Phải chăng ông trùm OPEC+ đang mất dần ảnh hưởng trên thị trường dầu mỏ?

Sự kiểm soát của liên minh Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) trên thị trường dầu mỏ toàn cầu đang ngày một giảm đi, theo Bloomberg.

Ảnh minh họa

Các nhà giao dịch dầu thô đã bỏ qua tác động từ cam kết được đưa ra ngày 30/11 từ Ả Rập Xê-út và các đồng minh của họ về việc cắt giảm nguồn cung thêm 900.000 thùng mỗi ngày, khi vẫn còn đó hoài nghi về việc thực hiện cam kết này. Bất chấp nhiều nỗ lực của nhóm nhằm củng cố tâm lý trong tuần qua, giá dầu đã giảm 11% xuống mức thấp nhất trong 5 tháng.

Một số nhân vật quyền lực nhất trong thế giới dầu mỏ như người đứng đầu ngành năng lượng của Ả Rập Xê-út và phó thủ tướng Nga đã đưa ra những đảm bảo công khai rằng việc hạn chế nguồn cung có thể được kéo dài sau tháng 3. Tổng thống Vladimir Putin đã có chuyến thăm hiếm hoi tới Riyadh và Abu Dhabi để thể hiện sự đoàn kết giữa các nhà khai thác dầu mỏ.

Tuy nhiên, tất cả những hành động này đều chưa có kết quả.

Các thương nhân nghi ngờ việc OPEC+ sẽ tuân theo đủ mức cắt giảm để kiềm chế tình trạng dư thừa sắp xảy ra khi tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu đang chậm lại và nguồn cung của đối thủ, trong đó có Mỹ, đang tăng lên.

Mỹ đạt sản lượng dầu kỷ lục 13,2 triệu thùng/ngày vào tháng 9

Ông Max Layton, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Citigroup Inc, cho biết: “Thị trường tỏ ra rất thất vọng về các biện pháp của OPEC+.” Các biện pháp này “không đủ để ngăn chặn sự suy giảm dần dần của cán cân dầu mỏ” vào năm tới.

Mức cắt giảm bổ sung được công bố ngày 30/11 sẽ không có hiệu lực cho đến tháng 1 và có tiền lệ cho thấy các hành động của nhóm sẽ mất một thời gian để có tác động rõ ràng đến giá dầu. Ả Rập Xê-út lần đầu tiên tuyên bố đơn phương cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày vào tháng 6, nhưng phải đến tháng 7, giá mới duy trì được đà tăng bền vững.

Nhưng ít nhất hiện tại, việc cắt giảm nguồn cung không mang lại hiệu quả như mong muốn. Giá dầu đã giảm gần 25% kể từ khi đạt gần 100 USD/thùng ba tháng trước.

Giá dầu thô tương lai được giao dịch ở mức gần 70 USD/thùng tại New York vào thứ Năm.

Biến động giá dầu trong 2 lần Ả Rập Xê-út và OPEC+ thông báo cắt giảm thêm sản lượng

Mặc dù động thái đó mang lại sự nhẹ nhõm cho người tiêu dùng và ngân hàng trung ương sau nhiều năm lạm phát tràn lan, nhưng nó lại gây ra mối đe dọa kinh tế cho 23 quốc gia thuộc liên minh OPEC+.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các thị trường dầu thô toàn cầu dường như sẽ suy yếu hơn nữa trong năm tới khi nhu cầu của Trung Quốc yếu đi do khó khăn tài chính và nguồn cung trên toàn thế giới tăng lên. Sản lượng dầu thô của Mỹ cũng đã tăng vọt lên mức kỷ lục trên 13 triệu thùng/ngày, do các nhà khai thác dầu đá phiến ở đây được tiếp thêm động lực nhờ sự hỗ trợ mà OPEC+ dành cho giá dầu vào đầu năm nay.

Sự mơ hồ trong quyết định cắt giảm

Tuần trước, triển vọng u ám đã thúc đẩy nhóm OPEC+ - vốn đã cắt giảm hàng triệu thùng khỏi thị trường trong năm qua để hỗ trợ giá - can thiệp một lần nữa.

Tuy nhiên, đợt tăng giá ban đầu đã sớm lụi tàn khi sản lượng khai thác mới của nhóm xuất hiện thông qua một loạt thông báo từ từng thành viên OPEC+ mà không theo bảng hạn ngạch chính thức như thông thường hoặc thông qua một cuộc họp báo để làm rõ các chi tiết.

Trong khi Riyadh cam kết gia hạn mức cắt giảm 1 triệu thùng/ngày cho đến tháng 3, vương quốc này không đưa ra biện pháp mới nào. Thay vào đó, có thêm những đóng góp lớn đến từ các quốc gia như Iraq, vốn thường không tuân thủ hạn ngạch được giao.

Trong khi đó, Nga tiếp tục che đậy các nghĩa vụ báo cáo chính xác của mình bằng cách nói rằng việc hạn chế nguồn cung của họ giờ đây sẽ bao gồm việc giảm xuất khẩu dầu thô hoặc các sản phẩm tinh chế, những sản phẩm sau này thường không tuân theo giới hạn của OPEC+.

Đáng chú ý, Angola sau nhiều ngày tranh luận gay gắt đã bác bỏ hoàn toàn hạn ngạch mới và khẳng định sẽ cung cấp nhiều nhất có thể.

Một công nhân trên bể chứa dầu nổi (FPSO) ngoài khơi Angola

Các nhà phân tích đã đưa ra một phán quyết gay gắt. Trong đó, công ty tư vấn Vanda Insights gọi thỏa thuận này là một “mớ hỗn độn, khó hiểu”, trong khi Ngân hàng Julius Baer & Co. Ltd. nói rằng “sự mờ nhạt” của nó có thể kéo tụt giá dầu xuống mức 70 USD.

Diễn biến xấu

Nhà phân tích Bob McNally, chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group và cựu quan chức Nhà Trắng, cho biết: “Những diễn biến phức tạp của cuộc họp OPEC+ này sẽ củng cố tâm lý tiêu cực của thị trường trong năm mới”.

Đó là sự tương phản rõ rệt so với các hành động trước đây của OPEC+, chẳng hạn như việc cắt giảm nguồn cung kỷ lục 10 triệu thùng/ngày đã giúp vực dậy giá dầu sau đợt sụp đổ lịch sử và giải cứu ngành dầu mỏ khi nhu cầu giảm mạnh trong đại dịch Covid năm 2020.

Tâm lý không được cải thiện khi OPEC+ tiết lộ họ đã thêm thành công Brazil vào nhóm của mình, khi Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva giải thích ngay sau đó rằng việc gia nhập của ông là nhằm đẩy nhanh việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của nhóm.

Trong những ngày tiếp theo, các quan chức cấp cao của liên minh đã nỗ lực xoay chuyển tình thế.

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nói với đài truyền hình Bloomberg hôm thứ Hai rằng liên minh OPEC+ có thể “hoàn toàn” kéo dài các biện pháp này sau quý đầu tiên của năm tới. Ông nói rằng các biện pháp hạn chế đã hứa “sẽ được thực hiện” đầy đủ và ngăn chặn hàng tồn kho tăng trong quý tới, nhằm chứng minh rằng những người chỉ trích thỏa thuận này đã “hoàn toàn sai lầm”.

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman

Ban đầu, giá dầu đã tăng lên sau tuyên bố này, nhưng nhanh chóng lại chùn bước. Quan điểm của ông đã được lặp lại một ngày sau đó bởi Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, và sau đó là Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Algeria Mohamed Arkab vào thứ Tư, nhưng một lần nữa lại vô ích.

Thị trường chán nản

Ông Norbert Ruecker, người đứng đầu bộ phận kinh tế tại Bank Julius Baer & Co. Ltd, cho biết: “Thị trường có vẻ ít bị thuyết phục bởi các quốc gia dầu mỏ”. Tâm trạng cuối cùng là “đặc biệt chán nản”.

Liên minh dự kiến sẽ không gặp lại cho đến tháng 6 và vẫn chưa ấn định ngày họp tiếp theo của Ủy ban cấp bộ trong việc giám sát việc cắt giảm - điều thường xảy ra hai tháng một lần.

Để vực dậy các thị trường đang suy yếu, Citigroup suy đoán rằng OPEC+ có thể triệu tập một cuộc họp khẩn cấp khác trước khi hết năm. Trong khi đó, nhiều người đang suy nghĩ về việc liệu tổ chức này có chuyển hướng hoàn toàn hay không.

Ông Doug King, giám đốc đầu tư của Merchant Commodity Fund, cho biết: “Chiến lược của OPEC có vẻ mong manh,” bởi vì việc hỗ trợ giá chỉ đơn giản là tài trợ cho làn sóng dầu đá phiến của Mỹ.

Giàn khoan dầu đá phiến tại North Dakota, Mỹ

Cùng với đó, ông Paul Sankey nói rằng Riyadh cũng đang nhường lại khách hàng cho đối thủ chính trị của mình là Iran, quốc gia đã khôi phục sản lượng lên mức cao nhất trong 5 năm nhờ việc lách các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Ông King cho biết một “kế hoạch hợp lý hơn” dành cho nhóm này sẽ là xả dầu ra thị trường và khiến giá giảm mạnh như đã từng xảy ra vào năm 2014. Điều đó sẽ làm tăng nhu cầu và khiến ngành đá phiến phải tái định hình.

Đỗ Khánh

Bloomberg

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/phai-chang-ong-trum-opec-dang-mat-dan-anh-huong-tren-thi-truong-dau-mo-701336.html