PGS.TS Trương Ngọc Kiểm: Muốn khởi nghiệp, cần đam mê, dấn thân và quyết tâm cao độ

PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Mạng lưới Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng (VNEI) mới đây đã có cuộc trao đổi cởi mở về câu chuyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là khởi nghiệp trong sinh viên.

Trong thời đại 4.0, khởi nghiệp đang trở thành một làn sóng ngày càng lan rộng giữa cộng đồng người trẻ Việt Nam, bao gồm cả các bạn sinh viên còn ngồi trên ghế giảng đường. Tuy nhiên, câu chuyện khởi nghiệp chưa bao giờ là “màu hồng”, và xây dựng cả một sự nghiệp từ hay bàn tay trắng là con đường vô cùng chông gai. Với vai trò là Giám đốc Trung tâm Tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội), theo ông, sinh viên khởi nghiệp cần những gì; và yếu tố nào có thể được coi như là đóng vai trò quyết định giúp khởi nghiệp thành công?

PGS.TS Trương Ngọc Kiểm tại lễ công bố Chương trình “Hợp tác nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam”.

PGS.TS Trương Ngọc Kiểm: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa bao giờ là dễ dàng cả và nó đòi hỏi một sự đam mê, dấn thân và quyết tâm cao độ của các startup. Các chuyên gia trên khắp thế giới đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra các yếu tố để khởi nghiệp thành công với các góc nhìn khác nhau, từ vai trò của Nhà nước, vai trò của các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp và của chính các startup.

Theo tôi, các yếu tố quan trọng nhất để các bạn trẻ có thể bước vào khởi nghiệp và chạm tới thành công, đầu tiên phải là đam mê và thực sự yêu thích ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ mà mình mong muốn khởi nghiệp. Bạn có đam mê bạn sẽ dành toàn bộ tâm huyết, thời gian, công sức cho nó; có động lực chấp nhận và vượt qua các rủi ro, khó khăn, vất vả có thể có...

Thứ hai, đó là tinh thần ham học hỏi, sáng tạo không ngừng. Tinh thần ham học hỏi sẽ giúp bạn hoàn thiện kiến thức, rèn luyện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm để thực sự am hiểu về thị trường, quản trị nhân sự, tài chính, truyền thông và meketing... đồng thời sự sáng tạo sẽ là nền tảng để các bạn hoàn thiện, cải tiến, nâng cấp các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường không ngừng thay đổi.

Thứ ba chính là cần một người cố vấn tốt. Đây là người đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ với các startup về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, các mối quan hệ và một số là cả tài chính. Họ sẽ giúp các startup có nền tảng để đưa các quyết định một cách khôn ngoan và đưa doanh nghiệp tiến lên phía trước.

Ngoài ra còn có các yếu tố khác như vốn, công nghệ, kỹ thuật hay chính sách... nhưng với bản thân các startup trong giai đoạn đầu tiên, thì 3 yếu tố trên theo tôi là quan trọng nhất.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI, dự kiến từ ngày 12 đến ngày 14/4/2024 tại Trường Đại học Cần Thơ, TP. Cần Thơ. Xin ông cho biết, để hỗ trợ sinh viên tham gia các chương trình khởi nghiệp như thế này, Trung tâm Tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp đã có những hoạt động cụ thể nào?

PGS.TS Trương Ngọc Kiểm: Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (CSK) là đơn vị được Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) giao nhiệm vụ đầu mối về sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo, tiếp nhận và chuyển giao tri thức, cung cấp dịch vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học theo đặt hàng của doanh nghiệp cũng như tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ.

PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Với sứ mệnh đó, trong thời gian qua, Trung tâm đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên, cán bộ trong và ngoài ĐHQGHN với phương châm “Hiểu đúng, biết đủ thì hành động đúng, giảm rủi ro”. Các hoạt động này phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức từ tọa đàm, talkshow, đào tạo, tập huấn... và kiến tạo các sân chơi như “Start-up bussiness cafe”, “Giờ doanh nhân”, “R&D to startup”... để các bạn có thể gặp gỡ và nhận được tư vấn từ các doanh nhân là cựu sinh viên thành đạt của ĐHQGHN, cũng như được hỗ trợ kết nối cố vấn khởi nghiệp, gặp gỡ nhà đầu tư giúp xây dựng mô hình kinh doanh, chiến lược phát triển, mở rộng thị trường, hoàn thiện sản phẩm...

Với các nỗ lực của toàn hệ thống, trong đó có Trung tâm CSK thì ĐHQGHN đang được đánh giá là “cái nôi” của nhiều startup thành công nhất ở Việt Nam.

Thưa ông, trong những năm diễn ra Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh - sinh viên (HSSV), cá nhân ông ấn tượng nhất với những dự án khởi nghiệp nào nhất?

PGS.TS Trương Ngọc Kiểm: Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của HSSV được tổ chức hàng năm là sự kiện rất quan trọng, thu hút sự tham gia của đông đảo HSSV cả nước với hàng trăm dự án có chất lượng tốt, nếu được thương mại hóa sẽ rất có ý nghĩa, tạo giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Cá nhân tôi cũng có cơ hội tham gia sự kiện này từ những ngày đầu tiên, đồng hành cùng nhiều dự án, tôi thấy được sự gia tăng về quy mô, nâng cao về chất lượng các sản phẩm dự thi.

Với các dự án của năm 2024, tôi thực sự ấn tượng với các dự án như:Coffuel - viên nén sinh khối từ bã cà phê của Đại học Bách khoa Hà Nội; Ứng dụng chiết xuất các hợp chất tự nhiên có trong nha đam trong nghiên cứu sản xuất miếng dán gel s - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh; Sản xuất sơn thông minh tự phục hồi thân thiện môi trường để bảo vệ chống ăn mòn - Trường Đại học Mỏ - Địa chất; Dự án PULSE GUARD - Áo thông minh theo dõi sức khỏe và cảnh báo đột quỵ cho người cao tuổi - Trường Đại học Phenikaa... Đây là các dự án tôi đánh giá có tính ứng dụng thực tiễn cao.

Diễn đàn “Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn” với chủ đề “Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên”diễn ra hồi giữa tháng 3 vừa qua đã được kết nối tới 12.656 điểm cầu trong và ngoài nước, thu hút hơn 1,5 triệu đoàn viên, thanh niên tham gia. Được biết, ông trưởng thành từ hoạt động đoàn, từng là Bí thư Đoàn ĐHQGHN, có lẽ ông cũng từng rất mong nhận được nhiều ý kiến hiến kế cho tổ chức Đoàn. Vậy, xin được hỏi, thời điểm ông vẫn là một sinh viên, một Đoàn viên, ông đã có ý kiến cụ thể nào hiến kế cho Đoàn? Và, ở thời điểm hiện tại, sau một quá trình tích lũy rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm, nếu như được đề nghị đưa ra ý kiến hiến kế cho Đoàn, ông sẽ nói gì?

PGS.TS Trương Ngọc Kiểm: Tôi là người may mắn được rèn luyện và trưởng thành từ môi trường Đoàn, từ các hoạt động của sinh viên nhưng tôi xuất phát điểm là một sinh viên giỏi được giữ lại trường làm giảng viên và kiêm nhiệm công tác thanh niên chứ không phải là cán bộ Đoàn chuyên trách nên tâm thế vẫn là một người giảng viên. Vì thế tôi luôn trăn trở việc làm thế nào để Đoàn luôn là người bạn đồng hành cùng sinh viên, chăm lo cho những nhu cầu thiết yếu của sinh viên là học tập, nghiên cứu khoa học, nhà trọ và việc làm... bên cạnh các hoạt động mang tính giáo dục, phong trào, tình nguyện của Đoàn.

PGS.TS Trương Ngọc Kiểm và các thành viên PGS.TS Trương Ngọc Kiểm Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Hơn 20 năm trước, từ khi còn là một sinh viên, tôi đã cùng với Đoàn trường phát triển ý tưởng và tổ chức triển khai nhiều sân chơi học thuật dành cho sinh viên như Olympic tiếng Anh, Olympic tin học - Simple IT, Olympic Sinh học, Olympic các môn Triết học Mác - Lê Nin,... và mở rộng các câu lạc bộ học thuật bên cạnh hệ thống các câu lạc bộ sở thích, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, kết nối doanh nghiệp/đơn vị sử dụng lao động, giới thiệu nhà trọ và việc làm thêm cho sinh viên... Các hoạt động của Đoàn - Hội trong trường tuy đa dạng, phong phú nhưng đều hướng tới một mục tiêu chung đó là tạo môi trường cho sinh viên học tập, rèn luyện và phát triển toàn diện, sẵn sàng lập thân, lập nghiệp và xác định sứ mệnh của tổ chức Đoàn trong trường Đại học là đồng hành cùng sinh viên, góp phần hoàn thiện sản phẩm đào tạo của nhà trường.

Giờ đây khi đã là một “cựu cán bộ Đoàn”, với kiến thức và kinh nghiệm hiện có, tôi mong tổ chức Đoàn tiếp tục đổi mới phương thức tập hợp đoàn viên, đa dạng hóa nội dung và hình thức tổ chức và giáo dục của Đoàn, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và tận dụng mạng xã hội để tiếp cận và tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên thanh niên; nhanh nhạy trong việc tổ chức các chương trình hành động cách mạng của Đoàn phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, nguyện vọng và nhu cầu của đoàn viên, thanh niên cũng như đáp ứng các yêu cầu của giai đoạn mới như lao động - việc làm, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, an toàn - an ninh mạng, hội nhập quốc tế... để Đoàn luôn là người bạn đồng hành cùng thanh niên, sinh viên Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/pgs-ts-truong-ngoc-kiem-muon-khoi-nghiep-can-dam-me-dan-than-va-quyet-tam-cao-do-430021.html