Phải có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn

Bên cạnh những tiện ích trong kết nối, giao lưu, chia sẻ thông tin, không ít người đã lợi dụng mạng xã hội nói chung, facebook nói riêng để thực hiện những hành vi phản cảm, thậm chí bôi xấu cá nhân, thông tin bịa đặt khiến xã hội hết sức bất bình. Thậm chí, nhiều người còn giả mạo tài khoản facebook để sử dụng vào các mục đích đen tối khác.

Nhiều thủ đoạn

Mới đây, chương trình Chuyển động 24h của VTV24 đã có phóng sự phản ánh tình trạng xuất hiện các trang giả mạo làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của chương trình. Hiện các trang giả mạo chương trình của VTV24 trên facebook đã lên đến hơn 200 trang. Trong đó, Chuyển động 24h và Nói không với thực phẩm bẩn bị mạo danh nhiều nhất. Theo Chuyển động 24h, có không ít những trang giả mạo các trang chính thức của VTV24, thu hút được hàng chục ngàn người theo dõi và lầm tưởng đây là fanpage chính thống của VTV24.

Một trong những thủ đoạn để đánh lừa người sử dụng mạng xã hội facebook hiện nay là dùng tên của chương trình Chuyển động 24h mạo danh chương trình phát sóng của Trung tâm tin tức VTV24 trên mạng xã hội. Thậm chí, không chỉ dùng tên chương trình, một trang giả mạo khác còn dùng ảnh và logo của Chuyển động 24h làm ảnh bìa, ảnh đại diện... Bên cạnh đó, dùng những hình ảnh về ngày ra mắt, ê-kip làm việc của VTV24 nhằm tạo niềm tin với nguời truy cập. Kết quả thu hút tới hơn 71.000 người theo dõi. Sau khi tạo được vỏ bọc, lừa dối được người truy cập, nhiều trang giả mạo bắt đầu tiến hành bước thứ 2 là liên tục đăng tải những nội dung bịa đặt, khiêu dâm và có khi là cả kích động xen kẽ với những nội dung chính thống. Thậm chí, chủ các trang giả mạo còn tự nhận mình là phóng viên hứa hẹn xử lý vụ việc cho người dân kèm theo yêu cầu chi phí…

Một trang giả mạo Chuyển động 24h

Mặc dù VTV24 đã nhiều lần liên hệ với chủ của các trang giả mạo yêu cầu gỡ bỏ nhưng hầu như không nhận được phản hồi. Và khi báo cáo với facebook để ngăn chặn các trang này thì lại có thêm các trang giả mạo khác mọc lên.

Về tình trạng giả mạo facebook cá nhân gây thông tin thất thiệt, trước đây không ít những nghệ sĩ nổi tiếng đã từng khốn đốn khi bị những đối tượng giả mạo faceook của mình để tung tin đồn thất thiệt. Điển hình như vụ ca sĩ U.L. bị trang facebook giả mạo đưa lên những status sai sự thật, gây hại cho uy tín, danh dự của cô. Hay như vào cuối năm 2013, có một tài khoản facebook đã mạo danh ca sĩ Đ.V.H. tung tin đồn nam ca sĩ D.M đột tử khi đang diễn ở Đà Nẵng khiến cho dư luận không khỏi bàng hoàng, lo lắng. Đại diện của ca sĩ Đ.V.H. cho biết, trên facebook có vài fanpage và facebook cá nhân mạo danh ca sĩ Đ.V.H và có những lời chia sẻ giả phong cách của Đ.V.H được cóp nhặt từ những bài phỏng vấn của anh. Tuy nhiên, khi được hỏi về những facebook này, ca sĩ Đ.V.H khẳng định, anh không có bất cứ một facebook nào. Đại diện của ca sĩ Đ.V.H cho biết, việc đưa ra thông báo này là vô cùng cần thiết, bởi rất nhiều các tờ báo hiện nay đều lấy nguồn tin từ trang facebook của nghệ sĩ mà không hề kiểm chứng. Đồng thời, loại trừ việc các facebook đưa tin bất lợi hay tạo những scandal không đáng có.

Cần xử lý nghiêm

Theo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) – Công an TP.Hà Nội: Thủ đoạn phổ biến là khai thác hình ảnh, tên tuổi của nạn nhân đầy rẫy trên mạng hoặc lấy từ trang facebook “chính chủ”, để lập tài khoản facebook mang tên họ. Cũng có thể đối tượng “hack” (tấn công) tài khoản facebook của nạn nhân, chiếm quyền quản trị rồi mạo danh người đó để thực hiện các hành vi khác nhau. Mục đích giả mạo facebook cũng rất đa dạng. Từ thực tiễn công tác, PC50 thấy đối tượng thường hướng đến các mục tiêu. Thứ nhất, để nhân danh nạn nhân tung tin thất thiệt, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín danh dự, nhân phẩm của người khác. Bên cạnh đó, lợi dụng uy tín xã hội, lượng fan hâm mộ của nạn nhân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc hô hào quyên góp từ thiện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, lừa nạp thẻ điện thoại, vay tiền... Mục tiêu nữa là, lập facebook giả để phát tán mã độc, virut trong các nội dung đăng tải như hình ảnh, video clip... dẫn dụ người dùng khác truy cập vào. Điều này giúp chúng dễ dàng “hack” được mật khẩu và chiếm quyền quản trị các tài khoản facebook khác”.

Với sự phát triển của internet nói chung và mạng xã hội hiện nay, để hạn chế việc giả mạo trang thông tin điện tử của người khác cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác trên môi trường mạng thì các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm và quyết liệt hơn nữa đối với các hành vi vi phạm; người bị xâm phạm cũng cần có thái độ tích cực ngăn chặn hành vi vi phạm, có biện pháp phòng ngừa hành vi vi phạm. Việc lập facebook giả mạo người khác là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Công nghệ thông tin được ban hành từ năm 2006 và các văn bản hướng dẫn luật này. Theo luật sư Ngọc Anh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội): Pháp luật nghiêm cấm hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân…

Nếu cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; nếu tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 77 Luật Công nghệ thông tin).

Cũng theo luật sư Ngọc Anh: Trong trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính, hành vi giả mạo facebook, giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (Điểm d Khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP). Hành vi sử dụng facebook, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác cũng có mức phạt tương tự. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Tuy nhiên, tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm từ việc giả mạo facebook cùa người khác, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu theo một hoặc những tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự. Chẳng hạn, nếu dùng facebook giả mạo xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể cấu thành tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 BLHS, hình phạt tối đa đến 3 năm tù; hoặc “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet” theo Điều 226 BLHS (hình phạt tối đa đến 7 năm tù); “tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b BLHS…

Hoàng Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phai-co-che-tai-du-manh-de-ngan-chan-39675.html