Phá rừng tại Gia Lai: Vô số cây cổ thủ bị đốn hạ trên đỉnh Chư Jú

Hàng chục khối gỗ hộp đã được phát hiện bên cạnh hiện trường tan hoang tại đỉnh núi Chư Jú (Gia Lai) với la liệt các cây cổ thụ bị đốn hạ.

Sáng 27/4, PV gặp ông Trương Phước Anh, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai để phản ánh về vụ việc phá rừng xảy ra tại tiểu khu 1297, núi Chư Jú, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa. Sau khi nghe thông tin từ PV, ông Anh lấy điện thoại gọi cho ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch thị xã Ayun Pa.

Theo ghi nhận của PV, trong cuộc nói chuyện, ông Lộc nói với ông Anh là có bắt được mấy xe. Tuy nhiên, đó là xe chở củi. Khi ông Anh vừa cúp điện thoại PV đã phản biện lại đồng thời cung cấp hình ảnh để minh chứng đó là gỗ chứ không phải củi. Sau khi xem tư liệu PV cung cấp ông Anh nói: "Sở đã chỉ đạo, cứ để anh em dưới đó họ kiểm tra xác minh chờ coi kết quả thế nào đã".

Ngay khi rời khỏi sở NN&PTNT, PV tức tốc từ TP.Pleiku ngược về hiện trường khai thác gỗ tại núi Chư Jú một lần nữa.

Những bãi gỗ được tập kết trên đỉnh núi Chư Jú.

Có mặt tại tiểu khu 1297 (núi Chư Jú), chúng tôi không còn nhìn thấy những chiếc công nông độ chế xếp thành hàng dài như lần trước. Vượt dốc đi lên trên đỉnh núi, chúng tôi tiếp tục ngỡ ngàng phát hiện trước mắt là một con đường rộng lớn xuyên rừng chạy dài về hướng tỉnh Đắk Lắk.

Những hộp gỗ nằm rải rác trong rừng.

Đi thêm một đoạn khoảng 100m, chúng tôi bắt gặp những bìa gỗ, mùn cưa còn rất mới nằm la liệt hai bên lối đi. Nhìn sang bãi đất trống bên cạnh, chúng tôi phải giật mình bởi đập vào mặt là một bãi tập kết gỗ "khủng". Những hộp gỗ đường kính 40-50 m chiều dài khoảng 2,5- 3m nằm chồng chất lên nhau. Ước tính có đến hàng chục khối.

Những gốc cây cổ thụ bị "lâm tặc" quật ngã.

Tiếp tục tìm các khu vực lân cận, chúng tôi phải ngỡ ngàng trước mức độ tàn phá rừng đến tan hoang của "lâm tặc". Hàng chục cây gỗ cổ thụ với đường kính "khủng" bị "lâm tặc" quật ngã chưa kịp sẻ, cành lá còn xanh, gốc rỉ nhựa tươi rói nằm vương vãi dưới mặt đất.

"Lâm tặc" cưa sẻ gỗ ngay tại đỉnh đồi.

Và một điều thật lạ lùng đến khó hiểu là những điểm tập kết gỗ nằm sát ngay bên đường chỉ cần theo lối mòn mà "lâm tặc" mở ra là dễ dàng nhận thấy.

Đặc biệt, có những bãi tập kết gỗ chỉ cách chốt kiểm lâm địa bàn khoảng vài trăm mét nhưng lực lượng kiểm lâm đóng chốt tại đây không phát hiện được. Như vậy, có hay không việc lực lượng kiểm lâm bắt tay hậu thuẫn cho "lâm tặc" phá rừng?.

Sáng 28/4, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) để phản ánh những bất cập nói trên.

Ông Lộc nói: "Tôi đã nắm được vụ việc phá rừng và đã chỉ đạo cho các cơ quan chức năng thị xã Ayun Pa vào cuộc. Bước đầu, chúng tôi đã phải huy động lực lượng đem hết số gỗ tang vật nói trên đưa về để có cơ sở xử lý. Bên cạnh đó, tôi đã trực tiếp chỉ đạo cho lực lượng Công an thị xã Ayun Pa điều tra, xác minh xem đối tượng "lâm tặc" khai thác gỗ trong khu vực đó là ai, ở đâu, nếu đủ điều kiện sẽ khởi tố theo quy định của pháp luât".

Nói về sự việc có hay không kiểm lâm bắt tay với "lâm tặc", ông Lộc thông tin: "Vấn đề này, tôi đã nghe phản ánh đồng thời chỉ đạo cho lực lượng công an thu thập thông tin nếu phát hiện có dấu hiệu tiêu cực sẽ kiên quyết xử lý nghiêm".

Lúc này, PV hỏi trước đó ông có thông tin với lãnh đạo sở NN&PTNT lực lượng chức năng của thị xã bắt được vài xe công nông độ chế nhưng chở củi, không phải là gỗ. Ông Lộc phân trần: "Tôi không nói về vụ việc mà PV phản ánh, mà quả thật trước đó, ở địa bàn các xã có bắt được vài xe công nông độ chế của đồng bào chở củi. Việc này là có thật".

Theo Người đưa tin

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/phong-su/pha-rung-tai-gia-lai-vo-so-cay-co-thu-bi-don-ha-tren-dinh-chu-ju-11991.html