi đưa một giống ra thì phải mọc được ở nhiều vùng, và các vùng được đánh giá tốt xấu như thế nào, chứ nhờ lực lượng khác mình không mục sở thị được, không yên tâm. Khi về hưu, người ta có nhiều cách kiếm thêm kinh tế, nhưng tôi thì ít cơ hội hơn nên hơi liều. Tôi thuê ruộng của nhà trường, mượn phòng thí nghiệm, vận động sinh viên quê ở nông thôn không có điều kiện xin việc cùng tham gia nghiên cứu. Tôi huấn luyện các em học việc. Sau khi học việc thành công thích thì ở lại với tôi, hoặc có điều kiện thì xin việc cho các em.

Nhiều người định kiến rằng, phụ nữ thì nên chọn việc nhẹ nhàng. Công việc nghiên cứu khoa học đối với một nữ trí thức thì có gặp nhiều khó khăn hơn so với nam giới không?

Trong khoa học nông nghiệp thì nữ đông hơn nam. Bởi khoa học nông nghiệp có cái khác hơn khoa học khác là khoa học ứng dụng. Khoa học ứng dụng vừa phải có tâm huyết làm nghiên cứu, nhưng cũng phải có sự sẵn sàng dấn thân đi thực tế. Mà thực tế nông nghiệp ở Việt Nam có rất nhiều vất vả. Đa số các anh chị em học nông nghiệp, khát khao tiến bộ thì cũng say sưa với thực tế nông nghiệp. Cho nên số lượng nữ hơi nhiều. Viện nghiên cứu của tôi hiện cân bằng, nửa nam nửa nữ. Những người đóng góp nhiều cho khoa học thì nữ cũng rất nhiều. Về khó khăn thì một phần là sức khỏe, nữ không tốt bằng nam. Ở độ tuổi lấy chồng sinh con thì không thuận lợi cho việc đi công tác ở nơi này nơi khác. Học sinh nữ học nông nghiệp, thì trình độ ngoại ngữ hạn chế hơn...

Trong quá trình làm nghiên cứu hẳn sẽ có những mệt mỏi, có thể là lúc mình hi vọng nhất thì lại bị thất bại lớn nhất. Có khi nào bà định bỏ cuộc không?

- Bỏ hẳn thì không, nhưng phải tìm cách khắc phục. Có những lúc chúng tôi phải bỏ tiền ra đền nông dân. Nhưng sau lại về tổng hợp lại để cùng sửa đổi.

Là người nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học. Bà có thể đưa ra một số lời khuyên cho các bạn sinh viên hay người làm khoa học trẻ không?

Thứ nhất, làm cái gì cũng khó khăn. Muốn thành công, đầu tiên phải tích lũy kiến thức đầy đủ, và thường xuyên được bổ sung. Thứ hai, phải quyết tâm, xác định được cho mình một ý tưởng. Nếu anh làm gì mà không có ý tưởng thì sẽ không đọc ra được mục tiêu, như thế thì không biết đích là đâu cả. Khi mình đặt mục tiêu đúng, thì trên đường đi có thể gặp khó khăn, mình phải tự động viên tìm cách khắc phục, tìm đúng nguyên nhân để khắc phục. Đặc biệt đối với phụ nữ, ngoài việc sức yếu, khó khăn về gia đình, đôi khi giữa chị em phụ nữ với nhau còn có sự đố kỵ. Cho nên ai cũng vậy, phải sống rất vui vẻ, hòa đồng…

Trân trọng cảm ơn bà!

Huyền Trang (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/pgsts-nguyen-thi-tram-het-long-voi-nong-nghiep-viet-nam-tintuc450277