Phải coi năng suất lao động là điểm nghẽn

Đinh Ngọc Quý - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Một điểm đáng chú ý trong Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ Tư của Quốc hội đó là chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động không đạt. Đây là vấn đề đã được cảnh báo từ những năm trước và là hệ quả của quá trình thực thi các chính sách thúc đẩy năng suất quốc gia chưa thật hiệu quả và chưa đầy đủ.

Động lực tăng trưởng thiếu vắng yếu tố năng suất

Chúng ta nói nhiều đến các điểm nghẽn về thể chế, về đất đai, về cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, nhưng đối với vấn đề chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động chưa có nhiều thay đổi đột phá trên thực tế, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, kinh tế số hiện nay.

Khá nhiều các cơ chế chính sách đã được điều chỉnh, ban hành để thúc đẩy, tạo sự chuyển biến về thể chế chính sách, về môi trường kinh doanh, nhưng dường như vấn đề chất lượng lao động và năng suất lao động sẽ khó khăn hơn nhiều vì đòi hỏi sự đột phá thực sự và sẽ mất nhiều thời gian hơn. Có lẽ đã đến lúc phải coi đây là điểm nghẽn của phát triển kinh tế - xã hội để có giải pháp phù hợp hơn mới có thể duy trì được tăng trưởng và bảo đảm tính bền vững của tăng trưởng, của phát triển. Thực tế đã chứng minh điều này!

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế, Tổ chức năng suất châu Á, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương dù đã được cải thiện đáng kể về việc duy trì tốc độ tăng năng suất ở tỷ lệ cao nhưng giá trị tuyệt đối không lớn. Đến nay, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn Singapore gần 15 lần (gần 30 năm trước là hơn 29 lần), thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần. So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.

Trong động lực tăng trưởng của chúng ta dường như đang thiếu vắng yếu tố năng suất. Trong khi đó, để thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao, phát triển nâng cao phúc lợi và thúc đẩy tăng trưởng đòi hỏi phải nâng cao năng suất lao động ở mức cao hơn và tốc độ tăng bình quân phải ở mức tiệm cận 7%/năm (giai đoạn 2012 - 2018, năng suất lao động tăng cao nhất trong ba thập kỷ qua nhưng cũng chỉ ở mức 5,3% mỗi năm).

Điều này cũng phù hợp với đánh giá, nhận định của các nghiên cứu của các tổ chức quốc tế và thực tế về nguồn nhân lực lao động ở nước ta trong bối cảnh tỷ lệ tham gia lao động và tỷ lệ có việc làm không thể tăng nhiều so với giai đoạn trước đây và dân số tiếp tục già hóa. Theo dự báo, số lượng lao động sẽ giảm và năng suất của những người đang làm việc sẽ cần được tăng lên khá cao mới có thể duy trì tăng trưởng. Đặc biệt, tăng trưởng GDP bình quân đầu người thực tế từ năm 1991 đến năm 2020 vẫn chỉ ở mức tiệm cận 6%/năm và tốc độ này cần được nâng lên mức 6,7% từ nay đến năm 2045 để Việt Nam có thể trở thành quốc gia thu nhập cao.

Năng suất các nhân tố tổng hợp cũng trong tình trạng tương tự và như vậy cùng với những vấn đề tồn tại về kỹ năng nghề, kỹ năng số chưa được cải thiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2021 đạt trên 26% và năm nay khoảng 27%, cho thấy các yếu tố hỗ trợ tăng năng suất lao động cũng có tốc độ tăng rất chậm.

Cần thiết lập phong trào cải thiện năng suất lao động mang tầm quốc gia

Cần thiết lập phong trào cải thiện năng suất lao động mang tầm quốc gia

Thiết lập phong trào cải thiện năng suất lao động tầm quốc gia

Chính phủ cần quan tâm hơn đến các giải pháp đối với vấn đề này, trong đó những bài học về các mô hình thành công về cải thiện năng suất lao động của Nhật Bản, Singapore... cần được cân nhắc thấu đáo hơn. Đáng chú ý là không chỉ những vấn đề về thay đổi mô hình, phương thức dạy nghề, về đáp ứng đặt hàng của doanh nghiệp mà Chính phủ phải thiết lập được cơ chế để gắn kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI - điều này đang khá yếu. Trong đó, làm sao phát huy được lực lượng hàng trăm nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài khi về nước để không lãng phí nguồn nhân lực có kỹ năng này sau thời gian làm việc ở nước ngoài.

Cùng với đó, nghiên cứu chính sách để thúc đẩy việc cải thiện năng suất lao động một cách chủ động từ phía doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các hiệp hội để có những hỗ trợ với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thay đổi thiết lập quy trình sản xuất kinh doanh gắn với tăng năng suất và hiệu quả. Chính phủ cũng cần đánh giá lại các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ hiện hành để khắc phục những hạn chế hiện nay.

Cuối cùng và quan trọng nhất là Chính phủ phải thiết lập được phong trào cải thiện năng suất lao động mang tầm quốc gia để thực sự duy trì tăng trưởng, duy trì phát triển bền vững và đạt được mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và 2045.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/phai-coi-nang-suat-lao-dong-la-diem-nghen-i305237/