Phải chặn ngay 'những chuyến tàu vét'

Việc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương có 46 người thì 44 người có chức vụ từ phó phòng trở lên, khiến người ta nhớ tới những đợt bổ nhiệm “cấp tập” trước lúc về hưu của một số “quan lớn” có chức có quyền.

Đó là chuyện ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh, trước lúc về hưu đã “cấp tập” ký đề bạt, bổ nhiệm tới 19 cán bộ.

Chỉ 6 tháng trước lúc về hưu, ông Trần Văn Truyền, Tổng thanh tra Chính phủ (TTCP), đã ký đề bạt, bổ nhiệm tới 60 cán bộ. Riêng trong ngày cuối cùng trước lúc nghỉ, ông này ký tới 22 quyết định.

Và mới đây nhất, ông Huỳnh Phong Tranh, người kế nhiệm ông Trần Văn Truyền, cũng ký đề bạt, bổ nhiệm tới 35 cán bộ, chỉ mấy tháng trước lúc về hưu...

Những sự việc này khiến xã hội xuất hiện một cụm từ mới. Đó là: Những chuyến tàu vét.

Chuyến tàu vét là chuyến tàu cuối cùng. Sau chuyến tàu ấy, không còn chuyến tàu nào khác nữa. Là chuyến tàu cuối cùng, trong khi lòng tham còn lớn, thậm chí là còn bốc lên ngùn ngụt. Thế tất người ta phải vơ lấy bất cứ thứ gì có thể vơ, để chất lên con tàu ấy, kể cả những thứ hàng xấu, hàng kém chất lượng, phải chất, dù con tàu ấy đã quá tải, gấp nhiều lần sức chở của nó.

Ông Trần Văn Truyền và ông Huỳnh Phong Tranh đề bạt, bổ nhiệm chừng ấy cán bộ, phần lớn là cấp phó các cục, vụ và cấp phòng trong các cục, vụ. Bất chấp cả quy định tại Nghị định 178 của Chính phủ, là cấp phó của người đứng đầu các tổ chức thuộc Bộ không quá 3 người. Nhưng Cục III của TTCP đang có 6 phó, Cục I và Cục II mỗi cục cũng có 4 phó rồi. Ban tiếp công dân cũng vậy, cũng có tới 4 phó.

Và bất chấp Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Quyết định số 2218 của Thủ tướng về việc “bỏ cấp phòng trong các cục, vụ của Tổng cục và tương đương”, nhiều cán bộ vẫn được đề bạt, bổ nhiệm làm lãnh đạo cấp phòng trong các cục, vụ của TTCP. Việc đề bạt, bổ nhiệm bát nháo đến mức ông vụ trưởng Vụ III đang còn lù lù ra đó, mà đã đề bạt, bổ nhiệm ông vụ phó phụ trách vụ. Thành ra cơ chế cán bộ của ta xuất hiện một trường hợp hết sức lạ kỳ, là vụ phó phụ trách, lãnh đạo vụ trưởng, còn vụ trưởng trở thành cấp dưới của vụ phó.

Vì sao có việc đề bạt, bổ nhiệm một cách cấp tập, ào ạt thế? Trước khi “hạ cánh”, người có quyền ký ban một chút ân tình cho cấp dưới? Hay là mỗi người muốn được đề bạt, bổ nhiệm, phải “chồng” bao nhiêu đó, tùy theo mỗi chức vụ, khiến người có quyền ký bất chấp quy định của pháp luật, quyết tâm “vét” một mẻ cuối cùng cho cái túi tham không biết bao nhiêu cho đầy của mình? Việc đề bạt, bổ nhiệm ào ạt, cấp tập như vậy, có phải là một hình thức tham nhũng không? Những câu hỏi đó vẫn chưa có lời đáp. Chỉ biết rằng đến TTCP mà còn vi phạm những quy định pháp luật thế, thì đúng là “Thanh cha, thanh mẹ, thanh gì..." (ca dao mới) rồi còn gì.

Không thể chần chừ được nữa, phải lập tức chấm dứt “những chuyến tàu vét” này, nếu muốn thể hiện quyết tâm chống tham nhũng.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/phai-chan-ngay-nhung-chuyen-tau-vet-post179007.html