Phải trong sạch mới có thể nêu gương

Tại Hội nghị Trung ương 8 vừa diễn ra, BCH Trung ương đã thống nhất cao ban hành quy định mới về nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nếu từng Ủy viên Trung ương đề cao trách nhiệm, gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ.

Cần thiết ban hành quy định mới

Trung ương nhận định, trong những năm qua, nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn, kịp thời của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương mà ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên, từ đó có những hành động thiết thực trong công tác và cuộc sống, tạo được sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ. Việc thực hiện quy định về nêu gương đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân. Cán bộ, đảng viên đã có ý thức rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức tận tụy với công việc, được quần chúng yêu mến, tín nhiệm.

Tuy nhiên, những kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt được yêu cầu đề ra. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan tỏa lớn. Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong... gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Để khắc phục tình trạng nêu trên và tiếp tục đẩy mạnh việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương, Bộ Chính trị đã trình dự thảo quy định mới về nêu gương để xin ý kiến BCH Trung ương xem xét, ban hành. Sau khi xem xét, thảo luận, BCH Trung ương cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự thảo quy định, bởi dự thảo đã được chuẩn bị công phu, vừa có tính khái quát, vừa cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi. Theo dó, BCH Trung ương giao cho Bộ Chính trị tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp bằng văn bản của Trung ương để hoàn thiện và sớm ban hành quy định.

Nói phải đi đôi với làm

Theo quy định của dự thảo, các cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương phải nói đi đôi với làm, gương mẫu chấp hành cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Đồng thời nghiêm túc thực hiện quy định về: “Những điều đảng viên không được làm”, “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Một điểm hết sức đáng lưu ý trong dự thảo quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương cần chủ động từ chức khi không còn đủ uy tín lãnh đạo, làm việc, để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, xảy ra mất đoàn kết kéo dài, có cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật...

Cán bộ lãnh đạo luôn phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng. Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hy sinh lợi ích cá nhân, lấy sự hài lòng, ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương không được ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Quyết đoán, quyết liệt giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài, xử lý linh hoạt, nhanh, hiệu quả những tình huống khẩn cấp, bất ngờ. Mỗi Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương phải đề cao nhân cách, đạo đức trong lãnh đạo, quản lý, thường xuyên đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm. Thực sự cầu thị trong tự phê bình và phê bình, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh. Dũng cảm nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm, không tranh công đổ lỗi, không định kiến, trù dập người góp ý, phê bình. Không lợi dụng phê bình để xu nịnh, lấy lòng, thổi phồng thành tích hoặc bôi nhọ, cường điệu khuyết điểm, hạ thấp uy tín của nhau.

Với vai trò cán bộ chủ chốt, mỗi Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương phải thực sự dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch và giữ vững nguyên tắc trong công tác cán bộ. Chú trọng phát hiện, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ kế cận và người thay thế mình. Cùng với đó, cần khuyến khích, bảo vệ cán bộ thẳng thắn, trung thực dám đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, lệch lạc, tham nhũng, tiêu cực; tạo điều kiện cho những cán bộ năng động, sáng tạo, có tư duy đổi mới. Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tích cực thực hiện phân cấp, phân quyền, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Trước hết, mỗi ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương phải mẫu mực về đạo đức, lối sống, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập, không bị cám dỗ bởi vật chất tầm thường. “Cán bộ chức càng cao thì càng phải nghiêm khắc với bản thân” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Không có “vùng cấm”

Theo đánh giá của nhiều vị lão thành cách mạng, rõ ràng dự thảo quy định về nêu gương được Trung ương thống nhất cao giao Bộ Chính trị ban hành ngay sau Hội nghị Trung ương 8 khẳng định quyết tâm của Đảng kiến quyết chấn chỉnh, làm trong sạch hàng ngũ cán bộ, đảng viên các cấp, từ thấp đến cao. Song, để quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương phát huy được hiệu quả, trước hết trong công tác cán bộ cần phải chọn đúng người có phẩm chất, năng lực, tránh biểu hiện nâng đỡ người thân. Khi đã chọn được người có tài, có đức vào các vị trí chủ chốt vẫn cần quản lý chặt chẽ, giám sát quyền lực, không để cho cán bộ có cơ hội xa hoa, lãng phí, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực.

Quy định mới về trách nhiệm nêu gương còn khẳng định tất cả cán bộ, dù ở vị trí lãnh đạo cao nhất cũng phải chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của Trung ương, cũng như sự giám sát của người dân. Khi phát hiện các biểu hiện suy thoái đạo đức lối sống, vi phạm các quy định của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước thì sẽ xử lý nghiêm minh, không loại trừ bất cứ ai, ở bất kỳ vị trí nào. Quan điểm nhất quán trên của Đảng và Nhà nước thể hiện rất rõ ở việc, thời gian qua đã xử lý hàng loạt cán bộ cấp cao cả đương chức cũng như đã về hưu.

Với việc BCH Trung ương giao cho Bộ Chính trị tiếp thu ý kiến đóng góp, ban hành Quy định Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương một lần nữa cho thấy quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân. Từ những quy định dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, nhưng hết sức nghiêm khắc của quy định mới về trách nhiệm nêu gương, dư luận xã hội kỳ vọng tới đây công tác cán bộ sẽ tạo bước đột phá, xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch ở cả các cơ quan Đảng cũng như trong bộ máy Nhà nước. Đặc biệt, với quy định phải tự từ chức nếu không còn đủ điều kiện, uy tín lãnh đạo, làm việc, để cấp dưới tham nhũng tiêu cực phải xử lý hình sự, tin rằng sẽ chẳng còn ai dám nhu nhơ với các quy định của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước.

Lê Anh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/phai-trong-sach-moi-co-the-neu-guong-tintuc421405