Phải tăng sản lượng để... hạ giá cá tra xuống?

Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2018 đạt kỷ lục, người nuôi cũng lãi đậm. Thế nhưng liệu niềm vui này có 'ngắn chẳng tày gang' không khi lợi thế 'một mình một chợ' của Việt Nam đã chấm hết và không chỉ đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài, doanh nghiệp và người dân ở trong nước cũng đang đổ xô vào nuôi cá tra.

 Ngành cá tra cần có sự điều hành thông minh để giữ vị thế dẫn đầu, tránh cạnh tranh. Trong ảnh là nhân công chế biến cá tra tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Ngành cá tra cần có sự điều hành thông minh để giữ vị thế dẫn đầu, tránh cạnh tranh. Trong ảnh là nhân công chế biến cá tra tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Bức tranh sản xuất và xuất khẩu ngành cá tra Việt Nam đều đã trải qua những giai đoạn thăng, trầm trong quá trình hơn 20 năm hình thành và phát triển.

Cụ thể, báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, từ sau năm 2000 ngành cá tra đã có những bước “nhảy” ngoạn mục bằng việc hình thành các vùng nuôi tập trung lớn ở các địa phương như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long...

Nếu năm 1997, thời điểm sơ khai của ngành cá tra, kim ngạch xuất khẩu chỉ vọn vẹn 1,65 triệu đô la Mỹ thì đến năm 2009 đã vọt lên 1,4 tỉ đô la với sản lượng nuôi đạt 1 triệu tấn. Từ những bước đi tự phát của những hộ nuôi nhỏ lẻ và những cơ sở sản xuất thô sơ, ngành cá tra Việt Nam đã lớn lên thành ngành sản xuất quy mô công nghiệp, theo nhận xét của VASEP.

Trong giai đoạn phát triển nêu trên, ngành cá tra Việt Nam liên tục “chinh phục” được những thị trường xuất khẩu lớn, đặc biệt là thị trường Mỹ. Nhưng “thuyền lớn” thì “sóng lớn” cũng lập tức ập đến. Sự tăng trưởng nóng về thị phần của Việt Nam trong thị trường cá da trơn Mỹ đã đe dọa ngành sản xuất cá nội địa của nước này.

Điều đó khiến Hiệp hội Chủ trại nuôi cá da trơn Mỹ (CFA) quyết định đệ đơn kiện các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) vào năm 2002 với cáo buộc các tra và basa đông lạnh của Việt Nam được bán thấp hơn giá trị hợp lý, gây thiệt hại cho ngành cá da trơn nội địa của họ.

Tuy vấp phải rào cản ở Mỹ, nhưng nhờ mở rộng ra các thị trường xuất khẩu lớn khác, nhất là Liên hiệp châu Âu (EU), cho nên, kim ngạch xuất khẩu cá tra vẫn giữ ổn định và đạt trên 1,4 tỉ đô la vào năm 2010 và tiếp tục duy trì được mức 1,6-1,7 tỉ đô la/năm trong giai đoạn từ sau năm 2010-2015 nhờ vào việc mở rộng diện tích nuôi.

Dù vậy, từ sau năm 2010 giá cá tra đã liên tục lao dốc, từ mức xấp xỉ 29.000 đồng/kg, xuống chỉ còn 21.000-23.000 đồng/kg, khiến người nuôi lỗ nặng phải “treo ao” hoặc chuyển sang các loại thủy sản khác.

Tuy nhiên, trong năm 2017 và 2018 giá cá tra đã phục hồi mạnh mẽ và đã có lúc đạt đến mức kỷ lục 36.000 đồng/kg, mang lại cho người nuôi nguồn lợi nhuận khổng lồ, từ 6.000-10.000 đồng/kg. Ngành nuôi cá tra lại phát triển mạnh trở lại và đạt 5.400 héc ta diện tích nuôi vào năm 2018, kim ngạch xuất khẩu lên đến 2,26 tỉ đô la, tăng trên 26% so với năm 2017.

Ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Nam Việt, nói rằng chưa có năm nào nghề nuôi cá tra thành công cả về doanh số xuất khẩu lẫn lợi nhuận cho người nuôi như năm vừa qua. “Giá bán cá tra Việt Nam qua thị trường Mỹ trong 20 năm qua chưa có năm nào đạt kỷ lục 5-7 đô la/kg như năm 2018”, ông cho biết và dự báo trong năm 2019 ngành cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục thành công.

Trong khi đó, ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), cho biết giá cá tra Việt Nam đã có một chu kỳ tăng kéo dài lâu nhất trong lịch sử của ngành hàng này, khoảng 30 tháng. “Đây là điều hoàn toàn chưa có trong lịch sử hình thành và phát triển của ngành cá tra Việt Nam”, ông nhấn mạnh và cho rằng cá tra Việt Nam đã đi qua thời kỳ khủng hoảng để có bước tăng trưởng vượt bậc.

Nhưng một lần nữa “sóng lớn” lại đang lăm le ập đến. Sức hấp dẫn mạnh mẽ của ngành cá tra đã “đẻ” ra nhiều đối thủ tiềm năng mới, cụ thể là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh. Ba nước này đã nuôi thành công với tổng sản lượng đạt xấp xỉ của Việt Nam (trên 1,2 triệu tấn). Điều này, cũng chính thức đánh dấu sự chấm hết lợi thế “một mình một chợ” của ngành hàng cá tra Việt Nam.

Vậy, làm sao Việt Nam có thể tiếp tục duy trì được vị thế dẫn đầu trong bối cảnh các nước gia tăng nuôi?

Ông Dũng của VINAPA cho rằng, nếu các nước, trong đó có Trung Quốc, nuôi đạt sản lượng đủ lớn, thì rất có thể họ sẽ hình thành nên những nhóm hiệp hội ngành nghề để bảo vệ lợi ích của họ. “Như vậy, họ sẽ đấu tranh, dựng lên rào cản để bảo vệ lợi ích ngành hàng của họ khi chúng ta gia tăng xuất khẩu vào đây”, ông cho biết.

“Như vậy, chiến lược chúng ta sẽ như thế nào đối với chuyện này?”, ông Dũng nêu câu hỏi và cho rằng Việt Nam cần có chiến lược điều hành thông minh bằng cách tiếp tục gia tăng sản lượng để... hạ giá xuống, chứ không nên giảm sản lượng để tăng giá. “Nếu chúng ta không gia tăng sản lượng, không hạ được giá xuống, thì nó sẽ là động lực kích thích tất cả các quốc gia có điều kiện tương tự sẽ nuôi cá tra”, ông cho biết.

Theo ông Dũng, lợi thế của Việt Nam là đã hình thành được các chuỗi ngành, trong khi đó, doanh nghiệp, người nuôi cũng đã có kinh nghiệm và có sức chịu đựng trong việc ứng phó với chuyện giá cá lên, xuống. “Thực tế, chúng ta đã từng chịu đựng từ năm 2010-2015, như vậy, việc gia tăng sản lượng của Việt Nam là điều phải làm vì giúp tăng cạnh tranh cho chúng ta”, ông cho biết vào nói rằng: “Giá cá giảm xuống, thì những nước đang thấy giá có lời nhiều, có ý định đầu tư, người ta sẽ dè chừng hơn”.

Trong khi đó, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, gợi ý doanh nghiệp ngành cá tra cần minh bạch và chia sẻ thông tin lẫn nhau để điều chỉnh tăng, giảm sản lượng khi cần thiết. “Muốn vậy, trước tiên các doanh nghiệp phải hợp tác lại”, ông cho biết và nói rằng doanh nghiệp hợp tác phải với trách nhiệm cho cả một ngành hàng chứ không phải cho riêng doanh nghiệp mình.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/285663/phai-tang-san-luong-de-ha-gia-ca-tra-xuong.html