Phải ngăn cản mọi hành vi xâm phạm, quấy phá, đe dọa nhằm độc chiếm biển Đông

Các quốc gia có lợi ích ở Biển Đông phải ngăn cản mọi hành vi xâm phạm và quấy phá, đe dọa trên biển.

Theo GS-TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo, Biển Đông như chúng ta đều biết là một trong những vùng biển lớn nhất của thế giới với diện tích khoảng 3,5 triệu km2, quanh bờ Biển Đông có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam. Nơi đây được coi là kho tài nguyên thiên nhiên và sinh vật vô cùng phong phú với hàng nghìn loài cá, hàng nghìn loài san hô, là nơi lưu trữ kho tài nguyên dầu mỏ và khí đốt.

Theo ước tính của các chuyên gia Trung Quốc, Biển Đông có trữ lượng khoảng 50 tỷ tấn dầu thô và 200 tỷ m3 khí. Đặc biệt nơi đây còn chứa đựng nguồn năng lượng đặc biệt, đó là băng cháy (Trung Quốc gọi là khản nhiên băng). Theo tính toán của các chuyên gia, nguồn năng lượng này nếu được khai thác sẽ đủ thỏa mãn năng lượng cho loài người trong vòng ít nhất một tỷ năm.

Tuy nhiên, việc khai thác, lưu trữ và sử dụng nguồn năng lượng đặc biệt này phải hết sức đặc biệt và khoa học thế giới hiện nay chưa cho phép con người khai thác nó một cách an toàn.

Biển Đông cũng chính là tuyến đường hàng hải lớn nhất và quan trọng nhất của thế giới. 40% lưu lượng hàng hóa của thế giới đi qua Biển Đông với tổng giá trị trên 5.000 tỷ USD mỗi năm. Đây là con đường huyết mạch không chỉ cho các nước quanh bờ Biển Đông mà còn là con đường hàng hải huyết mạch cho các hãng tàu ở những nước xa xôi như Mỹ, Châu Âu, Nga, Pháp, Đức, Anh, Ấn Độ, Australia,…

GS-TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo.

GS-TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo.

Biển Đông là không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam

Bất kỳ người Việt nào cũng nhận thức được rõ tầm quan trọng của biển đối với mỗi gia đình Việt, đối với các cộng đồng người Việt suốt hàng nghìn năm qua.

Có nhà thơ từng nói: “Trong mỗi dòng máu của mỗi người Việt đều hàm chứa sự mặn chát của muối biển. Trong tâm hồn và tấm long của mỗi người Việt đều có tiếng sóng biển vỗ về.”

Xem xét dưới góc độ về quân sự, an ninh quốc phòng, môi trường, văn hóa,… chúng ta đều thấy rõ Biển Đông có ý nghĩa sống còn đối với dân tộc Việt Nam chúng ta.

Cảnh sát biển Việt Nam, một trong những lực lượng bảo vệ chủ quyền và an ninh trên biển.

Về an ninh, quốc phòng, Biển Đông là tuyến phòng thủ hướng Đông của đất nước ta. Các đảo và quần đảo trên Biển Đông, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ có ý nghĩa trong việc kiểm soát các tuyến đường biển qua lại trên Biển Đông mà còn có ý nghĩa phòng thủ quan trọng đối với Việt Nam, là cửa ngõ để Việt Nam có quan hệ trực tiếp với các vùng miền, giao thương với thị trường khu vực và quốc tế, là nơi trao đổi và hội nhập của nhiều nền văn hóa.

Ngay trong các Nghị quyết của Đảng như Nghị quyết 09-NQ/TW năm 2007 về Chiến lược biển Việt Nam cũng như Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 về Chiến lược phát triển kinh tế biển cũng đều khẳng định Biển Đông có vai trò sống còn đối với sự phát triển của đất nước. Cho nên, nếu để mất chủ quyền quốc gia trên biển là mất đi không gian sinh tồn của dân tộc chúng ta.

Không chỉ với riêng Việt Nam, Biển Đông gắn bó lợi ích với 10 nước ven bờ, có mối liên hệ với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Điều này giúp cho Việt Nam chúng ta có thể tận dụng sự ủng hộ của các quốc gia để cùng chung tay gìn giữ hòa bình và an ninh trên Biển Đông do đây là nơi có vị trí địa chiến lược toàn cầu. Các quốc gia có lợi ích ở Biển Đông phải ngăn cản mọi hành vi xâm phạm và quấy phá, đe dọa trên biển.

Âm mưu, tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông

Từ năm 1969 Trung Quốc càng để mắt tới Biển Đông sau dự báo Biển Đông là nơi có nguồn tài nguyên đặc biệt phong phú với trữ lượng dầu mỏ rất lớn. Âm mưu, tham vọng của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông, độc chiếm kho tài nguyên thiên nhiên quý giá, họ muốn độc chiếm con đường hàng hải số một của thế giới để trở thành cường quốc biển, vươn lên trở thành siêu cường.

Thực ra ngay từ những năm 1949-1950 Trung Quốc đã công khai tham vọng độc chiếm Biển Đông. Tham vọng này được thể hiện ở Hội nghị Sanfrancisco năm 1951, và thể hiện bằng việc sử dụng vũ lực đánh chiếm nhóm đảo phía Đông thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1956.

Năm 1958 Trung Quốc tuyên bố toàn bộ Biển Đông cũng như hai quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của họ. Tiếp đến, đầu năm 1974, lợi dụng tình hình quan hệ quốc tế, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của chúng ta. Rồi năm 1988 họ lại dùng vũ lực đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 23/6/2012, chỉ 2 ngày sau khi Quốc hội Việt Nam ban hành Luật Biển Việt Nam, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố mời thầu thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam. Tiếp đó, ngày 02/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía Nam, cách đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam khoảng 120 hải lý về phía Đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982.

Và hiện nay là việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép. Những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật biển 1982.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc tham vọng và có làm được hay không lại là vấn đề khác, nhưng âm mưu, chiến lược của họ về Biển Đông buộc chúng ta phải dứt khoát. Không phải mọi thứ Trung Quốc muốn là Trung Quốc làm được, nhất là tham vọng trên Biển Đông. Các quốc gia có lợi ích ở Biển Đông phải ngăn cản mọi hành vi xâm phạm và quấy phá, đe dọa trên biển.

Nguyễn Tuân - Nguyễn Cường

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/phai-ngan-can-moi-hanh-vi-xam-pham-quay-pha-de-doa-nham-doc-chiem-bien-dong-post308331.info