Phải đảm bảo cung cấp đủ điện trong mùa cao điểm

Trong buổi trao đổi về tình hình cung ứng điện và 1 số vấn đề liên quan, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định: Bằng mọi cách phải đảm bảo cung cấp điện cao điểm mùa khô, đặc biệt thời gian cao điểm nắng nóng ở khu vực miền Bắc tới đây.

Bộ Công Thương trao đổi với các cơ quan Báo chí về tình hình cung cấp điện

Bộ Công Thương trao đổi với các cơ quan Báo chí về tình hình cung cấp điện

Trả lời báo chí về khả năng khó khăn trong cung cấp điện các tháng mùa khô, đặc biệt là thời gian cao điểm nắng nóng tới đây, khi dự báo lượng nước về các hồ thủy điện thấp, việc cung ứng nguyên liệu than, khí tại các nhà máy điện khó đáp ứng kịp thời khi nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng nhanh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định: tất cả các đơn vị có liên quan sẽ phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo cung cấp điện. Theo đó, “bằng mọi cách phải đảm bảo điện cho sản xuất, đời sống, tiêu dùng của nhân dân”.

Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, như: Phải đảm bảo vận hành tin cậy các nhà máy điện; Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản, phải đảm bảo về than; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải đảm bảo cung cấp khí; Các nhà máy điện khác cũng phải chủ động đảm bảo các nguồn nguyên, nhiên liệu than, dầu, khí cho việc huy động điện; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải chủ động trong việc cân đối nguồn nước thủy điện; tiếp tục đàm phán thống nhất hợp tác với các nhà máy điện năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp theo đúng quy định để nối lưới; Đồng thời, thực hiện triệt dể các giải pháp tiết kiệm điện. Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết thêm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An trả lời câu hỏi của báo chí về đảm bảo cung cấp điện trong thời gian tới

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại có tới hơn 4.000 MW điện NLTT không huy động được mà lại phải nhập khẩu điện. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết: Việc đàm phán mua bán điện với các chủ đầu tư NLTT, EVN phải thực hiện theo đúng các quy định của nhà nước. Trong số 85 dự án NLTT chuyển tiếp chưa có giá, đã có 52 dự án gửi hồ sơ đàm phán, nhưng hiện tại mới có 5 dự án, với công suất trên 300 MW là đủ hồ sơ, đảm bảo nối lưới. Các dự án còn lại vẫn đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, đủ điều kiện là sẽ hòa lưới ngay.

Về việc nhập khẩu điện, theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An thì việc trao đổi điện còn nhiều vấn đề: Thứ nhất là vấn đề kinh tế, các đơn vị kinh doanh phải có lợi thì mới làm, phải khẳng định là như thế. Thứ hai là duy trì hợp tác, trong Quy hoạch điện VIII cũng có cả xuất khẩu điện - năng lượng tái tạo sang các quốc gia láng giềng, đặc biệt là mua bán điện với các nước bạn. Tới đây chúng ta còn phải bàn về liên kết lưới điện chung cả ASEAN. Đó là những việc hợp tác của liên ngành và đương nhiên là phải luôn luôn đảm bảo hiệu quả kinh tế. Về năng lượng tái tạo trong nước, nếu các đơn vị, doanh nghiệp có đủ pháp lý thì là chúng ta sẽ phải huy động hết.

Các cơ quan Báo chí đã đặt ra nhiều câu hỏi cho Lãnh đạo Bộ Công Thương trong buổi họp báo

Trước các câu hỏi báo chí đặt ra liệu có khả năng phải cắt điện không khi hệ thống điện đang huy động nhiều nguồn điện có giá thành cao (nhiệt điện than, khí, NLTT, dầu DO, FO...), Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định "phải đảm bảo ưu tiên cấp điện bằng mọi cách". Điều quan trọng là phải đảm bảo vận hành ổn định, liên tục hệ thống để cấp điện, cố gắng không để xảy ra sự cố đối với các nhà máy điện cũng như hệ thống truyền tải gây gián đoạn cung cấp điện.

Về phương án xử lý các vướng mắc về giá điện năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương nhấn mạnh có 3 quan điểm lớn về theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Một là, việc giải quyết phải đúng các quy định của pháp luật. Hai là, trên tinh thần “ Lợi ích hài hòa rủi ro chia sẻ”. Ba là, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích xã hội.

Nguyễn Hiệp

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/phai-dam-bao-cung-cap-du-dien-trong-mua-cao-diem-685847.html