'Phải lòng' chợ xưa

Thú thật, tôi 'phải lòng' chợ từ cái ngày 'vắt mũi chưa sạch'. Cảnh neo người, thuở ấy, những buổi không phải tới trường, mẹ giao tôi việc cắp những thúng chè xanh vườn nhà đem bán hôm chợ Hệ, bữa thì chợ Lạng. Bởi mưu sinh mà tôi tìm đến với chợ. Rồi thì tôi 'chết' chợ mà 'trồng cây si' với nó lúc nào cũng chả hay nữa.

Tôi "say" chợ đâu chỉ bởi"Chợ quê con tép cũng gầy/ Con cua, con cá dính đầy bùn tươi/ Mớ rau muống, mớ mùng tơi/ Quả bầu, quả bí nói lời gió sương…". Hay vì: "Chợ quê bán những rau dưa/ Trầu không mới hái, chuối vừa chín cây/ Chợ quê bán những khoai tây/ Bán đôi lợn giống, bán bầy gà con…" (Nguyễn Đức Mậu) mà còn vì yêu những tiếng râm ran dân dã khi kẻ bán người mua đon đả mời chào.

Kia là cái sự nâng lên - đặt xuống thách thức - mặc cả cò kè bớt một thêm hai muôn vàn sắc màu thuần khiết. Còn đây những tiếng động dao, động thớt; những lời lóe xóe chanh chua "hàng tôm hàng cá" đa âm đa sắc cùng muôn vàn tiết tấu, nhịp điệu bổng trầm của chợ, chỉ chợ mới có.

Tôi "nghiện" chợ còn vì lẽ, chốn ấy có những "hãng thông tấn…chợ" loan truyền 1001 câu chuyện thời sự trên trời dưới biển thuộc muôn loại đề tài cực kỳ phong phú, sinh động. Rồi những câu chuyện trao đổi kinh nghiệm làm ăn; thăm hỏi - thông báo sức khỏe người này người kia cho nhau, v. v…Mà chuyện nào cũng chân thực, cũng dễ nghe, mới chết chứ.

Rồi nữa, "Trai khôn tìm vợ chợ đông/ Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân". Ôi, hóa ra chợ còn là những "phiên chợ tình" - một địa chỉ văn hóa đầy tin cậy để các chàng tìm những nàng đẹp người đẹp nết "chuẩn không cần chỉnh" về làm người nâng khăn sửa túi suốt đời cho mình cơ đấy.

Phiên chợ quê níu ta với ký ức tuổi thơ thuở "ngồi ngóng mẹ. Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng".

Phiên chợ quê níu ta với ký ức tuổi thơ thuở "ngồi ngóng mẹ. Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng".

"Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa". Hóa ra chợ không chỉ đơn điệu trong phạm vi trao đổi hàng hóa mà nó còn giúp người ta nhận diện nhân tình thế thái thông qua hàng hóa nông sản thực phẩm và qua biểu đồ giá cả. Qua đó mà biết vùng đất ấy đang buổi thịnh hay suy cũng như mức độ dân trí, mức độ gắn kết chia sẻ cộng đồng,…sâu đậm ra sao. Nhà thơ Nguyễn Duy đã thật chuẩn xác khi thốt lên: "Nhìn cái lạt bó rau nhận ra người làng!".

*

Rồi thì một ngày nọ, thành phố chủ trương "biến" những chợ truyền thống thành những Trung tâm thương mại theo kiểu 2 trong 1. Vậy là những ngôi chợ truyền thống thân thương nổi tiếng từng gắn bó với biết bao thế hệ người Hà Nội như Cửa Nam, Hàng Da, chợ Mơ, chợ Ô Chợ Dừa…lần lượt "lên đời" thành những trung tâm thương mại (TTTM) nghễu nghện "hoành tráng".

Bẵng đi một thời gian rất dài, hôm rồi, nhân có chút việc ở phố Hàng Bông, tiện đường tôi tạt vào chợ Hàng Da thăm anh Đặng Văn Khanh. Gia đình anh Khanh có truyền thống kinh doanh ngành hàng thực phẩm tại chợ Hàng Da từ thế kỷ trước cho tới nay. Hỏi chuyện làm ăn, anh Khanh buông một cái thở hắt ra: "oải"! Tại sao thế thì anh Khanh thẳng thắn: Chúng tôi mất hết khách hàng khi chợ thành TTTM!

Thời còn là chợ truyền thống, chợ Hàng Da là địa chỉ buôn bán sầm uất nhất nhì Hà Nội, chỉ chịu thua "cái anh" chợ Đồng Xuân tý mà thôi. Nhưng rồi vì ngành hàng thực phẩm bị đẩy xuống tầng hầm, cho nên lâu nay việc buôn bán của gia đình anh Khanh gặp được năm may mắn lắm cũng chỉ bằng 20% so với trước khi địa chỉ này thành TTTM. Trong khi đó giá thuê mặt bằng lại cao ngất ngưởng. Thế nên mới xảy ra tình trạng: hầu hết các ki - ốt đã phải đóng cửa, hoặc chỉ mở cho cómà thôi.

Lý giải cho tình trạng "phát triển…thụt lùi", anh Khanh cho hay, các "thượng đế"xưa nay vẫn có thói quen đi chợ bằng xe máy (hoặc xe đạp). Vậy nên khi vào chợ mà phải gửi xe rồi lại phải leo lên leo xuống tầng hầm rồi tầng nọ tầng kia đã khiến cho họ cảm thấy phiền hà. Mà một khi đã cảm thấy bị mất đi sự thuận tiện cơ bản và không còn cái cảm giác thân thiện tức thì các "thượng đế" vẫy tay "tạm biệt" là điều dễ hiểu. Cũng chỉ vì bị các "thượng đế" làm ngơ mà doanh số bán ra hàng tháng của anh Hoàng Văn Hải - một tiểu thương ngành bánh kẹo có thâm niên - bị sụt giảm hàng chục lần khi chuyển chợ Mơ thành TTTM.

Cắt nghĩa tại sao siêu thị Cửa Nam rơi vào hiện tượng trống rỗng và thậm chí nhiều khi "vắng như chùa bà Đanh", chị Lưu Thị Hằng, nhà ở phố Lê Duẩn (Đống Đa) một tiểu thương ngành hoa quả cho rằng, đi chợ truyền thống, người mua và người bán có cơ hội được gặp mặt, giao lưu, và hình thành sự đồng cảm - chia sẻ với nhau theo một cách trực tiếp.

Ngược lại, siêu thị và website bán hàng về bản chất thiếu đi sự hiện diện của con người, chứ đừng nói gì là văn hóa. Người đi siêu thị hay mua hàng qua mạng chỉđơn giản là thực hiện một giao dịch đơn điệu và rất cách bức. Thật khó tìm thấy ở siêu thị cái không gian văn hóa vừa dân dã hồn nhiên, lịch sự nhưng lại rất đỗi thân quen từ những tiếng mời chào (mà với người dân đất Việt mình thì muôn đời nay, bao giờ vẫn cứ phải là: "lời chào cao hơn mâm cỗ"), trả giá, mè nheo, v.v… đầy thân thương như ở chợ truyền thống.

Đi chợ truyền thống, người ta không chỉ có mua mà còn được bán. Trong khi đó, ở siêu thị chỉ tồn tại duy nhất một hình thức bán ra, và lại càng không có tính bình dân nhằm phù hợp với điều kiện sống, tập quán tiêu dùng của mỗi người dân. Và đặc biệt, ở siêu thị người tiêu dùng không bao giờ được quyền "nâng lên đặt xuống" mặc cả đắt - rẻ cho hợp với túi tiền.

Nghe chị Hằng khúc chiết như thế tôi mới vỡ lẽ ra điều này: chợ Ô Chợ Dừa xưa quanh năm tấp nập như trẩy hội, nhưng từ ngày bị "hô biến" thành TTTM để rồi cuối cùng bây giờ hóa thành điểm karaoke âu cũng là tất yếu mà thôi. Thế mới thấm thía cái cảm giác vỡ òa cảm xúc bất tận của bà con tiểu thương nó sung sướng đến nhường nào khi mà chợ Cầu Mới - Ngã Tư Sở và chợ Châu Long… không bị "hô biến" thành TTTM mà trong tương lai chỉ áp dụng hình thức cải tạo cho phù hợp với sự phát triển của thời đại.

Nhiều người Hà Nội chưa mặn mà với chợ Cửa Nam bởi cảm giác cách bức trong kiến trúc.

Thời đại công nghệ số, việc mua bán hàng hóa của người dân trong những năm gần đây được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau vô cùng đa dạng, từ các chợ truyền thống đến các siêu thị, TTTM, các chợ điện tử. Dù thế, theo quan điểm của ông Dương Duy Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương thì, với số lượng hơn 8. 546 chợ trong cả nước, chợ truyền thống vẫn đã và đang đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống phân phối tiêu thụ hàng hóa ở nước ta, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn.

Ông Hưng cho biết thêm: "Theo ước tính, hiện nay lượng hàng hóa được mua bán, lưu thông qua hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn cả nước ta là vào khoảng trên 40%; và tỷ lệ này đối với khu vực nông thôn còn cao hơn nhiều, ước tính khoảng trên 90%. Bên cạnh đó, các chợ truyền thống đã và sẽ vẫn luôn chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử, du lịch... không thể tách rời!".

Nói về "chỗ đứng" trong tương lai của chợ truyền thống, các chuyên gia đô thị đều thống nhất rằng: Nó (chợ truyền thống) là nơi tạo nên nét đặc trưng riêng của các đô thị trên thế giới. Tại nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Thái Lan,... bên cạnh các trung tâm thương mại, siêu thị lớn thì các chợ truyền thống vẫn được duy trì, phát triển. Vậy thì không có lý do gì mà Việt Nam lại không bảo tồn, phát triển hệ thống chợ truyền thống mang nét đặc trưng kinh tế - văn hóa vùng miền thuần Việt mà hiện đại, văn minh.

Còn ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thì nhấn mạnh: "Phải giữ được bản chất chợ truyền thống của người Việt. Chợ bình dân, không cần cầu kỳ đi bằng thang máy, mà cái chính là phải thuận lợi để mọi người dễ dàng mua bán". Hy vọng là vậy để hàng vạn người lao động không bị mất việc làm tại các chợ truyền thống. Mà chợ truyền thống còn, có nghĩa là, tôi còn cơ duyên "phải lòng" nó mãi mãi bởi cái nếp văn hóa chợ riêng cócủa miền đất, vốn đã được cô đọng thành những vỉa trầm tích từ muôn thuở nay.

Lê Công Hội

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/phai-long-cho-xua-570978/