Phải phát triển nông nghiệp trong điều kiện giãn cách xã hội

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố xem xét lại kịch bản tăng trưởng, có giải pháp phát triển nông nghiệp trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội. Nông nghiệp Thủ đô cần và có khả năng tăng trưởng khoảng 4,04% so với năm trước thì Hà Nội mới giữ được đà tăng trưởng chung.

Đây là nội dung trong Thông báo số 2555-TB/TU ngày 7-4-2020 của Thành ủy Hà Nội về “Kết luận của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy tại buổi làm việc với đại diện Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan về tình hình sản xuất nông nghiệp quý I-2020”. Buổi làm việc diễn ra ngày 1-4-2020.

Tăng trưởng nông nghiệp giảm 1,17%

Tại cuộc làm việc, sau khi nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo và các ý kiến thảo luận, phát biểu kết luận, đồng chí Vương Đình Huệ đánh giá, trong những năm qua, thực hiện Chương trình số 02-CT/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2015-2020”, nông nghiệp Thủ đô có sự phát triển đúng hướng, tăng trưởng từ 2% trở lên.

Cơ cấu nội ngành có chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, giảm tỷ trọng trồng trọt. Xây dựng nông thôn mới đạt thành tích ấn tượng, dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, khang trang. Thu nhập bình quân trên đầu người của người dân nông thôn tăng khá cao (năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng).

“Những kết quả trên có sự đóng góp rất lớn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá.

Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy, nông nghiệp, nông thôn thành phố còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, tái cơ cấu nông nghiệp diễn ra còn chậm, phát triển kinh tế nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; đóng góp của nông nghiệp vào tăng trưởng GRDP còn hạn chế, khi còn hơn 50% dân số khu vực nông thôn với lực lượng lao động đang làm việc ở lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm hơn 12% lao động toàn thành phố, nhưng đóng góp chỉ bằng 2% GRDP của thành phố. Sản xuất nông nghiệp chỉ đáp ứng được 58% nhu cầu thịt các loại, 70% nhu cầu cá, 90% trứng gia cầm, 65% rau củ tươi. Như vậy, thành phố vẫn phụ thuộc vào nguồn cung ứng nông sản của các tỉnh lân cận.

Bên cạnh đó, các chính sách vĩ mô về phát triển nông nghiệp đều đã có và khá đầy đủ, vì vậy, nguyên nhân chủ quan là ở khâu tổ chức thực hiện và chưa kịp thời sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đặc biệt, trong quý I-2020, tăng trưởng nông nghiệp Thủ đô đã giảm 1,17% so với cùng kỳ, trong khi nông nghiệp của cả nước tăng 0,08%. Đó là điều cần nghiên cứu và có giải pháp cấp thiết.

Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc như tại các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì, Phú Xuyên và thị xã Sơn Tây còn thấp, thiếu ổn định, kinh tế còn khó khăn. Việc đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt là nông dân ở những nơi bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng nhiều đất nông nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế và sự ổn định xã hội

Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, cần quán triệt rõ tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TƯ về “tam nông” là vấn đề chiến lược. Hà Nội sau điều chỉnh địa giới hành chính có diện tích đất nông nghiệp lớn, phát triển nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa, vì vậy, nông nghiệp, nông thôn có vai trò hết sức quan trọng, là bệ đỡ cho nền kinh tế và sự ổn định xã hội, nhất là trong bối cảnh khó khăn, khủng hoảng do dịch bệnh kéo dài.

Đồng chí chỉ đạo, Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan cần tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt hơn, phản ứng kịp thời hơn, nhạy bén hơn nữa, bám sát những chủ trương của Đảng, của Thành ủy về nông nghiệp, nông thôn; có giải pháp ứng phó hiệu quả với những khó khăn phát sinh.

Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố xem xét lại kịch bản tăng trưởng, có giải pháp phát triển nông nghiệp trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Ngành Nông nghiệp thành phố, các huyện, thị xã phải cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh tái đàn lợn lên mức 1,8 triệu con như trước khi có dịch để đáp ứng nguồn cung, góp phần giảm chỉ số giá tiêu dùng; tăng cường sản xuất thêm rau, củ, quả; tận dụng đất đai các khu công nghiệp và đất dự án hoặc đất công nghiệp chưa được khai thác hiệu quả, bỏ hoang để có kế hoạch sử dụng triệt để, nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của thành phố.

“Ngành Nông nghiệp cần và có khả năng tăng trưởng khoảng 4,04% so với năm trước mới giữ được đà tăng trưởng chung toàn thành phố”, đồng chí Vương Đình Huệ chỉ rõ.

Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ban Cán sự đảng UBND thành phố cần khẩn trương chỉ đạo rà soát lại tình hình sử dụng đất nông nghiệp; có cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, tránh tình trạng ruộng bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất.

Bên cạnh đó, UBND thành phố nghiên cứu, huy động lực lượng thanh niên xung phong phát triển kinh tế nông nghiệp; thu hút lực lượng lao động thất nghiệp ở đô thị về nông thôn; tăng cường đầu tư công lĩnh vực nông nghiệp để giải quyết vấn đề dân sinh, bức xúc ở khu vực nông thôn; xem xét giao bổ sung một số dự án cần thiết cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội để tạo tăng trưởng, việc làm cho thành phố.

Bí thư Thành ủy đề nghị Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy xem xét, đề xuất tăng thêm nguồn lực cho đầu tư công, xây dựng nông thôn mới, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Đồng chí cũng đề nghị Hội Nông dân thành phố tiếp tục phát huy sự chủ động, tích cực, thiết thực trong việc giúp đỡ, hướng dẫn nông dân vượt qua khó khăn, tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là hướng dẫn nông dân xây dựng phương án sản xuất, kết nối các nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng; đẩy mạnh khai thác vốn giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân hợp tác, liên kết, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, là cơ sở hình thành hợp tác xã kiểu mới.

Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông nghiệp, nông thôn, thời gian hoàn thành trước ngày 15-4-2020.

Võ Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/963745/phai-phat-trien-nong-nghiep-trong-dieu-kien-gian-cach-xa-hoi