Phải có cơ chế phù hợp quản lý nguồn nước

Nước là mặt hàng đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sức khỏe của hàng triệu người dân. Việc giá thành cũng như quản lý mặt hàng này luôn được cả xã hội quan tâm. Để có cái nhìn đa chiều, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam về vấn đề này.

Hiện có tình trạng, một địa bàn nhưng hai, ba giá nước khác nhau gây thắc mắc cho người dân. Theo ông, quy định giá nước như vậy có bất cập?

Hiện nay, đã có các văn bản quy định pháp luật liên quan đến giá nước sinh hoạt từ Luật, Nghị định, Thông tư quy định chi tiết, cụ thể về căn cứ, nguyên tắc tính giá và phương pháp tính từng hạng mục, quy trình tính giá... Thực tế, quy định giá nước phải được tính đúng, tính đủ trên cơ sở các định mức kinh tế quỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Nhưng về cơ bản, khá nhiều địa phương chưa ban hành được định giá. Việc không có định mức quy định, không có chuẩn mực… dẫn đến không có sự đồng thuận giữa các cơ quan tham gia hội đồng. Vì vậy, thời gian duyệt giá cho các đơn vị cần thiết phải điều chỉnh bị chậm, thường 6 – 9 tháng, cho nên không bắt kịp được biến động của chi phí sản xuất.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam

Còn vấn đề áp dụng, vận dụng các quy định về giá nước sinh hoạt tại mỗi địa phương thì sao, thưa ông?

Hiện nay về mặt pháp lý, quy định pháp luật về định giá bao gồm Nghị định 117 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung ứng nước sạch; Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đi kèm có Thông tư 88 của Bộ Tài chính quy định chi tiết, cụ thể phương pháp tính giá, quy trình phân cấp định giá…

Thực tế thời gian qua, hầu hết địa phương đã cơ bản chấp hành nghiêm túc các văn bản hướng dẫn về định giá. Theo Thông tư số 75, hàng năm, khi các yếu tố cấu thành chi phí sản xuất, cung ứng nước sạch có biến động hoặc khi có sự thay đổi về công nghệ xử lý nước, quy chuẩn chất lượng dịch vụ; sự thay đổi về cơ chế chính sách của Nhà nước có liên quan làm giá thành tiêu thụ nước sạch tăng hoặc giảm thì cấp có thẩm quyền phê duyệt giá nước cho phù hợp. Và đa số địa phương đã tính giá bù đắp được chi phí sản xuất và có lợi nhuận tối thiểu 5%, nhưng vẫn còn địa phương có giá chưa bù đắp được chi phí sản xuất.

Thêm một vấn đề nữa người dân đang băn khoăn, hình như họ phải gánh lãi doanh nghiệp đi vay để xây dựng nhà máy kinh doanh nước sạch. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Đúng là như vậy, nhưng bây giờ nhà máy họ làm thế cũng không có gì sai cả mà cơ quan trượt giá họ cũng không có gì sai. Bởi theo quy định của pháp luật trong Nghị định 43/2014/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Đất đai nói rất rõ, có hai nguồn lực tài chính để xây dựng các dự án đầu tư nói chung, trong đó có dự án về nước. Cụ thể, bản thân doanh nghiệp phải có nguồn lực nguồn vốn của mình. Vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20ha trở lên.

Việc pháp luật quy định là như vậy, nhưng thực tế người dân rất bức xúc, theo ông, có nên sửa điều này cho phù hợp hơn với thực tế?

Tôi rất chia sẻ những băn khoăn của người dân, kể cả lãi vay, kể cả bán cổ phần, kể cả an toàn nguồn nước… Bởi tất cả điều đó đều liên quan đến an ninh và an toàn nguồn nước, đến cuộc sống trực tiếp của con người.

Trên thực tế, có những điều pháp luật quy định đến nay không còn phù hợp, trong đó có liên quan đến ngành nước. Cho nên có thể phải sửa một số quy định liên quan, kể cả cổ phần hóa, sau cổ phần hóa phải quản lý ngành nước như thế nào? Chứ nếu để bán 100% và doanh nghiệp kinh doanh theo mục đích lợi nhuận tối đa thì an ninh nguồn nước là rất khó.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phai-co-co-che-phu-hop-quan-ly-nguon-nuoc-129786.html