Phải gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp

Hiện cả nước có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó gần 400 trường cao đẳng, hơn 550 trường trung cấp và gần 1.000 trung tâm (cơ sở GDNN cấp huyện), trong đó phần lớn là trường công lập. Gắn kết nhà trường với doanh nghiệp là vấn đề đã được đặt ra từ lâu, tuy nhiên mối quan hệ này còn lỏng lẻo, trên thực tế, các trường vẫn chủ yếu đào tạo theo khả năng 'cung' của mình chứ chưa đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Hiện một số trường đang xây dựng quan hệ bền chặt với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực và đã mạnh dạn cam kết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp cho thấy, GDNN thời gian tới hứa hẹn có những bước chuyển mạnh mẽ.

Hiệu quả nhìn từ thực tế

Đáp ứng thị trường lao động, Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội đã thu hút nguồn lực tài chính thêm 18 tỷ đồng để mua sắm thiết bị dạy học công nghệ mới, đồng thời đẩy mạnh việc gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo. Hiệu quả trong việc hợp tác với doanh nghiệp như Công ty Hino Việt Nam là khóa học vừa qua, sinh viên nhà trường đã được học tập, trải nghiệm thực tế, thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp.

Rất nhiều sinh viên của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã được Công ty Hino Việt Nam tuyển vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Hiện có 2 sinh viên của nhà trường còn đang được Công ty Hino Việt Nam tuyển dụng và đưa sang công ty mẹ tại Nhật Bản học tập và làm việc. Sinh viên của nhà trường được Công ty Hino Việt Nam đánh giá làm việc tốt, có hiệu quả và công ty này vẫn tiếp tục có kế hoạch tuyển dụng sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp.

Theo ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, mục đích của nhà trường đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội nói chung, nhưng đối tượng chính là các doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp hàng năm đều có sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh, chiến lược sản xuất. Do đó, nhà trường cũng phải có sự điều chỉnh. Chính vì thế trong hợp tác với doanh nghiệp, chúng tôi hướng đến mấy mục tiêu: cùng nhau xây dựng chương trình để đào tạo; nhà trường và doanh nghiệp sẽ cùng xây dựng kế hoạch để đào tạo; nhà trường cũng sẽ cùng doanh nghiệp đào tạo cho sinh viên những kỹ năng mềm, các kỹ năng liên quan để sinh viên khi tốt nghiệp ra trường có thể làm việc được ngay”, ông Ngọc cho biết.

Trong xu thế chung, hiện trường Trung cấp nghề du lịch Hà Nội cũng đã liên kết với các doanh nghiệp trong việc đào tạo và tìm việc làm cho sinh viên. Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Phó hiệu trưởng trường Trung cấp nghề du lịch Hà Nội, hiện nay nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động và hợp tác tốt với doanh nghiệp trong đào tạo. Giáo dục nghề nghiệp theo mô hình “đào tạo nghề kép” đang được trường Trung cấp nghề du lịch Hà Nội thực hiện với sự phối hợp tham gia của các doanh nghiệp đã và đang cho thấy sự phù hợp và trở thành xu hướng tất yếu.

“Hơn hết, sự kết hợp này chắc chắn sẽ tránh được tình trạng đào tạo tràn lan dẫn đến “vênh” nhu cầu của thị trường lao động. Khi sinh viên được thực hành tại doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với việc các em được rèn luyện và tiếp cận với môi trường sản xuất kinh doanh thực tiễn, qua đó có thể lựa chọn việc làm phù hợp hơn”, bà Thu chia sẻ.

Liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo và đảm bảo việc làm cho sinh viên là xu thế tất yếu của giáo dục nghề nghiệp hiện nay.

Liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo và đảm bảo việc làm cho sinh viên là xu thế tất yếu của giáo dục nghề nghiệp hiện nay.

Chủ động kết nối nhà trường với doanh nghiệp

Theo thống kê, hiện đã có gần 30 trường cao đẳng, trung cấp cam kết học sinh ra trường có việc làm. Nếu học xong không có việc làm, trường sẽ trả lại học phí. Do vậy, theo đánh giá công tác tuyển sinh GDNN năm nay khởi sắc, trong bối cảnh phải cạnh tranh với tuyển sinh đại học. Với 160 doanh nghiệp ký kết hợp tác với nhà trường, trong đó có tới 70% doanh nghiệp hợp tác thường xuyên, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, bắt đầu từ năm 2018 đã ký cam kết 100% sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp ra trường.

Hiệu trưởng kí cam kết trực tiếp với sinh viên. Nếu không có việc làm, hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm và trả lại tiền học phí do sinh viên đóng. Theo ông Ngọc, tăng cường kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp là nhân tố quan trọng giúp nhà trường đảm bảo việc làm cho học sinh, sinh viên khi ra trường.

Cũng nhằm mục đích đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam đã tiến hành ký kết hợp tác với các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước để làm cơ sở thực tập, thực tế cho sinh viên trong thời gian học tập tại trường, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như: Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, Công ty Sông Đà, Công ty Cổ phần thiết bị điện 368, Tập đoàn Hòa phát, Công ty dược và thiết bị y tế Quân đội - Armephaco…

Theo ông Lê Đại Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam, nhu cầu sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề ở hiện nay là rất lớn, nhất là các nghề như: Điện tử công nghiệp, điện công nghiệp, hướng dẫn du lịch, nấu ăn, công nghệ thông tin, dược... Tuy nhiên, việc nắm bắt cơ hội được hay không là do mỗi trường và mỗi bạn học sinh.

“Do đó, trường Cao đẳng Công thương Việt Nam luôn xác định mục tiêu đào tạo gắn liền với thực tập thực tế tại các các tập đoàn, công ty và các nhà doanh nghiệp đẩy mạnh giới thiệu và tạo công ăn việc làm cho các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra nhà trường còn mời lãnh đạo của các doanh nghiệp về để làm cố vấn và hỗ trợ cùng kết hợp đào tạo cho các em sinh viên tiếp cận thực tế từ nhà trường đến doanh nghiệp”, ông Hùng cho hay.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ- TB&XH Lê Quân thì các trường phải coi tuyển sinh chỉ là phần ngọn, phần gốc là đầu ra. Nếu cam kết học sinh ra trường có việc làm, thậm chí có việc làm và thu nhập ngay trên giảng đường thì chắc chắn việc tuyển sinh sẽ tốt. Do đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho rằng, các trường cần mạnh dạn cam kết việc làm, đặc biệt là các trường chất lượng cao đang được đầu tư, cam kết này phải cụ thể từng ngành, quy mô bao nhiêu, nếu không tạo được việc thì hoàn trả học phí. Hoàn trả học phí chỉ là tránh một phần lãng phí rất nhỏ cho xã hội so với đào tạo ra thất nghiệp.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/phai-gan-dao-tao-voi-nhu-cau-su-dung-lao-dong-cua-doanh-nghiep-539108/