Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc: Ăn, ngủ và đón Tết Hội đồng Bảo an

Việc Việt Nam đảm nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 với chức Chủ tịch trong cả tháng 1/2020, đối với Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, điều này cũng có nghĩa là cả Phái đoàn sẽ 'ăn HĐBA, ngủ HĐBA và đón Tết HĐBA' trong năm 2020...

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, tháng 1/2020.

Thưa Đại sứ, năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò “kép” tại ASEAN và HĐBA LHQ. Trong năm quan trọng này, Việt Nam dự định làm gì để phối hợp giữa hai vai trò Chủ tịch ASEAN và thành viên HĐBA, yếu tố nào sẽ giúp mang lại hiệu quả cao nhất, thưa Đại sứ?

Hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện thành công sứ mệnh chung là duy trì hòa bình, an ninh và phát triển ở cả cấp khu vực và toàn cầu. Chương VIII của Hiến chương LHQ quy định nguyên tắc tham gia của các tổ chức khu vực cũng như phối hợp giữa HĐBA với các tổ chức khu vực trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Tuyên bố năm 1994 của Đại Hội đồng LHQ cũng đã ghi nhận sự cần thiết tăng cường hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực. Tuy nhiên, khác với các cơ quan chuyên môn khác của LHQ, nơi triển khai các hoạt động chuyên ngành với các chương trình, dự án cụ thể, hợp tác giữa HĐBA với các tổ chức khu vực sẽ tập trung vào việc trao đổi thông tin, phân tích tình hình, cảnh báo sớm và phòng ngừa các thách thức, xung đột.

ASEAN là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất với những đóng góp quan trọng cả ở tầm khu vực và toàn cầu, trong đó phải kể đến vai trò của tổ chức này trong việc xây dựng lòng tin, thúc đẩy văn hóa hòa bình, tạo dựng và duy trì được một môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cả ở trong và ngoài khu vực trong suốt thời gian qua. Kinh nghiệm trong việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN tự cường sẽ là những nội dung mà ASEAN có thể chia sẻ tại HĐBA. Dù dưới hình thức nào hay trong lĩnh vực nào, yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy thành công hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực chính là sự tin tưởng lẫn nhau và hợp tác trên tinh thần xây dựng, thực tâm và thiện chí.

Cảm xúc của ngày 7/6/2019 có lẽ không còn “nóng hổi” nhưng chắc hẳn sẽ vẫn là cảm hứng và nguồn động lực cho cán bộ tại Phái đoàn? Chúng ta đã chuẩn bị như thế nào cho tháng Chủ tịch HĐBA?

Có thể nói rằng kết quả bỏ phiếu ngày 7/6/2019 vượt dự đoán của nhiều người. Với cá nhân tôi và nhiều cán bộ Phái đoàn, chúng tôi lúc đó không quá hồi hộp về số phiếu cụ thể. Sau khi đoàn Việt Nam bỏ phiếu và ban kiểm phiếu bắt đầu làm việc, trong đầu chúng tôi lúc đó là những công việc bộn bề phải triển khai tiếp theo để chuẩn bị vào HĐBA. Kết quả bỏ phiếu sau đó là nguồn hứng khởi, đồng thời là điều nhắc nhở chúng tôi về sự trông đợi của tất cả các nước đối với Việt Nam trong hai năm tới. Với nhận thức đó, chúng tôi đã triển khai các công tác chuẩn bị hết sức có trách nhiệm, xây dựng và minh bạch với các nước.

Về đối ngoại, Phái đoàn đã tiến hành tham vấn và trao đổi với tất cả 14 thành viên HĐBA cùng nhiệm kỳ với Việt Nam nhằm tìm hiểu quan tâm của các nước và khả năng hợp tác trong năm 2020-2021; chủ động học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ các nước mới kết thúc nhiệm kỳ cuối năm 2018, các nước sắp kết thúc nhiệm kỳ cuối năm 2019, cũng như các nước có kinh nghiệm làm thành viên không thường trực HĐBA những năm gần đây và các nước làm Chủ tịch tháng 1 ngay khi mới vào HĐBA.

Đặc biệt, Việt Nam đã chủ trì tổ chức khoảng 15 cuộc trao đổi giữa 5 nước sắp vào HĐBA cùng nhiệm kỳ và các nước hiện đang nằm trong chương trình nghị sự của HĐBA. Các cuộc trao đổi này nhằm giúp các nước sắp vào HĐBA hiểu rõ hơn tình hình thực địa, tăng cường trao đổi với nước liên quan, qua đó, đóng góp thiết thực vào quá trình thảo luận và ra quyết định của HĐBA.

Thể hiện vai trò thành viên có trách nhiệm của HĐBA, Việt Nam cũng sẵn sàng đảm nhận phân công của Hội đồng, giữ chức Chủ tịch ba cơ quan trực thuộc của Hội đồng, gồm hai Ủy ban trừng phạt về Nam Sudan, Lebanon và Cơ chế giải quyết tồn đọng của các Tòa án quốc tế.

Về sự chuẩn bị trong nội bộ, Phái đoàn đã gấp rút triển khai xây dựng phân công công việc phù hợp để có thể theo dõi tất cả các nội dung và xây dựng đầy đủ tài liệu về HĐBA. Tận dụng giai đoạn các nước sắp vào HĐBA được tham dự các cuộc họp kín của HĐBA (từ tháng 10/2019), Phái đoàn đã vận hành cơ chế “chạy thử” và hoạt động như Việt Nam đã là thành viên HĐBA. Giai đoạn “chạy thử” này thực sự là rất quý giá, giúp các cán bộ làm quen với cường độ cao và khối lượng công việc đồ sộ mà HĐBA yêu cầu.

Đối với vị trí Chủ tịch HĐBA mà Việt Nam đảm nhiệm ngay trong tháng 1/2020, đây là thách thức rất lớn đối với Việt Nam khi bắt đầu nhiệm kỳ thành viên HĐBA bằng việc phải lập tức chủ trì điều phối hoạt động của HĐBA trong cả tháng. Tuy nhiên, đòi hỏi này cũng là cơ hội để ta nỗ lực nhiều hơn trong việc làm quen và đảm bảo vận dụng tốt thủ tục và phương pháp làm việc của HĐBA ngay từ tháng đầu tiên.

Đại sứ Đặng Đình Quý chủ trì Họp báo quốc tế trên cương vị Chủ tịch HĐBA với sự tham dự của hơn 60 phóng viên, đại diện các hãng thông tấn, báo chí thường trú tại Liên hợp quốc, ngày 2/1/2020.

Vai trò của Thủ đô được ví như “hậu phương” vững chắc, Phái đoàn có những mong đợi gì từ Thủ đô, thưa Đại sứ?

Sự chỉ đạo của Thủ đô, việc phối hợp giữa các đơn vị trong nước và Phái đoàn tại New York là điều quan trọng nhất, quyết định sự thành công của nhiệm kỳ HĐBA đối với bất cứ một nước Ủy viên không thường trực nào. Do vậy, sự phối hợp nhịp nhàng và ăn ý giữa hai “đầu cầu”, đặc biệt trong trao đổi thông tin, sẽ là vô cùng cần thiết để bảo đảm sự tham gia chủ động và tích cực của ta tại HĐBA. Theo đó, Phái đoàn và các đơn vị trong nước đã xây dựng cơ chế phối hợp, xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh. Thông tin trao đổi giữa Thủ đô, New York và tất cả các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam trên thế giới liên tục được cập nhật.

Tham gia HĐBA là cơ hội rất tốt để ta không chỉ đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề quốc tế, mà còn tăng cường nhận thức của người dân đối với công việc của LHQ, qua đó, thúc đẩy các nội dung hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho Việt Nam. Ví dụ hiểu hơn về hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ cho thấy hoạt động này không chỉ mang lại vinh dự cho nước gửi quân khi trực tiếp thực hiện sứ mệnh gìn giữ và xây dựng hòa bình và an ninh quốc tế mà cả các lợi ích thiết thực về đào tạo nhân lực.

Tự hào khi được đảm nhận các nhiệm vụ thành viên HĐBA tại thực địa, Phái đoàn luôn nỗ lực đóng góp vào công việc chung với tinh thần trách nhiệm cao nhất, sẵn sàng trực chiến, “ăn HĐBA, ngủ HĐBA và đón Tết HĐBA”; bám sát chỉ đạo của Thủ đô, giữ vững nguyên tắc tham gia có trách nhiệm đồng thời bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thời điểm Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐBA có ý nghĩa đặc biệt. Đây là tháng đầu tiên kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ, cũng là 75 năm ký Hiến chương LHQ. Cùng với đó là việc Việt Nam bắt đầu năm Chủ tịch ASEAN 2020. Việt Nam đã đề xuất và nhận được được sự tán thành cao về việc tổ chức thảo luận mở về Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ ngày 9/1 và cuộc họp về hợp tác giữa LHQ và ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế vào ngày 23/1.

(thực hiện)

HẰNG PHẠM

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phai-doan-viet-nam-tai-lien-hop-quoc-an-ngu-va-don-tet-hoi-dong-bao-an-108162.html