Phải gắn kết hiệu quả giữa xây dựng với tổ chức thi hành pháp luật

Trong phiên họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).

Rà soát là 8.779 văn bản

Phạm vi rà soát là các văn bản QPPLcủa các cơ quan trung ương đang còn hiệu lực (tính đến ngày 30-6-2020), trừ Hiến pháp, trọng tâm là các lĩnh vực pháp luật tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam kiến nghị 25 nội dung được cho là có chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng trong pháp luật về đầu tư kinh doanh.
Qua rà soát cho thấy, 16/25 nội dung được nêu là có cơ sở hoặc đúng một phần, 9/25 nội dung chưa chính xác.

Nhiều nội dung trong các kiến nghị này đã được Bộ Tư pháp chủ động rà soát, phát hiện trước đó, thể hiện trong các báo cáo rà soát gửi Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan thực hiện các giải pháp để hoàn thiện pháp luật. Đến nay, 12/16 nội dung đã được xử lý tại Luật Đầu tư năm 2020 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020; 4 nội dung khác đang được các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất xử lý trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường và một số Nghị định của Chính phủ.

Tổng số văn bản đã được các bộ, cơ quan ngang bộ, Nhóm rà soát của Tổ công tác rà soát là 8.779 văn bản (bao gồm: 249 bộ luật, luật; 43 Nghị quyết của Quốc hội; 44 Qháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 1163 nghị định của Chính phủ; 866 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 6.414 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ). Nội dung các qui định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn chủ yếu thuộc 10 lĩnh vực.

Cụ thể là quy định về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của DN; Quy định về phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư;

Quy định về tài chính; thuế; quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và cổ phần hóa DN nhà nước; Quy định về đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng và kinh doanh bất động sản...

Bộ trưởng Lê Thành Long trình bày Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp

Hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp

Quá trình rà soát cho thấy, hệ thống văn bản QPPL nước ta đã tương đối đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Phần lớn văn bản QPPL có chất lượng tốt, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.

Thể chế phát triển các yếu tố thị trường và các loại thị trường đã từng bước được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho các thành phần kinh tế, các loại hình DN hoạt động hiệu quả. Quy trình xây dựng văn bản QPPL ngày càng được cải tiến, hoàn thiện, từng bước bảo đảm chính sách, pháp luật phản ánh đúng nhu cầu thực tiễn. Công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản QPPL, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL ngày càng thực chất, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi của văn bản QPPL... Bên cạnh đó, công tác thi hành pháp luật đã được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Cơ chế giám sát thi hành có nhiều đổi mới ngày càng thực chất và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật. Một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu “chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu” theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL…

Trong thi hành pháp luật, việc gắn kết giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả, chưa phản ánh đầy đủ, kịp thời nhu cầu thực tiễn; việc triển khai thực hiện một số chế định pháp luật còn thiếu đồng bộ, nhất là xử lý vi phạm chưa kịp thời và đủ nghiêm khắc.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật, nhất là định hướng đối với những chính sách lớn trong các dự án luật quan trọng và bảo đảm gắn kết hiệu quả giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật, nhất là các bộ luật, luật…

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phai-gan-ket-hieu-qua-giua-xay-dung-voi-to-chuc-thi-hanh-phap-luat-210538.html