Phải làm rõ trách nhiệm của nhà trường vụ nữ sinh lột đồ, đánh bạn

Theo luật sư Vũ Tiến Vinh, giáo viên chủ nhiệm hay hiệu trưởng nếu biết học sinh bị đánh mà không có biện pháp giáo dục sẽ bị xử lý trách nhiệm.

Đình chỉ hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm vụ nữ sinh bị đánh Ông Dương Tuấn Doan, Chánh văn phòng UBND huyện Ân Thi, thông tin hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm đã bị tạm đình chỉ công tác để làm rõ vụ nữ sinh lớp 9 bị nhóm bạn đánh.

Luật sư Vũ Tiến Vinh - Công ty Luật Bảo An, Đoàn luật sư Hà Nội - chia sẻ với Zing.vn về cảm xúc phẫn nộ trước hành vi đánh hội đồng bạn cùng lớp của nhóm học sinh nói trên. Đặc biệt, theo ông, cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý trong nhà trường.

Ranh giới giữa đứng nhìn và tham gia đánh hội đồng rất mong manh

- Thưa luật sư Vũ Tiến Vinh, ông có cảm xúc gì sau khi xem clip?

- Chúng ta không thể tượng tượng nổi học sinh mới lớp 9 mà đã có thể có những hành động đặc biệt nghiêm trọng như vậy. Ở lứa tuổi này, các em đã nhận thức được hành vi đó là xúc phạm danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của người khác, vi phạm pháp luật, nội quy nhà trường và sẽ bị xử phạt nhưng vẫn cố tình thực hiện.

 Luật sư Vũ Tiến Vinh cho hay, học lớp 9 các em đã nhận thức được hành vi đó là xúc phạm danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của người khác. Ảnh: NVCC.

Luật sư Vũ Tiến Vinh cho hay, học lớp 9 các em đã nhận thức được hành vi đó là xúc phạm danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của người khác. Ảnh: NVCC.

Ranh giới giữa đứng nhìn và tham gia đánh hội đồng đôi khi rất mong manh bởi bản thân các em chấp nhận sự việc đó thì cũng sẽ có ngày các em hành xử theo những gì mình được thấy.

Những sự việc này báo chí, nhà trường đã đề cập, giáo dục thường xuyên trong trường nhưng các em không lấy đó làm bài học để điều chỉnh hành vi của mình.

- Nữ sinh lột quần áo đánh bạn trong clip này sẽ bị xử lý ra sao?

- Hành vi đánh và lột quần áo người khác liên quan đến 2 tội danh là cố ý gây thương tích và làm nhục người khác.

Đối với tội cố ý gây thương tích, thông thường, tỷ lệ tổn thương cơ thể phải từ 11% trở lên, người gây thương tích mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Một số trường hợp khác tỷ lệ dưới 11% nhưng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự như dùng hung khí nguy hiểm, phạm tội có tính chất côn đồ, sử dụng axit hoặc hóa chất nguy hiểm khác để phạm tội…

Tuy nhiên, đối với cả hai tội nói trên thì hình phạt ở khoản 1 đều thuộc nhóm tội ít nghiêm trọng (hình phạt tù đến 3 năm). Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng tội giết người, cố ý gây thương tích (khoản 4, 5, 6 Điều 134), cướp tài sản….

Do vậy, đối chiếu với các quy định nói trên, hành vi đánh hội đồng trong vụ việc trên chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích cũng như làm nhục người khác. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các em học sinh này không bị pháp luật xử lý. Các em sẽ bị xử phạt hành chính theo Pháp lệnh xử phạt hành chính cũng như chịu các hình phạt khác theo quy định của Bộ GD&ĐT, nội quy nhà trường.

Ngoài ra, nếu xét thấy những học sinh này thuộc đối tượng cá biệt, việc dạy dỗ ở gia đình và nhà trường không đạt được hiệu quả, có thể bị đưa vào trường giáo dưỡng để họ phải tuân thủ các quy định và chấp hành biện pháp giáo dục nghiêm khắc hơn. Pháp luật đã quy định khá đầy đủ về đối tượng, điều kiện để đưa vào trường giáo dưỡng.

Về thiệt hại dân sự, do các em chưa đủ 16 tuổi nên cha mẹ, người giám hộ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị hại nếu có yêu cầu.

Cán bộ quản lý biết mà không ngăn chặn cũng phải chịu trách nhiệm

- Cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục liên quan phải có trách nhiệm như thế nào?

- Trong trường hợp này cần phải làm rõ cán bộ quản lý có biết sự việc xảy ra lúc đó hay không, hoặc có biết trước đó học sinh đã bị bạn bắt nạt hay thậm chí là bị cố ý gây thương tích hay không. Nếu cán bộ quản lý biết mà không có biện pháp giáo dục, ngăn chặn thì cũng phải chịu trách nhiệm về sự việc này. Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm theo quy định của ngành giáo dục cũng như quy định của nhà trường.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ đây là sự việc đau lòng, người lớn sẽ phải chịu trách nhiệm. Ảnh: Nguyễn Sương.

- Gần đây liên tiếp các vụ việc xảy ra khi học sinh không hiểu biết về pháp luật như đánh bạn hội đồng, hiếp dâm bạn tập thể… Theo ông, ngành giáo dục cần cải tổ lại việc giáo dục công dân, giáo dục pháp luật trong nhà trường ra sao để đem lại hiệu quả?

- Ngành giáo dục trong những năm gần đây cũng đã tăng cường việc giáo dục học sinh tuân thủ pháp luật, đưa nhiều môn học về giáo dục công dân, đặc biệt là pháp luật phổ thông vào chương trình. Do vậy, đại bộ phận học sinh đã nhận thức được các quy định của pháp luật và có cách hành xử đúng mực. Việc học sinh đánh nhau vẫn xảy ra nhiều nhưng không mang tính phổ biến bởi số lượng học sinh trên cả nước rất lớn.

Tuy nhiên, vụ việc học sinh lớp 9 đánh hội đồng bạn cùng lớp vô cùng dã mãn nói trên cho thấy việc giáo dục cần tăng cường hơn nữa. Các cơ sở giáo dục cần đưa hoạt động thực tế vào chương trình nhiều hơn thay vì dạy lý thuyết như hiện nay. Có thể, nhà trường cần trình chiếu công khai một số video (đã làm mờ hình ảnh) để học sinh nhận thức thực tế hơn thế nào là vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó không thể không nói tới yếu tố giáo dục của gia đình. Nhiều em không được gia đình dạy dỗ, giáo dục, quản lý nghiêm khắc. Thậm chí có em được phó mặc hoàn toàn cho nhà trường. Chính vì vậy, kết quả học sinh đánh nhau sẽ là tất yếu nếu không có sự giáo dục từ nhiều phía.

'Sao họ ác thế, không đưa cháu tôi đi khám kịp thời?' Anh Nguyễn Văn Doanh, chú của nữ sinh bị bạn học đánh hội đồng, cho rằng nhà trường đã lừa gia đình khi không cung cấp đầy đủ thông tin.

Quyên Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phai-lam-ro-trach-nhiem-cua-nha-truong-vu-nu-sinh-lot-do-danh-ban-post931113.html