Phải giải quyết dứt điểm...

Thực tế, rất nhiều bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung ương đang trong tình trạng quá tải trầm trọng. Và cũng là thực tế, có nhiều bệnh viện được đầu tư số vốn rất lớn nhưng vì nhiều lý do lại bị bỏ hoang...

Ví dụ điển hình là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam do Ban quản lý dự án y tế trọng điểm của Bộ Y tế làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng vào cuối năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Sau gần 2 năm chậm tiến độ, đến tháng 3.2019, phòng khám Bệnh viện Bạch Mai mới chính thức đón tiếp bệnh nhân. Thế nhưng sau gần một năm đi vào hoạt động, ngày 30.3.2020 bệnh viện thông báo tạm thời dừng hoạt động... Còn khu khám bệnh thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 được khánh thành vào tháng 10.2018 nhưng chỉ dừng ở mức cắt băng khánh thành chứ chưa từng tiếp nhận bệnh nhân...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ của hai dự án này được cho là do chưa lường hết các phát sinh trong quá trình triển khai dự án, nhất là việc thực hiện các quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản như thực hiện các hợp đồng xây dựng; phát sinh vướng mắc trong thực hiện các hợp đồng và thanh quyết toán, giải ngân vốn. Để giải quyết, Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024. Đồng thời chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục ưu tiên cân đối vốn cho các dự án; Bộ Xây dựng chủ trì rà soát, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ các vướng mắc...

Bệnh nhân nhiều nhưng số giường bệnh ít; cơ sở vật chất, lực lượng y, bác sỹ không đủ để phục vụ bệnh nhân nhưng lại xuất hiện nghịch lý là bệnh viện xây xong rồi bỏ hoang. Tình trạng này, theo một đại biểu Quốc hội là thực tế rất đáng buồn, cần nhanh chóng xem xét và đánh giá lại tình trạng. Cơ sở vật chất đã đầy đủ chưa, có đội ngũ thầy thuốc hay không? Bệnh viện đã đủ điều kiện đi vào hoạt động chưa? Nếu đủ thì cần phân cử đội ngũ y, bác sỹ về làm việc, tránh gây lãng phí kéo dài.

Việc chậm tiến độ tại các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đã trở nên khá "phổ biến" bởi nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan. Yêu cầu của cơ quan chức năng bao giờ cũng là sớm giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, để thực hiện không phải dễ. Như với hai dự án này, nguyên nhân đã được chỉ rõ, đó là xuất phát từ những yếu kém, sai lầm khi lập, tư vấn, thẩm định dự án, quyết định đầu tư, chọn nhà thầu, hợp đồng, đấu giá và tổ chức thực hiện.

Thế nên vấn đề còn lại, đồng thời cũng là yêu cầu của Thủ tướng và Đoàn công tác khi khảo sát hiện trường, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án xây dựng 3 bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam diễn ra vừa qua là phải giải quyết dứt điểm, sớm hoàn thiện để đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Khương Ninh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/phai-giai-quyet-dut-diem--i301755/