Phải tăng thuế để tiết kiệm than đá và giảm ô nhiễm môi trường

Tại dự thảo Nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đang được Bộ Tài chính xin ý kiến, bên cạnh xăng dầu, cơ quan soạn thảo cũng đề nghị tăng thuế đối với than đá.

Mức độ ô nhiễm môi trường của than đá cao hơn so với xăng dầu. Ảnh: internet.

Theo Bộ Tài chính, tổng hợp tham gia góp ý, có 1 ý kiến cho rằng điều này sẽ gây khó khăn lớn cho ngành than; tăng chi phí sản xuất than và làm tăng giá thành sản xuất điện, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, vì mục tiêu hạn chế các sản phẩm gây ô nhiễm, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu đề nghị của mình.

Trong dự thảo đưa ra công khai, Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế đối với than đá như sau: Than antraxit tăng từ 20.000 đồng/tấn lên 30.000 đồng/tấn, tăng 10.000 đồng/tấn (khung mức thuế từ 20.000-50.000 đồng/tấn); than nâu, than mỡ, than đá khác: tăng từ 10.000 đồng/tấn lên 15.000 đồng/tấn, tăng 5.000 đồng/tấn (khung mức thuế từ 10.000-30.000 đồng/tấn).

Trước lo ngại sự ảnh hưởng của mức tăng này với ngành than nói chung và giá thành sản xuất điện nói riêng, Bộ Tài chính cho biết: Than là một trong những sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi sử dụng. Quá trình đốt cháy than cho sản xuất tạo ra khí gây hiệu ứng nhà kính (khí metal) và các chất ô nhiễm độc hại khác (carbon dioxide, các hợp chất thủy ngân, lưu huỳnh dioxit, nitơ oxit).

Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, xét về thành phần hóa học và mức độ tác động đến môi trường thì mức độ ô nhiễm môi trường của than đá cao hơn so với xăng dầu.

Kể từ thời điểm Luật thuế BVMT có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2012) đến nay, mức thuế BVMT đối với nhóm than đá đều ở mức tối thiểu trong khung thuế. Cụ thể: than antraxit 20.000 đồng/tấn (khung thuế từ 20.000-50.000 đồng/tấn); than nâu, than mỡ, than đá khác 10.000 đồng/tấn (khung thuế từ 10.000-30.000 đồng/tấn).

Vì vậy, để đảm bảo các nguyên tắc quy định mức thuế BVMT tại Luật thuế BVMT, khuyến khích hơn nữa việc sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên than, khuyến khích sử dụng nhiên liệu thay thế, có ảnh hưởng ít hơn đến môi trường, Bộ Tài chính đề nghị giữ đề xuất tăng mức thuế đối với than như đã đề xuất tại dự thảo Nghị quyết.

Với đề nghị tăng thuế dung dịch HCFC từ 4.000 đồng/kg lên mức trần 5.000 đồng/kg và túi ni lông thuộc diện chịu thuế từ 40.000 đồng/kg lên mức trần 50.000 đồng/kg được tất cả các ý kiến tham gia nhất trí.

H.Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/phai-tang-thue-de-tiet-kiem-than-da-va-giam-o-nhiem-moi-truong.aspx