Phải đổi mới căn bản và toàn diện

TP - Việc hỏi đáp trước Quốc hội đã gợi ra nhiều vấn đề mà xã hội đang quan tâm: sắp tới nền giáo dục của chúng ta vận hành thế nào, đi về đâu?

> 'Chất lượng giáo dục đại học còn bất cập, yếu kém'

Có nhiều cái Bộ trưởng GD&ĐT trả lời được; có những vấn đề Bộ trưởng không thể trả lời được như: trường lớp, lương giáo viên… Chúng tôi tâm đắc với ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội cho rằng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều yếu kém, tồn tại; nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu là quản lý nhà nước từ chính phủ đến các cấp tỉnh thành.

Qua đây cũng bộc lộ ra điều mà giáo dục cần làm là đổi mới căn bản và toàn diện, thực chất là một cuộc cải cách giáo dục, một việc lớn mà chỉ mình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì không làm được, mà phải được Thủ tướng Chính phủ đứng ra làm tổng chỉ huy.

Có đại biểu đã nêu ý kiến rất cần chú ý là tái cơ cấu lại nền Giáo dục Việt Nam, trong đó lộ ra nguy cơ đi vào vết xe đổ trước đây: đáng nhẽ phải tìm ra những cái lớn để làm trước là triết lý giáo dục, hệ thống giáo dục, chế độ chính sách với giáo dục thì ngay từ bây giờ ngành GD&ĐT lại đã bắt tay vào xây dựng chương trình, sách giáo khoa.

Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng phổ thông chỉ cần 11 năm (tiểu học - 6 năm, trung học cơ sở - 3 năm và THPT-2 năm). Nếu hệ thống thay đổi như vậy, SGK, chương trình làm trước như vậy thì sẽ ngược quy trình.

Giáo dục không thể giải quyết theo kiểu: Gặp đâu làm đấy, cái gì dễ giải ngân thì làm!

Tiến sĩ Nguyễn Kế Hào
Nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD&ĐT
H.T
ghi

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/thoi-su/chuyen-hom-nay/559173/phai-doi-moi-can-ban-va-toan-dien-tpp.html