Phải tẩy chay các siêu thị kinh doanh thực phẩm kém chất lượng

Mua hàng tại siêu thị đang trở thành thói quen của người dân, đặc biệt là người dân tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, nước ép trái cây bốc mùi, thực phẩm đóng hộp không ghi ngày sản xuất, hết hạn sử dụng, thịt nhiễm khuẩn, hoa quả thối nát… đã thực sự trở thành một dấu hỏi lớn đối với người tiêu dùng: Mua thực phẩm trong siêu thị có an toàn hay không? Các siêu thị sẽ khó tránh khỏi làn sóng "tẩy chay" từ phía người tiêu dùng.

Báo động chất lượng thực phẩm trong siêu thị Không thể phủ nhận, việc lựa chọn những địa chỉ mua hàng uy tín là các siêu thị đang trở thành thói quen của người tiêu dùng bởi cảm giác an tâm khi lựa chọn hàng hóa trong siêu thị. Giá cả, ngày sản xuất, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ…. được ghi rất rõ ràng trên các sản phẩm trong siêu thị. Tuy nhiên, những vụ việc liên quan đến thực phẩm bày bán trong siêu thị được phát hiện trong thời gian qua khiến cho không ít người giật mình về độ an toàn thực phẩm trong siêu thị. Mới đây nhất, ngày 30/8, đoàn thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại siêu thị Rosa, khu đô thị Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tại đây, đoàn kiểm tra đã phát hiện thực phẩm quả sơri ngọt Bến Tre được đóng gói nhưng không ghi ngày sản xuất trên bao bì, bị dập nát và mốc trắng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên bao bì sản phẩm còn ghi rõ nhiệt độ bảo quản từ 5 độ C đến 12 độ C tuy nhiên, theo ý kiến của đoàn thanh tra, nhiệt độ không đạt đến 5 độ C như yêu cầu bảo quản. Người tiêu dùng liệu có an tâm với thực phẩm mua tại các siêu thị?. Ảnh minh họa: N.H. Trước đó, giữa tháng 8/2009, Chi cục Thú y Bình Dương đã kiểm tra, phát hiện hơn 20 tấn thịt đông lạnh nhiễm khuẩn của Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam và hơn 6 tấn hết hạn sử dụng. Nếu những sản phẩm này đến tay người tiêu dùng chắc chắn sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Gần đây, việc một khách hàng tại Hoàng Mai, Hà Nội mua phải thịt chân giò trong một siêu thị bên trong có mủ cũng khiến không ít khách hàng đã từ bỏ thói quen mua thịt trong siêu thị mà quay lại với các chợ. Chị Nguyễn Thị Dung, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: Chị mua cá đóng hộp ở một siêu thị, vỏ của sản phẩm vẫn ghi là dùng trong một ngày, mới đóng gói buổi sáng cùng ngày. Tuy nhiên, khi mở ra nấu, chị Dung đã thấy có dấu hiệu trơn, nhớt và bốc mùi. Rau mồng tơi trông rất tươi ngon, an toàn được bó cẩn thận trong một siêu thị trên đường P.N.T. nhưng mua về rũ ra thấy rất nhiều vỏ trấu, lại có thêm nhiều giun nhỏ bám vào rau khiến chị không dám ăn. "Cá đã bóc ra, giun rũ ra rồi cũng chẳng biết khiếu nại như thế nào, chỉ người tiêu dùng là thiệt thòi" chị Dung lắc đầu. Thực tế cũng cho thấy, khi mua các sản phẩm là thực phẩm như giò, chả, thịt, cá, hoa quả… người tiêu dùng lại không thể kiểm tra được ngay là sản phẩm có bị hư hỏng hay không. Tâm lý của nhiều người tiêu dùng khi mua phải các sản phẩm kém chất lượng là ngại kiện cáo với nhà sản xuất, người bán hàng. Bởi, khi sản phẩm đã mở ra rồi thì khó có cơ sở để xác minh thực hư về sản phẩm đó. Cần xử lý nghiêm các siêu thị kinh doanh thực phẩm kém chất lượng Theo cán bộ Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, việc các thực phẩm kém chất lượng trà trộn vào siêu thị có thể là do khâu kiểm duyệt thực phẩm đầu vào của các siêu thị chưa chặt chẽ, cẩn thận. Trong nhiều trường hợp, nhà sản xuất đã sai sót trong quy trình sản xuất, nguyên liệu làm hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát trong quá trình kinh doanh tại các siêu thị còn chưa được quan tâm đúng mức. Khi nhập vào hàng hóa vẫn đảm bảo chất lượng nhưng trong quá trình kinh doanh, các sản phẩm bày bán sẽ bị ôi thiu, phân hủy. Tuy nhiên, lý do để các mặt hàng thực phẩm kém chất lượng trôi nổi trong siêu thị còn do các siêu thị vì lợi nhuận mà bày bán các sản phẩm kém chất lượng, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Thông thường, các siêu thị luôn phải quản lý gắt gao nguồn đầu vào của sản phẩm, có những quy chế cụ thể cùng những hợp đồng chặt chẽ về mặt pháp luật với những nhà cung cấp. Khi xảy ra sự cố, không ít các siêu thị "lờ" trách nhiệm, đổ lỗi cho nhà cung cấp. Vì lý do gì đi chăng nữa, siêu thị nào bán hàng kém chất lượng cũng là đánh mất thương hiệu của chính mình, sẽ bị người tiêu dùng "tẩy chay". Để hàng hóa phục vụ người tiêu dùng thực sự sạch, đảm bảo chất lượng đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa nhiều Bộ, ngành quy hoạch lại hệ thống sản xuất, cung cấp thực phẩm, đảm bảo thật tốt từ khâu trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản cho đến khâu cuối là phân phối đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các nhà quản lý, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra hàng hóa trong các siêu thị, xử lý thật nghiêm những trường hợp các siêu thị kinh doanh thực phẩm kém chất lượng. Có như vậy, quyền lợi người tiêu dùng mới được đảm bảo. Lời khuyên dành cho người tiêu dùng khi mua hàng ở siêu thị là cần kiểm tra kỹ hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/kinhte/2009/9/118905.cand