Phải tự thay đổi mình trước

Vụ Vinasun kiện Grab đã để lại rất nhiều tranh cãi trong dư luận, mà một trong những luồng quan điểm chủ đạo cho rằng việc Vinasun khởi kiện là vô lý, có dấu hiệu của sự bảo hộ quá đà, khi Grab chỉ là một đơn vị kinh doanh công nghệ.

Thực chất, luồng quan điểm này quá cảm tính và chủ quan bởi thực sự, vụ việc này phức tạp hơn như bên ngoài chúng ta vẫn thấy rất nhiều.

Nếu tra cứu trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, cũng như trong điều lệ của Grab thì chúng ta sẽ nhận thấy ngành nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này là "vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành (trừ xe buýt)". Đây chính là điểm yếu thứ nhất để việc Vinasun có thể khởi kiện Grab và đã thắng kiện.

Điểm yếu thứ hai là việc thực hiện khuyến mại của Grab đã vi phạm Luật Cạnh tranh một cách nghiêm trọng. Trong khi Nghị định 81 của Chính phủ cho phép doanh nghiệp được nới mức trần khuyến mại từ 50% lên tới 100% giá hàng hóa, dịch vụ chỉ có hiệu lực từ 15-7-2018 thì Grab đã thường xuyên có các mức khuyến mại vượt mức trần cũ (50%), thậm chí có những lúc lên tới 100%, suốt những năm hoạt động của họ ở Việt Nam.

Đó là còn chưa kể đến các đợt khuyến mại của Grab cũng diễn ra đều đặn hơn, hầu như tháng nào cũng có 1-2 đợt và nó chính là điều kiện tiên quyết để Vinasun đòi bồi thường thiệt hại lên tới 41,2 tỷ đồng và TAND TP Hồ Chí Minh đã ra phán quyết buộc Grab phải chấp nhận và thực hiện nghĩa vụ bồi thường kể trên.

Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi, Grab). (Ảnh mang tính minh họa)

Toàn cảnh của vụ việc được gói gọn như vậy và ở cương vị của một pháp nhân liên quan, Grab hoàn toàn có quyền kháng án lên cấp cao hơn. Việc họ có kháng án hay không, và có thành công hay không, còn tùy thuộc vào chính họ và các dữ kiện quan trọng của vụ kiện này.

Song, vượt ra ngoài hẳn lãnh địa của những tranh chấp, những thắng thua của vụ kiện này, chúng ta phải khẳng định: Vinasun nói riêng và các hãng taxi truyền thống nói chung đã thua ngay từ đầu, thua vì chính họ không cải cách chính mình, không thay đổi chính mình, không cải thiện chính mình khi xuất hiện đối thủ cạnh tranh và khi có cơ hội.

Khi Uber và Grab chưa tham gia thị trường, thực tế Vinasun đã có dòng sản phẩm sang trọng, tức là những xe xịn, không gắn mác taxi, tạo cảm giác cho người sử dụng phương tiện như đang đi xe riêng của mình. Vậy thì tại sao dòng sản phẩm ấy lại không phát huy được sức mạnh của mình?

Có thể, cạnh tranh về giá họ hoàn toàn thua Uber hay Grab, nhưng nếu là người sử dụng phương tiện của Grab, Uber hay taxi thường xuyên, chúng ta sẽ hiểu rằng không phải lúc nào Uber và Grab cũng có lợi thế về giá.

Đúng là mặt bằng chung giá của Uber và Grab rẻ hơn taxi truyền thống rất nhiều, nhưng mỗi ngày đều có những thời điểm giá của Uber và Grab tăng vọt, trong khi giá taxi truyền thống vẫn giữ ổn định ở mức khung và rẻ hơn giá phát sinh của đối thủ. Đơn cử là các trường hợp giờ tan tầm kẹt xe ở TP Hồ Chí Minh, hoặc những lúc mưa lớn, giá của Uber và Grab thậm chí có lúc tăng gấp rưỡi, gấp đôi và thậm chí là 3 lần. Mà ở TP Hồ Chí Minh, mùa mưa kéo dài hơn 6 tháng, với thời điểm mưa lớn rất thường rơi vào giờ tan tầm. Đó chính là giờ vàng của taxi và tình trạng khan hiếm taxi ở các thời điểm như vậy hiện nay vẫn xảy ra thường xuyên.

Trong bối cảnh có lợi thế về sự ổn định về giá ấy, thực sự các hãng taxi truyền thống lại giậm chân tại chỗ trong việc bắt kịp công nghệ và quá chú tâm vào chuyện tranh cãi, kiện tụng với đối thủ. Dịch vụ của taxi thì chúng ta không bàn tới vì tài xế có người này người nọ, song nhìn chung, nếu phải chấm điểm, người sử dụng sẽ đánh giá dịch vụ theo thứ tự từ cao xuống thấp là Uber, Grab rồi mới tới taxi. Nhưng hơn cả dịch vụ từ người tài xế, thứ tiện lợi mà các hãng xe công nghệ vượt trội taxi truyền thống chính là sự tiện lợi của ứng dụng gọi xe, đặc biệt là thanh toán.

Thời điểm vàng cho taxi truyền thống chính là khi Uber tuyên bố rút khỏi Việt Nam. Thực chất, rất nhiều người dùng Uber không thích sử dụng Grab, và họ sẵn sàng quay lại với taxi truyền thống khi Uber không còn nữa. Nhưng khi ấy, các hãng taxi truyền thống đã có động thái gì?

Họ không làm gì cả. Vẫn là một ứng dụng cũ kỹ, vẫn là những gương mặt thương hiệu không được làm mới. Phiền toái nhất là thanh toán điện tử. Trong khi người dùng Uber đã quá quen với việc bước xuống xe là tiền tự trừ trong tài khoản thì họ phải trở lại với taxi và lúc nào cũng cần thủ sẵn tiền lẻ trong túi.

Chính việc làm hành khách phải mất thêm chừng nửa phút cho thanh toán đã là trở ngại cực lớn để taxi truyền thống thuyết phục khách hàng. Và có thể nói, họ đã lỡ một cơ hội vàng khi những người "yêu Uber - ghét Grab" đang cần một sản phẩm dịch vụ thay thế.

Cho đến tận hôm nay, dịch vụ thanh toán của Vinasun cũng chỉ mới được cập nhật chừng hơn 1 tháng, với việc hoặc là khách hàng dùng ví điện tử Momo hoặc là khách hàng phải đăng ký thẻ Vnspay riêng của Vinasun. Đó chính là một thái độ kinh doanh cũ kỹ, khi thị trường thay đổi hằng ngày, hằng giờ để cập nhật với công nghệ thông tin. Và khi thái độ kinh doanh không thay đổi để cải cách chính sản phẩm, dịch vụ của mình, mọi kiện tụng sẽ chỉ là vô nghĩa hết.

41,2 tỷ là số tiền lớn nhưng thực sự không quá lớn với 1 tập đoàn. Và nếu Vinasun không chịu thay đổi mình thì dù họ có thắng kiện 41,2 tỷ đi nữa, họ vẫn sẽ tiếp tục thua toàn tập trên thị trường.

Văn Đoàn

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/phai-tu-thay-doi-minh-truoc-518393/