Phải nghiêm từ cơ sở

Để đảm bảo nguồn cung xăng, dầu trong mọi tình huống không chỉ cần đến những giải pháp vĩ mô, trách nhiệm vào cuộc cao hơn của các bộ, ngành chức năng ở Trung ương và doanh nghiệp đầu mối cung cấp, mà còn là ở từng cửa hàng bán lẻ.

(Ảnh minh họa. Nguồn Báo Người Lao động)

(Ảnh minh họa. Nguồn Báo Người Lao động)

Tình trạng có nhiều cửa hàng bán lẻ xăng, dầu đóng cửa tạm thời hoặc chỉ bán với số lượng hạn chế trước mỗi kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu xảy ra thời gian qua đã để lại hình ảnh không đẹp về thị trường, tạo ra tình trạng thiếu nguồn cung giả tạo gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống, sản xuất của người dân.

Để lập lại trật tự đối với thị trường bán lẻ xăng, dầu rất cần sự vào cuộc thật sự của chính quyền cấp cơ sở và lực lượng chức năng phụ trách địa bàn.

Trong công điện ngày 2-11 của Thủ tướng Chính phủ gửi bộ trưởng các bộ: Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh đến vai trò, sự vào cuộc của chính quyền các tỉnh, thành phố bên cạnh yêu cầu nâng cao trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành trong kiểm soát, điều tiết nguồn cung và thị trường xăng, dầu. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn theo quy định, trường hợp phát hiện có sai phạm thì xử lý nghiêm theo quy định.

Từ yêu cầu này đòi hỏi chính quyền cơ sở ở các tỉnh, thành phố cùng cơ quan có chức năng quản lý, giám sát thị trường sở tại phải tự giác vào cuộc. Bởi chỉ có chính quyền và cơ quan chức năng sở tại mới nắm rõ cửa hàng xăng, dầu nào trên địa bàn vi phạm và vi phạm với tính chất, mức độ ra sao. Sở dĩ còn xảy ra tình trạng này là vì lâu nay việc nắm địa bàn, giám sát hoạt động kinh doanh xăng, dầu ở cơ sở chưa chặt chẽ, việc xử phạt cửa hàng có hành vi găm hàng để đầu cơ và dừng bán hàng tạm thời hòng trục lợi trước mỗi kỳ điều chỉnh giá chưa được chính quyền và cơ quan quản lý thị trường mạnh tay. Hoặc có xử lý nhưng chưa đủ sức răn đe, nên nhiều cửa hàng có biểu hiện nhờn.

Cùng với những quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu, công điện của Thủ tướng Chính phủ lần này là mệnh lệnh thúc bách chính quyền và cơ quan chức năng ở các địa phương phải đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ quản lý thị trường xăng, dầu đầu cuối. Một khi chính quyền và cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm thì cửa hàng bán lẻ xăng, dầu có muốn đóng cửa, “găm hàng” cũng không thể.

Tuệ Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phap-luat/phai-nghiem-tu-co-so/172147.htm