Phải tập trung chống lao quyết liệt như chống Covid-19

'Việt Nam đạt thành công bước đầu góp phần ngăn chặn dịch Covid-19 phát triển mạnh ở nước ta. Đây là cơ hội thuận lợi để giúp cả hệ thống chính trị ý thức được bệnh lao là bệnh truyền nhiễm lây qua hô hấp nhưng diễn biến trường diễn hơn Covid-19 và phải tập trung quyết liệt giống như phòng chống Covid-19', Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại hội thảo.

NDĐT – “Việt Nam đạt thành công bước đầu góp phần ngăn chặn dịch Covid-19 phát triển mạnh ở nước ta. Đây là cơ hội thuận lợi để giúp cả hệ thống chính trị ý thức được bệnh lao là bệnh truyền nhiễm lây qua hô hấp nhưng diễn biến trường diễn hơn Covid-19 và phải tập trung quyết liệt giống như phòng chống Covid-19”, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Sáng 24-3, Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức mitting kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống lao với chủ đề “Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”.

Chống lao quyết liệt như chống Covid-19

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá, năm 2019 là một năm thành công của chương trình chống lao trên tất cả các mặt trọng yếu của chiến lược chống lao về vận động chính sách và cam kết chính trị mạnh mẽ, về khám phát hiện điều trị lao, lao kháng thuốc, lao/HIV và về thành tựu nghiên cứu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và các phương pháp tiếp cận mới.

Về khám phát hiện điều trị và quản lý bệnh lao năm 2019 có nhiều điểm mạnh, ngoài việc duy trì phát hiện và điều trị có chất lượng, chương trình đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới với phương pháp tiếp cận hiệu quả như việc phát hiện chủ động dựa trên sàng lọc bằng X-quang sau đó khẳng định bằng xét nghiệm X-pert. Chiến lược “2X” (X-quang – X-pert) phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao gấp bảy lần so với phát hiện thụ động hiện nay.

Chương trình đã hình thành được mạng lưới nghiên cứu về lao và bệnh phổi trên toàn quốc với sự tham gia tích cực của nhiều đổi tác trong nước và quốc tế. Nhiều nghiên cứu trọng điểm, mang tính đột phá mới trong chẩn đoán, điều trị và can thiệp y tế công cộng hỗ trợ người bệnh lao, bệnh phổi mạn tính, ung thư phổi đã được thực hiện thành công.

Với chủ đề “Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”, Thứ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam đạt nhiều thành tựu là huy động cả hệ thống chính trị với cam kết rất quyết liệt của Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, tham gia vào cuộc phòng chống Covid-19.

“Đến giờ, chúng ta đã đạt được thành công bước đầu góp phần ngăn chặn dịch Covid-19 phát triển mạnh ở nước ta. Đây là cơ hội thuận lợi để giúp cả hệ thống chính trị ý thức được bệnh lao là bệnh truyền nhiễm lây qua hô hấp nhưng diễn biến trường diễn hơn Covid và chúng ta phải tập trung quyết liệt giống như phòng, chống Covid-19”, Thứ trưởng nói.

Cũng theo Thứ trưởng, bên cạnh việc biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội cho phòng, chống lao, thì thực tế, trong các chương trình phòng chống lao, Việt Nam đã xây dựng nền tảng cơ sở giúp cho hệ thống y tế có thể góp phần ngăn chặn đẩy lùi dịch Covid-19.

Đó là, Việt Nam đã xây dựng hệ thống bệnh viện lao tại các địa phương và hệ thống này đã được đưa vào trong hệ thống thu dung, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 trong thời gian vừa qua. Những xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vừa được thế giới công nhận thì Việt Nam có thể sử dụng nền tảng là các máy xét nghiệm lao ở tại các địa phương hiện nay. “Chúng tôi hy vọng sẽ sớm đưa hệ thống này vào sử dụng để công tác phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam hiệu quả hơn”, Thứ trưởng cho hay.

Cộng đồng phải cùng chung tay phòng chống bệnh lao

Tại Việt Nam, nước ta hiện vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100 nghìn người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 57%, còn tới 43% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và báo cáo trong cộng đồng.

Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức cao, trên 90% với bệnh nhân lao mới, 75% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn, tỷ lệ điều trị thành công bệnh nhân lao mới trên thế giới là 85%, con số này ở bệnh nhân kháng đa thuốc là 56%.

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương kêu gọi cộng đồng chung tay phòng chống lao như chống Covid-19.

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh, với chủ đề “Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”, ông muốn kêu gọi, từ cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 mọi người hãy chung tay tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao.

Đối với dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, có 121 ca bệnh (tính đến 19 giờ ngày 23-3), chúng ta đã phải tạm đóng cửa các trường học và gây ra sự xáo trộn rất lớn trong xã hội. Còn bệnh lao có đến 174 nghìn người mắc và đến 13 nghìn người tử vong do lao, bao gồm cả lao/HIV trong một năm, không chỉ xảy ra ở một vài nơi mà tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương so sánh, cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn Covid-19 vì vi khuẩn lao có thể lây truyền theo đường không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài.

Vì thế, ông nhấn mạnh, bệnh lao là một bệnh lây nhiễm, tuy nhiên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nếu công tác phòng, chống lao cũng nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức, được sự chung tay của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng thì mục tiêu loại bỏ bệnh lao vào năm 2030 hoàn toàn có thể thực hiện được.

Chương trình Chống lao Quốc gia đặt ra mục tiêu có ít nhất 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình Việt Nam có kiến thức và thực hành bảo vệ chính gia đình họ không mắc lao. Chương trình cũng đặt chỉ tiêu 10 triệu thanh niên và 100% học sinh bậc tiểu học có kiến thức và thực hành về công tác phòng, chống lao.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tin-tuc/item/43749902-phai-tap-trung-chong-lao-quyet-liet-nhu-chong-covid-19.html