Phải hướng tới nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn, các công trình nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải hướng tới nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh...

Ngày 30/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và dự Lễ khai giảng năm học mới 2018 - 2019 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Cùng đến dự Lễ khai giảng có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ Khai giảng năm học mới tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ Khai giảng năm học mới tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Phát biểu tại lễ khai giảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lời chào thân ái, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các thầy cô giáo, cán bộ, viên chức và sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Tổng Bí thư ghi nhận, trong suốt hơn 60 năm qua, Học viện đã nỗ lực phấn đấu, đào tạo cho đất nước hàng chục vạn cán bộ khoa học - kỹ thuật và quản lý kinh tế nông nghiệp có trình độ đại học (ĐH), hàng vạn thạc sĩ và gần 600 tiến sĩ. Học viện gắn liền với tên tuổi của nhiều nhà khoa học nổi tiếng như GS.TS Bùi Huy Đáp, nhà nông học Lương Định Của…

Khẳng định GD&ĐT là quốc sách hàng đầu và khoa học - công nghệ là then chốt đối với sự phát triển của đất nước, Tổng Bí thư đề nghị cần Học viện Nông nghiệp Việt Nam tích cực đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp ĐH ngày nay không những có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có các kỹ năng để không bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện...

Sinh viên tốt nghiệp ĐH phải có năng lực tự chủ và thích ứng với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng, có ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và đất nước. Do đó, ngoài đào tạo chuyên môn, nhà trường cần coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho sinh viên và gắn chặt nhiệm vụ đào tạo với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”.

Cùng với thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, Học viện phải nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo, chú trọng xác định đúng chuẩn đầu ra; chuyển đổi phương pháp từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho người học, coi sinh viên là trung tâm của quá trình đào tạo…; gắn đào tạo với thực tiễn sản xuất, nhu cầu của xã hội. Đặc biệt là có sự gắn kết chặt chẽ với DN và khuyến khích học động khởi nghiệp trong sinh viên.

Các đại biểu dự lễ khai giảng

Tổng Bí thư lưu ý nhà trường cần tập trung xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới đào tạo; các thầy cô giáo chuyển sang vai trò hướng dẫn học và là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống, phương pháp làm việc và học tập để sinh viên noi theo. Học viện tạo mọi điều kiện và môi trường thuận lợi để các thầy cô làm việc, sáng tạo và cống hiến tốt nhất cho sự nghiệp trồng người.

Bên cạnh yêu cầu đổi mới mô hình quản trị ĐH, thực hiện tự chủ ĐH, Tổng Bí thư mong muốn, Học viện phấn đấu nhanh chóng trở thành một trường ĐH nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, Học viện cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khoa học - công nghệ, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo và phục vụ sản xuất, dịch vụ xã hội. Các công trình nghiên cứu của Học viện phải hướng tới nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh. Tổng Bí thư cũng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện tốt nhất để Học viện Nông nghiệp Việt Nam tích cực tham gia vào các chương trình do Bộ chủ trì. Đặc biệt là chương trình cơ cấu lại nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Yêu cầu có sự gắn kết chặt chẽ giữa trường ĐH với địa phương sở tại, Tổng Bí thư đề nghị TP Hà Nội, huyện Gia Lâm, thị trấn Trâu Quỳ cần hợp tác chặt chẽ với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và quan tâm hơn nữa đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tích cực phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn Học viện trong công tác quản lý đất đai, thực hiện tốt quy hoạch đã được phê duyệt.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đến nay, Học viện đã đào tạo trên 65% cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn của cả nước. Lực lượng cán bộ do Học viện đào tạo là một nguồn nhân lực quan trọng, có những đóng góp xứng đáng vào các thành tựu nổi bật của nông nghiệp và nông thôn Việt Nam.

Nhiều công trình khoa học, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật do các thế hệ thầy và trò Học viện sáng tạo ra đã có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững và nông thôn Việt Nam văn minh, giàu đẹp.

Trong năm học 2017 - 2018, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có 4 giống cây trong được công nhận quốc gia, 2 giống cây trồng được đưa vào sản xuất thử nghiệm. Học viện thương mại hóa 4 giống lúa, 2 giống ngô và có nhiều giải pháp hữu ích… Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành đạt trên 90%.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho biết, Học viện đã đi tiên phong trong đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao, gắn với thực tiễn phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời gắn kết với DN, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo cho sinh viên.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hoc-vien-nong-nghiep-phan-dau-tro-thanh-dai-hoc-nghien-cuu-hang-dau-linh-vuc-nong-nghiep-326368.html