Phác họa bức tranh năng lượng Iran

Có trữ lượng khí tự nhiên lớn thứ hai và trữ lượng dầu lớn thứ tư trên thế giới, Iran đã phải chịu đựng nhiều biện pháp trừng phạt quốc tế liên quan đến chương trình hạt nhân của mình trong những năm gần đây.

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (Energy Information Administration - EIA), dầu mỏ và khí tự nhiên chiếm tới 98% mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp ở Iran. Là một trong những thành viên sáng lập của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vào năm 1960, kể từ cuộc cách mạng Iran năm 1979 đến nay, Iran đã phải chịu đựng những thiệt hại từ các cuộc chiến tranh, các biện pháp trừng phạt, mức đầu tư hạn chế và sự cạn kiệt của các mỏ dầu khí.

Iran có trữ lượng khí tự nhiên lớn thứ hai và trữ lượng dầu lớn thứ tư trên thế giới

Từ giữa giữa năm 2012 đến đầu năm 2016, sản lượng dầu của Iran bị ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp trừng phạt quốc tế, trong đó bao gồm cả những hạn chế về nguồn lực tài chính và thị trường xuất khẩu dầu mỏ. Vào đầu năm 2016, với việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và thực hiện Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), sản lượng dầu và các nhiên liệu lỏng khác của Iran đã tăng lên. Năm 2017 đạt đến 4,7 triệu thùng/ngày (trong đó có 3,8 triệu thùng dầu thô/ngày).

Iran cũng là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ ba trên thế giới (sau Mỹ và Nga), phần lớn tiêu thụ trong nước (khí tự nhiên đáp ứng 2/3 nhu cầu tiêu thụ năng lượng sơ cấp ở Iran). Lưu ý rằng, Iran đang ở giai đoạn khai thác thứ cấp, có nghĩa là Iran dùng phương pháp bơm khí gas tự nhiên vào các giếng dầu để cải thiện khả năng thu hoạch khí từ các giếng này. Iran cũng là quốc gia thứ hai (sau Iraq) dùng phương pháp này để khai thác triệt để lượng khí gas này (khí hỗ trợ cho quá trình khai thác dầu), trong khi Iran không có cơ sở hạ tầng để khai thác triệt để hoặc vận chuyển khí đốt.

Vào cuối năm 2016, Tehran thông qua một hợp đồng dầu khí mới - “Hợp đồng dầu khí Iran - IPC” - nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó đến nay, có hai thỏa thuận được ký kết: Vào tháng 7/2017, hai tập đoàn Total và CNPC cùng nhau phát triển giai đoạn 11 mỏ khí South Pars. Vào tháng 3/2018, Tập đoàn Zarubezhneft của Nga, NIOC và Công ty Dana Energy cùng hợp tác phát triển hai mỏ dầu gần biên giới Iraq.

Có một điểm cần lưu ý rằng khí gas tự nhiên và dầu mỏ là hai loại nhiên liệu sản xuất ra gần 93% tổng sản lượng điện của Iran vào năm 2016. Iran mong muốn tăng công suất điện của mình bằng cách tập trung vào các nguồn năng lượng như khí tự nhiên, năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.

Iran đã có một lò phản ứng hạt nhân đã đi vào hoạt động kể từ cuối năm 2013. Nhà máy này tên là Bouchehr, hoạt động với công suất 1.000MW. Trong tương lai, Iran có kế hoạch xây dựng thêm 2 nhà máy điện hạt nhân, theo EIA, dự tính sớm nhất thì 2 nhà máy này có thể bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2028.

Iran tự đáp ứng hầu hết nhu cầu tiêu thụ năng lượng nhờ vào nguồn nhiên liệu dồi dào trong nước.

Trong những năm gần đây, sự phân bố nguồn năng lượng tiêu thụ của Iran đã thay đổi rất nhiều:

Khí tự nhiên: Khí tự nhiên là trụ cột chính của hệ thống năng lượng Iran. Vào cuối năm 2017, Iran có trữ lượng khí tự nhiên đứng thứ hai trên thế với gần 34.000 tỉ m3, chiếm gần 17% trữ lượng khí tự nhiên trên thế giới. Các mỏ khí lớn nhất của Iran nằm ở biển Caspian. Nhưng do xuất hiện tranh chấp giữa các nước láng giềng, việc khai thác một phần trữ lượng ở đó đã chậm lại. Gần 40% trữ lượng khí đốt của Iran đến từ South Pars mỏ khí tự nhiên nằm ở ngoài khơi Vịnh Ba Tư mà Iran và Qatar cùng chia sẻ quyền sở hữu.

Iran là nhà sản xuất khí tự nhiên lớn thứ ba thế giới (hơn 200 tỉ m3 trong năm 2017) sau Mỹ và Nga. Khí tự nhiên là nguồn năng lượng chính được sản xuất và tiêu thụ trong nước. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng vào mùa cao điểm, Tehran cũng phải nhập khẩu khí đốt. Iran cũng xuất khẩu một phần khí đốt của mình vào các thời điểm khác trong năm, chủ yếu là xuất khẩu sang các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ (chiếm 73% lượng xuất khẩu khí đốt của Iran trong năm 2017), Armenia, Azerbaijan và Iraq.

Dầu mỏ: Iran cũng có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ tư thế giới với gần 157 tỉ thùng vào cuối năm 2017, chiếm gần 10% trữ lượng dầu trên thế giới. Gần 71% trữ lượng dầu của Iran tập trung ở 5 mỏ chính phân bố phần lớn trên đất liền (mỏ Basin nằm ở tỉnh Khuzestan). Mỏ dầu quan trọng nhất trong 5 mỏ dầu này là Azadegan, nhưng việc khai thác ở mỏ dầu này vấp phải nhiều khó khăn do những hạn chế về địa chất. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency - IEA), phần lớn sản lượng dầu của Iran đến từ những khu vực khai thác dầu mỏ trưởng thành đã được khai thác hơn 70 năm.

Iran ít bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận giảm sản lượng được OPEC ký với các nước sản xuất dầu mỏ khác (thỏa thuận này có giá trị đến cuối năm 2018). Dầu mỏ đã đáp ứng 31% lượng tiêu thụ năng lượng của Iran trong năm 2016.

Điện: Năm 2016, sản lượng điện của Iran chủ yếu đến từ các nhà máy điện chạy bằng khí với công suất đạt 276 Terawatt (TWh). Nhìn chung, các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch cung cấp 93% lượng điện năng tiêu thụ, phần còn lại đến từ nhà máy thủy điện và các nguồn năng lượng khác với tỷ lệ rất nhỏ.

Vào ngày 8/5/2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuyên bố này đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có tác động có thể xảy ra đối với nguồn cung trên thị trường dầu mỏ. Theo IEA, từ năm 2020, dự kiến Trung Đông sẽ chiếm vị trí quan trọng hơn trong thị trường dầu mỏ. Sản lượng dầu của Iran có thể đạt tới 5,4 triệu thùng/ngày. Vào năm 2040, tổng sản lượng dầu của Iran và Iraq có thể tăng gấp đôi và đạt gần 8 triệu thùng/ngày.

Theo ước tính của IEA, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn nữa thôi, Iran sẽ là một trong những nước đóng góp lớn vào mức tăng trưởng nguồn cung dầu trên toàn cầu vào năm 2023, sản lượng đạt được vượt xa đối thủ là Hoa Kỳ.

Tại Iran, Hội đồng Năng lượng tối cao giám sát ngành năng lượng Iran được thành lập năm 2001 và do Tổng thống (Hassan Rohani) đứng đầu. Nhưng quyết định cuối cùng luôn thuộc về lãnh đạo tinh thần tối cao Iran. Ali Khamenei là lãnh tụ tối cao của Iran kể từ năm 1989 sau cái chết của Ayatollah Khomeni. Bộ trưởng dầu mỏ và năng lượng Iran là người chịu trách nhiệm về thị trường nhiên liệu và điện. Cơ quan năng lượng nguyên tử Iran chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định liên quan đến chiến lược phát triển hạt nhân.

Iran có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ tư thế giới với gần 157 tỉ thùng vào cuối năm 2017, chiếm gần 10% trữ lượng dầu trên thế giới. Gần 71% trữ lượng dầu của Iran tập trung ở 5 mỏ chính phân bố phần lớn trên đất liền.

D.H

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/phac-hoa-buc-tranh-nang-luong-iran-508738.html