Phải nhìn trước ngó sau

Không thể phủ nhận một điều, việc cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) ngoài giảm bớt phần lớn gánh nặng ngân sách cho nhà nước còn có mục đích thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ công.

Thực tế đã chứng minh sự xuất hiện của khối ngoài nhà nước đã góp phần thay đổi cách thức, chất lượng cung cấp dịch vụ công. Không chỉ các đơn vị ngoài nhà nước cung cấp dịch vụ công có chất lượng mà điều này còn tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh để thúc đẩy các đơn vị SNCL phải đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường chất lượng dịch vụ. Người dân, tổ chức và doanh nghiệp lúc này trở thành trung tâm của quan hệ dịch vụ công, được lựa chọn các dịch vụ công có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu và phù hợp với khả năng tài chính. Đơn cử trong giáo dục và y tế. Ngày càng nhiều trường học tư thục, dân lập, bệnh viện tư nhân ra đời và trở thành sự lựa chọn của rất nhiều gia đình, thay vì trường học, bệnh viện công đang ngày càng quá tải.

Tuy nhiên, việc các đơn vị tư nhân có thể thay thế hoàn toàn các cơ sở công lập hay không là vấn đề lớn, cần cân nhắc kỹ.

Một mặt, dịch vụ công là dịch vụ thiết yếu nhằm cung cấp cho người dân, xã hội để bảo đảm sự vận hành bình thường của xã hội, giúp người dân có cơ hội để thực hiện các quyền cơ bản của con người, của công dân như: Quyền được sống, được học tập, được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao… Nhà nước là chủ thể có tiềm lực kinh tế, có hệ thống thiết chế được tổ chức đồng bộ từ trung ương đến cơ sở, có khả năng cung cấp tốt nhất các dịch vụ công, đồng thời có cơ chế để hỗ trợ về giá dịch vụ, các khoản ưu đãi, miễn giảm cho các trường hợp khó khăn và hạn chế về tài chính được hưởng các dịch vụ tối thiểu bình đẳng với các thành phần khác trong xã hội.

Mặt khác, khi xã hội hóa, cổ phần hóa, nhiều đơn vị sự nghiệp ngoài công lập tham gia quá trình cung cấp dịch vụ công lại hoạt động theo nguyên tắc lợi nhuận, không cho phép họ hoạt động theo nguyên tắc của đơn vị công ích thuần túy. Điều này có thể đánh mất cơ hội cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội được thụ hưởng các dịch vụ công của Nhà nước. Nếu chuyển giao toàn bộ các hoạt động này cho khối ngoài nhà nước thì việc thực hiện chính sách phổ cập giáo dục, chính sách chăm sóc sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Có lẽ vấn đề này chính là nút thắt mà Nhà nước chưa thực sự tháo gỡ được để thực hiện việc cổ phần hóa các đơn vị SNCL bởi dẫu sao muốn quyết liệt cũng phải nhìn trước ngó sau sao cho vẹn cả đôi đường.

Đông Mai

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/phai-nhin-truoc-ngo-sau-111018.html