Phải chui qua lỗ làm việc với cán bộ: Phản cảm và bất lợi cho dân

Liên quan đến việc người dân phải chui qua một cái lỗ kính nhỏ để làm việc với cán bộ tại nơi đăng ký tiếp công dân của UBND tỉnh Nam Định, nhiều người cho rằng đây là hình ảnh hết sức phản cảm, gây bất lợi cho công dân.

 Người dân phải chui qua cái lỗ kính nhỏ để làm việc với cán bộ.

Người dân phải chui qua cái lỗ kính nhỏ để làm việc với cán bộ.

Hình ảnh tiếp công dân... phản cảm

Một clip ghi lại cảnh người dân chui đầu qua một lỗ tại phòng đăng ký tiếp dân của UBND tỉnh Nam Định xuất hiện trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Clip đăng tải, phản ánh hoạt động tiếp dân tại trụ sở UBND tỉnh Nam Định rất lộn xộn, ồn ào. Nơi giao tiếp với người dân được chắn kính và chỉ chừa một lỗ nhỏ đủ để đưa hồ sơ, tài liệu. Do đó, có nhiều người đã phải chui qua lỗ này để làm việc với cán bộ ngồi phía trong.

Người dân phải chui qua lỗ kính nhỏ để làm việc với cán bộ, trong khi đó cán bộ thì đang sử dụng điện thoại.

Trao đổi với Lao Động, Ths, LS Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo Điều 3 Luật Tiếp Công dân năm 2013, việc tiếp công dân phải bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân. Tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, ở đây bàn làm việc được kê quá xa, cán bộ hỏi rất bé, rất khó nghe trong khi bên ngoài rất đông người khiến rất mất thời gian; có rất nhiều người lớn tuổi, họ là những “ông già, bà cả” mà cứ phải chui xuống cái lỗ bé tý, bò ra bàn, chìa tay ra mới có thể đưa giấy tờ và nói chuyện với cán bộ.

“Tôi cho rằng việc để tình trạng như vậy là không đảm bảo nguyên tắc tiếp công dân, không tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các quyền lợi hợp pháp của mình và khiến cho hình ảnh tiếp công dân trở nên “phản cảm”, gây ra tâm lý, phản ứng tiêu cực cho nhiều người”- Luật sư Cường nêu quan điểm.

Mặt khác, Điều 8 của Luật Tiếp Công dân 2013 cũng quy định, trách nhiệm của người tiếp công dân, trong đó cán bộ tiếp công dân phải có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.

Bộc lộ khiếm khuyết của... cán bộ

Tương tự, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, việc bố trí bàn tiếp rất xa người dân, bố trí cửa kính ngăn cách, đục lỗ khiến dân phải cúi đầu khi giao tiếp được đánh giá là cản trở người dân trong việc tiếp cận cán bộ chính quyền. Cách bài trí ấy còn tạo ra hình ảnh phản cảm thiếu dân chủ, khiến người dân có những hiểu biết sai lệch về tinh thần phụng sự nhân dân của Chính phủ.

Thực tế với biểu hiện của những cán bộ tiếp dân làm cho người xem video cảm nhận người cán bộ không làm tốt nhiệm vụ tiếp dân, có biểu hiện chưa “Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân” như yêu cầu tại khoản 2, điều 8, Luật Công chức.

Rất đông người dân chờ làm việc, đăng ký tiếp công dân.

Do vậy, UBND tỉnh Nam Định cần phải nhanh chóng vào cuộc, thay đổi thiết kế của phòng tiếp dân để phù hợp với tinh thần tôn trọng nhân dân, gần dân, vì dân mà Đảng Nhà nước đề ra trong Luật Tiếp Công dân.

Cũng theo LS Lực, nếu không có video này thì không ai biết đến những bất cập của việc tiếp dân tại UBND tỉnh Nam Định. Rõ ràng việc cấm, hạn chế, xin phép cán bộ khi công dân ghi âm, ghi hình sẽ tạo ra một điểm mù che khuất những khiếm khuyết cần hoàn thiện của thể chế.

PHẠM ĐÔNG - TRẦN VƯƠNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/phai-chui-qua-lo-lam-viec-voi-can-bo-phan-cam-va-bat-loi-cho-dan-728399.ldo