Phá rừng ở Thừa Thiên-Huế: 'Anh em chúng tôi làm đến 'xịt khói'...'

Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) cho rằng, công tác bảo vệ rừng đã được địa phương thực hiện tốt.

“Anh em chúng tôi làm đến 'xịt khói' mà còn bị nói vậy…”, đó là phản ứng của ông A Kơ Tiến, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế) trước phát biểu của đại diện Chi cục kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế về việc người dân địa phương còn ỉ lại lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng.

Những hình ảnh về vụ phá rừng ở xã Hồng Thủy mà Người đưa tin Pháp luật đã phản ánh trước đó.

Những hình ảnh về vụ phá rừng ở xã Hồng Thủy mà Người đưa tin Pháp luật đã phản ánh trước đó.

Ông Tiến cho biết, việc triển khai Nghị định 75/2015-CP về việc giao khoán bảo vệ rừng cho bà con dân tộc thiểu số đã được địa phương thực hiện hiệu quả, góp phần giữ diện tích rừng tự nhiên không bị suy giảm.

Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy thông tin, Nghị định 75 được triển khai tại địa phương từ năm 2016 với việc giao khoán bảo vệ cho người dân hơn 5000 hecta rừng. Chính nhờ Nghị định này, người dân địa phương đã có thêm thu nhập và có trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ rừng. Nếu như trước đây, lực lượng tại chỗ ở xã để bảo vệ rừng còn ít, nhỏ lẻ “việc ai người nấy làm” thì nay đã đông và hoạt động có tổ chức, quy củ hơn.

“Nếu dân mà không làm tốt thì hiện tại rừng ở đây không còn như thế này đâu”, ông A Kơ Tiến khẳng định.

Ông A Kơ Tiến làm việc với PV.

Ông Tiến chia sẻ thêm, trước khi bàn giao một phần địa phận cho tỉnh Quảng Trị, xã Hồng Thủy quản lý hơn 5000 hécta rừng, tuy nhiên, kiểm lâm chỉ bố trí 1 cán bộ chuyên trách ở đây. Chính các nhóm được giao khoán bảo vệ rừng của người dân là lực lượng thường xuyên thực hiện việc tuần tra kiểm soát rừng. Còn cán bộ kiểm lâm chủ yếu là để xử lý các vụ phá rừng sau khi đã được người dân phát hiện và bàn giao.

Nói về những khó khăn trong công tác bảo vệ rừng, ông Tiến cho biết, việc phá rừng này rất khó kiểm soát vì những đối tượng lâm tặc không phải người địa phương. Các đối tượng này thường vào địa bàn nhưng không đăng ký tạm trú tạm vắng nên không thể kiểm soát.

“Chúng thường hoạt động vào ban đêm và thường móc nối người địa phương để dẫn đường cũng như theo dõi các hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng để kịp thời tẩu thoát. Lực lượng của xã và các nhóm hộ được giao bảo vệ rừng dù đã làm ngày làm đêm nhưng xử lý rất khó”, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy chia sẻ.

Trước đó, Người đưa tin Pháp luật đã phản ánh về tình trạng phá rừng hoành hành ở xã Hồng Thủy thời gian qua với nhiều cây rừng đã bị đốn hạ.

Phát biểu trước báo chí về nguyên nhân để xảy ra việc phá rừng ở đây, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc sở NN&PTNT, kiêm Chi cục trưởng kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, người dân được giao khoán bảo vệ rừng còn ỉ lại lực lượng kiểm lâm. Đồng thời cho biết, đây là vùng rừng giáp ranh với tỉnh Quảng Trị nên rất phức tạp trong việc quản lý và bảo vệ rừng. Các đối tượng phá rừng chủ yếu là người từ Quảng Bình vào, đẩy đuổi bên này lại chạy sang bên khác.

Ở một diễn biến khác trên hành trình đi tìm nguyên nhân phá rừng ở A Lưới, liên quan đến việc tiền khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75 cho người dân ở xã Hồng Thủy có dấu hiệu bị “cắt xén”, nguồn tin PV có được, dù ngày nghỉ nhưng đoàn thanh tra của UBND huyện A Lưới vẫn làm việc với đại diện UBND xã này và các nhóm hộ để làm rõ vấn đề mà Người đưa tin Pháp luật đã phản ánh.

Lê Kông

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/pha-rung-o-thua-thien-hue-anh-em-chung-toi-lam-cho-xit-khoi-a512357.html