Phá giá nội tệ, Trung Quốc đang dùng dao 2 lưỡi trong thương chiến với Mỹ

Công cụ phá giá này được ví như con dao hai lưỡi. Mặt trái khi làm suy yếu đồng nhân dân tệ là có thể khiến người giàu Trung Quốc nhanh chóng chuyển tiền ra khỏi đất nước, vì không ai muốn sở hữu một loại tiền tệ đang mất giá trị.

Bài được quan tâm:

Trung Quốc hôm thứ hai đã có động thái phá giá đồng nhân dân tệ khi điều chỉnh tỷ giá ở ngưỡng vượt mức 7 nhân dân tệ ăn 1 USD. Điều này được giới phân tích coi như động thái trả đũa với Mỹ sau khi Nhà Trắng tuyên bố áp thuế lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ 1.9.

Chính ông Dịch Cương, Thống đốc ngân hàng nhà nước Trung Quốc sau khi điều chỉnh tỷ giá đã tuyên bố động thái phá đồng nhân dân tệ là để đáp trả các biện pháp bảo vệ thương mại và chủ nghĩa đơn phương của Mỹ và cũng như việc Washington áp dụng tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Đồng thời ngân hàng Trung Quốc nhấn mạnh rằng tiền tệ của nước này vẫn ổn định.

Màn đáp trả của ông Dịch Cương nói không chỉ là hành xử đơn thuần vì danh dự hay phẩm giá quốc gia mà còn có ý nghĩa kinh tế khác. Andrew Collier, giám đốc điều hành của Orient Capital Research có trụ sở tại Hồng Kông, nói: "Nếu tiền tệ duy trì hơn mốc 7 từ ngày này sang ngày khác, thì đó là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã "vũ khí hóa" đồng nhân dân tệ như một công cụ để cải thiện xuất khẩu trong cuộc chiến thương mại. Một loại tiền tệ yếu hơn có hiệu lực giúp các nhà máy Trung Quốc khắc phục chi phí tăng thuế.

Tuy nhiên, công cụ phá giá này được ví như con dao hai lưỡi. Mặt trái khi làm suy yếu đồng nhân dân tệ là có thể khiến người giàu Trung Quốc nhanh chóng chuyển tiền ra khỏi đất nước, vì không ai muốn sở hữu một loại tiền tệ đang mất giá trị. Trớ trêu thay, điều này có thể làm giảm sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc tại thời điểm Bắc Kinh rất cần người dân tăng cường mua sắm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, việc phá giá sẽ gây áp lực lên các công ty trong và ngoài nước ở Trung Quốc đang ôm nợ tiền Mỹ vì họ phải tìm cách kiếm nhiều tệ hơn mới bù đắp được phần mất do phá giá. Ngoài ra, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến nền công nghiệp luôn khát năng lượng của Trung Quốc khi họ vẫn phải dùng USD để nhập khẩu dầu.

Trung Quốc dường như hiểu tác hại của con dao hai lưỡi mang tên phá giá nội tệ này. Nỗi lo ngại càng lớn hơn khi họ vấp phải phản ứng gay gắt từ phía Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ dựa vào phát biểu của ông Dịch Cương đã cáo buộc các nhà chức trách Trung Quốc đã nhúng tay kiểm soát gắt gao đối với tỷ giá nhân dân tệ. Đích thân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định chính phủ Hoa Kỳ đã xác định rằng Trung Quốc đang thực hiện việc thao túng đồng nhân dân tệ và sẽ liên kết với Quỹ Tiền tệ Quốc tế để loại bỏ những cạnh tranh không lành mạnh từ Bắc Kinh.

Lập tức, Ngân hàng trung ương Trung Quốc PBOC hôm qua 6.8, đã phải đổi giọng khi cho biết việc giảm giá nhân dân tệ gần đây là do thị trường quyết định, chứ không phải do Trung Quốc thao túng. PBOC đã tự bẻ lại luôn lời tuyên bố trước đó một hôm từ chính thống đốc của họ là ông Dịch Cương.

Cũng trong hôm qua, PBOC đã có động thái ''hồi đầu'' khi thiết lập tỷ giá điều chỉnh mạnh hơn các nhà phân tích dự kiến. Cụ thể, PBOC đặt điểm neo ở mức 6,9683 tệ ăn 1 USD, mạnh hơn mức dự báo 6,9871 trong một cuộc khảo sát của Bloomberg với 19 nhà giao dịch và nhà phân tích. Đồng nhân dân tệ cuối cùng được giao dịch trong nước ở mức 7,0340 ăn 1 USD, và 7,0698 ăn 1 USD ở hải ngoại

Đồng thời, PBOC công bố kế hoạch bán trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ tại Hồng Kông. Theo dự kiến, PBOC sẽ bán 30 tỉ nhân dân tệ (tương đương 4,2 tỉ USD) trái phiếu tại Hồng Kông vào ngày 14.8.

Có thể thấy động thái dịu lại của Trung Quốc trong việc phá giá đồng nội tệ khi họ không muốn tình hình rơi vào mất kiểm soát. Frances Cheung, người đứng đầu chiến lược vĩ mô châu Á tại Westpac Banking Corp tại Singapore cho biết: “PBOC đang gửi tín hiệu rằng họ muốn giảm thiểu sự mất giá của nhân dân tệ. Đồng nhân dân tệ ở hải ngoại đã phải đối mặt với mức kháng cự khoảng 7,1 tệ ăn 1 USD trong một vài lần. Tôi hy vọng nó sẽ chỉ dao động quanh mức này mà thôi".

"PBOC đã điều chỉnh ở mức mạnh hơn ngưỡng 7 để sửa lỗi buông thả ngày hôm qua", Stephen Chiu, chiến lược gia của Bloomberg Intelligence, cho biết. “Nó cũng là thông điệp gửi đến Hoa Kỳ - chúng tôi không thể thao túng tiền tệ yếu hơn. Nếu thị trường thúc đẩy tỷ giá hối đoái USD - nhân dân tệ ở mức cao hơn và vượt tầm kiểm soát, tôi không nghĩ rằng PBOC sẽ ngồi yên mà chẳng làm gì cả".

Bà Wang Tao, chuyên gia về Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS (trụ sở tại Thụy Sỹ) thậm chí còn tin rằng dù Tổng thống Mỹ có áp thuế 25% lên hết cả hàng hóa Trung Quốc thì Bắc Kinh cũng sẽ không phá giá quá mức 7,2, ít nhất là trong năm nay.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế Mỹ lại tỏ ra rất thận trọng với thái độ khó lường của Trung Quốc với đồng nội tệ. Các nhà chiến lược tại Bank of America Corp đã hạ dự báo cuối năm của họ từ 6,63 xuống 7,3 tệ ăn 1 USD, dựa trên niềm tin rằng Trung Quốc rắp tâm muốn một loại tiền tệ yếu hơn nữa để làm giảm tác động của hàng rào thuế quan bị Mỹ đẩy cao hơn. Thậm chí, Citigroup Inc. cho biết đồng nhân dân tệ có thể giảm xuống 7,5 tệ ăn 1 USD nếu căng thẳng leo thang.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/pha-gia-noi-te-trung-quoc-dang-dung-dao-2-luoi-trong-thuong-chien-voi-my-118670.html