Phải tẩy độc khu vực bị ảnh hưởng sau vụ cháy Công ty Rạng Đông

Theo lãnh đạo Viện Hóa học Môi trường Quân sự (Binh chủng Hóa học), với lượng thủy ngân phát tán ra môi trường từ vụ cháy Công ty Rạng Đông thì xác định phải tẩy độc khu vực ô nhiễm.

Chiều ngày 9/9, trao đổi nhanh với PV Báo Gia đình & Xã hội, Thượng tá Đậu Xuân Hoài, Phó viện trưởng Viện Hóa học Môi trường Quân sự (Binh chủng Hóa học) cho biết: "Chúng tôi đã có kết quả giám định các mẫu vật phẩm thu được từ khu vực tâm cháy Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Tuy nhiên, việc công bố không thuộc thẩm quyền nên chúng tôi đang báo cáo lên cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo".

Đại diện Lãnh đạo Viện Hóa học Môi trường Quân sự (Binh chủng Hóa học) xác nhận đã có kết quả giám định các mẫu vật phẩm thu được từ khu vực tâm cháy Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Đại diện Lãnh đạo Viện Hóa học Môi trường Quân sự (Binh chủng Hóa học) xác nhận đã có kết quả giám định các mẫu vật phẩm thu được từ khu vực tâm cháy Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

"Với lượng thủy ngân phát tán ra môi trường như hiện nay thì xác định phải tẩy độc khu vực ô nhiễm, còn hình thức tẩy như thế nào thì phải chờ cấp trên phê duyệt và đưa ra các phương án tẩy độc cụ thể", Thượng tá Hoài cho hay.

Nói về việc tẩy độc khu vực ô nhiễm, PGS.TS Trần Chương Huyến, nguyên giảng viên cao cấp khoa Hóa học (Trường ĐH KHTN - ĐHQGHN) – người đã có 50 năm nghiên cứu về thủy ngân khẳng định: "Với lượng thủy ngân đã phát tán ra môi trường như Tổng cục Môi trường đưa ra thì chắc chắn phải tẩy độc.

Cũng theo PGS.TS Trần Chương Huyến: "Việc tẩy độc rất phức tạp, tốn nhiều thời gian, bởi lượng thủy ngân đã phát tán vào không khí, ngấm vào môi trường đất, nước. Tuy nhiên, phương án tẩy độc như thế nào thì có lẽ phải chờ thông tin từ Bộ Tư lệnh Hóa học".

Viện Hóa học Môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) đã lấy 25 mẫu vật phẩm tại khu vực xảy ra cháy.

PGS.TS Trần Chương Huyến cũng cho hay: "Độ sôi của thủy ngân là 390 độ C, nhưng vụ cháy Công ty Rạng Đông đạt mức nhiệt hơn 1.000 độ C thì chắc chắn thủy ngân đã bị khuếch tán ra môi trường. Một khi đã khuếch tán thì rất khó xử lý.

Nếu gặp sự cố thủy ngân lỏng tràn xuống sàn ở phòng thí nghiệm thì chỉ cần đổ bột lưu huỳnh vào thủy ngân để thủy ngân phản ứng kết tủa với lưu huỳnh tạo thành các khối màu đen. Khi đó, ta chỉ cần nhẹ nhàng dùng dụng cụ hót vào túi là được.

Tuy nhiên, với lượng lớn thủy ngân đã bay ra môi trường và có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thì cơ quan chức năng cần lập bản đồ phân bổ thủy ngân, để xác định mật độ thủy ngân phát ra môi trường, để từ đó có phương án tẩy độc toàn vẹn".

Trước đó, ngày 5/9, Viện Hóa học Môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) đã lấy 25 mẫu đất, nước, bùn, tro xỉ, vữa tường, vỏ bóng đèn vỡ... từ đám cháy ở Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông đưa về phân tích tại phòng thí nghiệm.

Dựa trên kết quả phân tích, Bộ tư lệnh Hóa học sẽ xây dựng phương án thu gom xử lý các vật tư, hóa chất, tiêu độc ở khu vực bị cháy của Nhà máy Rạng Đông, để thông qua các cơ quan chức năng.

Sau khi phương án được thông qua thống nhất, Bộ tư lệnh sẽ cử các lực lượng chuyên trách cùng các trang bị khí tài chuyên dụng tiến hành xử lý trả lại môi trường an toàn tuyệt đối cho công ty và người dân.

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/phai-tay-doc-khu-vuc-bi-anh-huong-sau-vu-chay-cong-ty-rang-dong-20190909170050672.htm