Phá sản mục tiêu hình thành 3.000 doanh nghiệp KH&CN

Tính đến tháng 6/2016 cả nước có 234 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Như vậy, có thể khẳng định rằng mục tiêu hình thành 3.000 doanh nghiệp KH&CN đã bị phá sản.

Phát triển doanh nghiệp (DN) KH&CN là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước đặt ra và quyết tâm triển khai thực hiện. Bởi doanh nghiệp KH&CN không chỉ là cầu nối đưa các kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN chuyển giao vào sản xuất mà còn đóng vai trò như một lực lượng sản xuất chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, việc phát triển doanh nghiệp KH&CN ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nhiều ưu đãi, DN vẫn không mặn mà…

Theo báo cáo của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, tính đến tháng 6/2016 cả nước có 234 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN và nhiều hồ sơ đăng ký chứng nhận đang trong quá trình thẩm định, họp hội đồng đánh giá.

Như vậy, có thể khẳng định rằng mục tiêu hình thành 3.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ đã bị phá sản. Và chắc chắn, mục tiêu đến năm 2020 hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ cũng khó được hoàn thành.

Lý giải nguyên nhân thực sự khiến việc phát triển DN KH&CN ngày càng trở nên ít ỏi như vậy, TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN - cho rằng, do số lượng DN được cấp giấy chứng nhận chưa đáp ứng được yêu cầu, hơn nữa các DN KH&CN chỉ mới được định hình trong những năm gần đây.

Nghị định 115 năm 2005 và Nghị định 80 năm 2006 đã quy định các DN KH&CN được hưởng nhiều ưu đãi, nhất là chính sách về thuế, đất đai, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước…nhưng trên thực tế triển khai các DN gặp rất nhiều khó khăn từ hệ thống hành chính quan liêu và nặng về bao cấp.

Vì vậy, nghịch lý là số lượng DN đi đăng ký cấp giấy chứng nhận DN KH&CN không nhiều, nhưng số lượng các DN đủ điều kiện công nhận DN KH&CN lại rất lớn.

Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp cũng không mặn mà với việc phát triển KHCN. Bởi, phần lớn các DN KHCN hiện nay có quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn hẹp nên hoạt động nghiên cứu chỉ giới hạn trong một chừng mực nhất định.

Bộ KH&CN cũng đã có rà soát và thống kê sơ bộ, tới năm 2010 có khoảng 2000 DN có tiêu chí đáp ứng được nhưng trong số đó chỉ có vài trăm DN được cấp giấy chứng nhận, số còn lại vẫn hoạt động mà không có giấy chứng nhận.

Rõ ràng là chúng ta cần tạo sự nhất quán và đồng bộ trong việc thực hiện các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học công nghệ, có như vậy mục tiêu hình thành 5.000 doanh nghiệp mới phần nào có hy vọng”, TS. Nguyễn Quân chia sẻ.

Cần ưu tiên dùng công nghệ Việt

Theo TS. Nguyễn Quân, nhà nước cần tạo cơ chế hỗ trợ tín dụng; chỉ định thầu một số dự án, công trình có hàm lượng KH&CN cao và có tính chất tạo đà ban đầu để có thể nuôi dưỡng và phát triển một số doanh nghiệp KH&CN có khả năng cạnh tranh.

Bên cạnh đó, ngay khi các DN mới bắt đầu thành lập, đi vào hoạt động cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các phương thức khác nhau.

Chúng ta có phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì trong lĩnh vực này tôi nghĩ cũng nên có một khẩu hiệu tương tự là DN Việt Nam ưu tiên dùng công nghệ Việt Nam, tức là những công nghệ do người Việt Nam tạo ra phải được ưu tiên áp dụng và sản xuất kinh doanh”, TS. Nguyễn Quân nhận định.

Và để khắc phục hàng loạt khó khăn liên quan đến hoạt động của những đối tượng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16-2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị công lập.

Nghị định được đánh giá rất tốt và có lợi có các tổ chức sự nghiệp, thế nhưng do phạm vi tập trung quá nhiều lĩnh vực nên vướng với rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Ví dụ giao quyền tự chủ về nhân sự trong quá trình tuyển dụng cán bộ, sử dụng cán bộ vướng với Luật viên chức, hoặc giao quyền tự chủ về tài chính thì phải giải quyết được những vướng mắc trong Luật ngân sách Nhà nước.

Đây là một Nghị định rất rộng, tập trung tất cả các lĩnh vực, kể cả khoa học, giáo dục, y tế, văn hóa… vì thế Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành phụ trách các lĩnh vực đó cần xây dựng các văn bản riêng phù hợp với các hoạt động quản lý của mình.

“Nếu như không có tự chủ về tài chính thì mọi quyền tự chủ khác đều là vô nghĩa, chỉ có danh nghĩa thôi, chính vì thế chúng tôi mong muốn sắp tới Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt hơn để các bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Quốc hội cũng cho sửa đổi những Luật có liên quan để quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các đơn vị khoa học công nghệ công lập được thực hiện một các triệt để”, TS. Nguyễn Quân bày tỏ.

MH

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/pha-san-muc-tieu-hinh-thanh-3000-doanh-nghiep-khcn-c7a558024.html