Phải để cơ quan dân cử giám sát việc sử dụng các quỹ ngoài ngân sách

Hiện Việt Nam có hơn 70 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Việc quản lý các quỹ này tuy đã được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật song việc thực hiện đến nay vẫn còn mang tính 'tự chủ', chưa công khai, minh bạch mặc dù phần lớn nguồn lực của các quỹ xuất phát từ Nhà nước.

Ảnh minh họa.

"Tự kiểm soát" chi tiêu

Thời gian qua, các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN đã có những đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo một số mục tiêu xã hội, tăng cường thu hút vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, huy động thêm các nguồn tài chính hỗ trợ NSNN trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.

Đây là một định chế tài chính của Nhà nước, hoạt động độc lập với NSNN, do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập nhằm huy động thêm nguồn thu từ xã hội để thực hiện các nhiệm vụ được xác định. Các địa phương, bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước được quyền chủ động thu, chi, quản lý loại quỹ này theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến nay có hơn 70 quỹ đang hoạt động, trong đó Trung ương có khoảng 37 loại quỹ và địa phương khoảng hơn 30 loại quỹ với mục đích, quy mô, tính chất, phạm vi hoạt động rất đa dạng.

Trong quá trình hoạt động, các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN mặc dù đã phát huy được mục tiêu xã hội cụ thể đã đề ra, tăng cường thu hút vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, huy động thêm nguồn tài chính hỗ trợ NSNN trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội tuy nhiên đã nảy sinh một số bất cập, như: hiện các quỹ "tự kiểm soát" chi tiêu; chưa có khung chế tài để quản lý thống nhất các quỹ; công tác quản lý thu- chi các quỹ còn bất cập…

Để quản lý, giám sát các quỹ này, Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định: Quỹ có nguồn từ NSNN phải công khai quy chế hoạt động và cơ chế tài chính của quỹ; kế hoạch tài chính hàng năm, trong đó chi tiết các khoản thu, chi có quan hệ với NSNN theo quy định của cấp có thẩm quyền; kết quả hoạt động của quỹ; quyết toán năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ban hành quy chế công khai tài chính, trong đó quy định các quỹ có nguồn từ NSNN và các quỹ có nguồn thu từ các khoản đóng góp của nhân dân được thành lập theo quy định của pháp luật phải công khai tài chính theo quy định của quy chế này.

Cần ban hành Luật Tài chính nhà nước

Là một chuyên gia đã "trăn trở" hơn 10 năm nay về vấn đề quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, PGS. TS. Đặng Văn Thanh- Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho biết: Gọi là các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhưng bản chất là quỹ tài chính tập trung của nhà nước, phải được quản lý như quản lý NSNN. Tuy vậy, ở Việt Nam hiện nay, mỗi quỹ lại có một điều lệ riêng, có những quỹ về mặt quy mô không kém NSNN, như Quỹ dự trữ, Quỹ dự phòng, Quỹ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ xóa đói giảm nghèo, Quỹ phát triển, nâng cao thể trạng năng lực người Việt Nam, hay gần đây còn có Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá,… Những loại quỹ này hiện nay chưa được điều chỉnh bằng các khung khổ pháp lý thống nhất; chưa công khai trước nhân dân, Quốc hội như là NSNN.

“Vấn đề đặt ra là nếu xác định đó là một phần của tài chính NSNN thì phải được quản lý như NSNN và phải chịu sự giám sát của cơ quan dân cử, ở Trung ương là Quốc hội và địa phương là Hội đồng nhân dân. Khi giám sát như vậy thì buộc phải minh bạch”- ông Thanh nói.

Vị chuyên gia này cũng khuyến nghị rằng, thời gian tới cần ban hành Luật Tài chính Nhà nước và các quỹ này hàng năm phải được báo cáo Quốc hội như báo cáo về NSNN. “Tất nhiên không ở mức thảo luận, biểu quyết, thông qua nhưng Quốc hội có quyền chất vấn, yêu cầu giải trình nếu thấy việc chi tiêu các quỹ đó không đúng, không hiệu quả. Dĩ nhiên các quỹ có thể huy động từ các nguồn khác không thuộc Nhà nước nhưng nguồn nào thì cũng phải công khai trước Quốc hội. Điều quan trọng là để Quốc hội giám sát việc sử dụng có đúng mục đích, tôn chỉ và hiệu quả hay không. Ví dụ Quỹ xóa đói giảm nghèo phải dùng cho việc xóa đói giảm nghèo, Quỹ bảo vệ môi trường thì phải dùng cho việc bảo vệ môi trường”- ông Thanh nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng: Cần giám sát chặt chẽ việc cho vay, sử dụng vốn của các quỹ tập trung ngoài ngân sách cho các mục đích của ngân sách.

Để tăng cường quản lý hoạt động quỹ tài chính ngoài ngân sách, cần hoàn thiện khung quy định về quản lý gắn với hệ thống các quy định về tài chính - ngân sách; gắn kết báo cáo quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính - ngân sách; quy định trách nhiệm và quyền hạn của các ngành, các cấp trong việc thành lập, sử dụng quỹ và báo cáo tình hình thu - chi của từng loại quỹ. Chính phủ cần báo cáo Quốc hội kết quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cùng với báo cáo về NSNN hàng năm.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/phai-de-co-quan-dan-cu-giam-sat-viec-su-dung-cac-quy-ngoai-ngan-sach.aspx