Phá giá nhân dân tệ, 'con dao hai lưỡi' với nền kinh tế Trung Quốc

Đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc giảm giá mạnh trong thời gian gần đây, làm dấy lên suy đoán cho rằng Trung Quốc đang phá giá đồng nội tệ để giúp nền kinh tế chống chọi các đòn áp thuế của Mỹ. Song phá giá đồng NDT có thể là 'con dao hai lưỡi' vì trong khi giúp hàng hóa xuất khẩu trở nên rẻ hơn và cạnh tranh hơn nhưng quyết sách này đồng thời có thể khiến các khối nợ vay bằng ngoại tệ ở trong nước phình to và nguy cơ dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc, theo New York Times.

Giảm giá NDT để ứng phó các đòn thuế của Mỹ?

Giá NDT hôm 25-7 đã giảm về mức hơn 6,8 NDT ăn 1 đô la Mỹ, giảm 8% so với đồng đô la trong vòng ba tháng qua. Ảnh: WSJ

Giá của NDT đã giảm khoảng 8% so với đồng đô la Mỹ trong vòng ba tháng qua. Sự sụt giảm mạnh trong thời gian ngắn như vậy là một diễn biến bất thường. Đồng NDT giảm giá giúp hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc trở nên rẻ hơn đối với các khách hàng nước ngoài và đặc biệt hỗ trợ cho họ rất nhiều trong giai đoạn hiện nay khi các gói áp thuế phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến hàng hóa Trung Quốc đắt hơn trên thị trường Mỹ.

Tuần trước, viết trên Twitter, Trump chỉ trích sự suy yếu của NDT đang làm xói mòn lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Mỹ.

Vẫn còn nhiều tranh luận liệu Trung Quốc có phải đang phá giá NDT hay không nhưng các quan chức Trung Quốc khẳng định họ không cố ý giảm giá đồng NDT để giành lợi thế trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ và cũng không có kế hoạch phá giá đồng NDT. Sự suy yếu của NDT trong thời gian gần đây có thể liên quan đến một số yếu tố kinh tế không liên quan đến thương mại.

Song trong thực tế, tỷ giá chính thức của NDT không được giao dịch tự do theo diễn biến thị trường. Giá của nó chỉ được phép tăng và giảm mỗi ngày trong một biên độ do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thiết lập và biên độ này đang ngày càng điều chỉnh thấp xuống

Mức giảm giá gần đây đưa NDT về các mức giá vào năm ngoái khi các tin tức dự báo chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu nóng lên.

Đồng NDT suy yếu có thể giúp làm dịu các thiệt hại kinh tế của Trung Quốc khi chiến tranh thương mại với Mỹ đang xảy ra và được dự báo còn kéo dài nhưng điều này cũng kéo theo những cái giá phải trả.

Cách đây ba năm, quyết định phá giá đồng NDT của Trung Quốc để hỗ trợ các nhà xuất khẩu trong nước đã gây ra những nỗi sợ lan rộng khắp các thị trường trên thế giới về nguy cơ chiến tranh tiền tệ và giá cả hàng hóa sụt giảm.
Song đối với Trung Quốc, để NDT tụt giá có thể có những ưu điểm hơn so với các phản ứng khác để đáp trả các đòn thuế của Mỹ. Vì giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ vượt trội so với giá trị kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Mỹ vào Trung Quốc nên Trung Quốc không thể dựa vào thuế để đáp trả Mỹ với mức độ tương ứng được.

Các nhà kinh tế ở Ngân hàng Goldman Sachs nhận định đợt sụt giảm giá NDT vừa qua có thể thúc đẩy GDP Trung Quốc tăng thêm 0,4-0,5 điểm %, đủ chống chọi tác động từ các gói thuế phạt của Mỹ.

Bước đi đầy rủi ro

Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Hồi đầu tháng nay, Mỹ đã áp gói thuế 25% đầu tiên nhằm vào 34 tỉ đô la hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ mỗi năm. Mỹ đang de dọa áp thuế 10% trên 200 tỉ hàng hóa Trung Quốc nữa.

Sự sụt giảm giá của NDT trong ba tháng qua tạo ra lợi ích cho tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ với giá trị lên đến mức hơn 500 tỉ đô la vào năm ngoái và cho đến nay, phần nào bù đắp tác động của các gói thuế phạt của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc. Dù vậy, một quyết định phá giá đồng NDT có thể kéo theo hàng loạt rủi ro.

Một cú lao dốc “chúi mũi” của NDT vào lúc này có thể gây tổn thương cho cho nền kinh tế Trung Quốc vốn đang tăng trưởng chững lại do các khối nợ trong nền kinh tế quá lớn. Đồng NDT giảm giá mạnh sẽ khiến chi phí trả các khoản nợ vay bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp Trung Quốc tăng lên.

Khi Trung Quốc phá giá NDT vào năm 2015, nhiều nhà đầu tư và các công ty ở Trung Quốc đã bán tháo đồng NDT để mua các ngoại tệ và chuyển tiền ra các tài khoản ở nước ngoài hoặc đầu tư vào các tài sản ở nước ngoài.
Hiện tượng này, được gọi là dòng vốn tháo chạy (capital flight), là một biểu hiện cho thấy các nhà đầu tư không còn tin tưởng vào nền kinh tế trong nước.

Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn, chẳng hạn hạn chế mức chuyển tiền của người dân và các nhà đầu tư ra nước ngoài, để ngăn chặn dòng vốn tháo chạy, đe dọa tăng trưởng kinh tế. Các biện pháp kiểm soát vốn như vậy và sức khỏe nền kinh tế toàn cầu phần nào được cải thiện hiện nay có thể cho phép Trung Quốc tiến hành một đợt phá giá đồng NDT nữa mà không gây ra nhiều biến động lớn. Song đó là quyết định rất khó khăn một phần là vì các nhà đầu tư và các công ty ở Trung Quốc luôn tìm được những cách để luồn lách các quy định kiểm soát dòng vốn tháo chạy.

“Thực hiện phá giá đồng NDT có kiểm soát là một trong những bước đi chính sách khó vận dụng nhất đối với mỗi ngân hàng trung ương. Bằng cách sử dụng các biện pháp kiểm soát vốn và dự trữ ngoại hối (bán trái phiếu chính phủ Mỹ), Trung Quốc có thể phá giá NDT một lần nữa nhưng rủi ro ở đây là đồng NDT suy yếu được xem như là bằng chứng cho thấy Trung Quốc không thể ổn định nền tài chính nước này”, Brad Setser, học giả cấp cao ở Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) ở New York, nói.

Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng ở Viện Tài chính quốc tế ở Washington, cho rằng nếu Trung Quốc quyết định phá giá NDT giữa lúc đô la Mỹ tiếp tục tăng giá, nước này khó mà ngăn chặn được nguy cơ dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc dù siết chặt các biện pháp kiểm soát vốn.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276122/pha-gia-nhan-dan-te-con-dao-hai-luoi-voi-nen-kinh-te-trung-quoc.html