Phẩm chất đảng viên

Từ giữa tháng 3-1975, tin chiến thắng của quân và dân miền Trung Nam Bộ lan rộng khắp miền Nam. Lo sợ trước sự phát triển và tiến công mạnh mẽ của quân ta, quân ngụy ùn ùn kéo về Mỹ Tho nhằm cố thủ ở cửa ngõ miền Tây Đồng bằng sông Cửu Long.

 Quân giải phóng chiếm căn cứ hải quân ngụy ở bến Chương Dương, Mỹ Tho (tháng 4 -1975). Ảnh tư liệu

Quân giải phóng chiếm căn cứ hải quân ngụy ở bến Chương Dương, Mỹ Tho (tháng 4 -1975). Ảnh tư liệu

Chúng tăng cường đánh phá, lấn chiếm, làm cho vùng ven tỉnh Mỹ Tho bị cày xới vì bom đạn. Một số cơ sở của ta tổn thất khá nặng nề, nhiều đảng viên ngã xuống, các chi bộ luôn trong tình trạng thiếu đảng viên.

Đứng trước yêu cầu xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, từ tình hình thực tế, việc kết nạp hoặc khai trừ đảng viên được quy định hết sức cụ thể. Theo đó, nếu địch tràn vào càn quét, ai dám bám trụ chiến đấu đến cùng là đủ tiêu chuẩn kết nạp vào Đảng. Đại đội 5, Tỉnh đội Mỹ Tho thời điểm đó chỉ có hơn hai chục tay súng và vỏn vẹn hai đảng viên. Để có đủ đảng số cho lễ kết nạp quần chúng Phạm Văn Chiến vào Đảng, chi bộ phải phân công một đảng viên đi từ Phước Thạnh về Giáp Nước, xã Trung An, cách hơn 5km để có đủ 3 đảng viên về dự. Lễ kết nạp Đảng hôm ấy thật đơn giản, không băng cờ, khẩu hiệu. Đảng viên có người mặc quần đùi do trước đó chiến đấu với quân địch, quần áo ướt chưa kịp khô và luôn trong tư thế chiến đấu. 3 đảng viên đứng trên những tấm ván bắc qua rễ cây dừa ngập nước để tiến hành buổi lễ. Đồng chí Lê Hồng Lâm, Bí thư chi bộ, Chính trị viên Đại đội 5, giơ nắm tay ngang đầu, nói rành rẽ nhưng vừa đủ nghe vì địch ở rất gần: “Kể từ giờ phút này, đồng chí Phạm Văn Chiến, chức vụ Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, chính thức trở thành đảng viên ...”.

Ngay đêm ấy, đảng viên Phạm Văn Chiến được giao nhiệm vụ chỉ huy một tổ trinh sát bảo vệ đoàn cán bộ và vận tải đạn qua Quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1) xuống chiến trường Chợ Gạo, Gò Công. Không may, đoàn cán bộ lọt vào ổ phục kích của địch. Tổ trinh sát của đồng chí Chiến đã chiến đấu kiên cường kìm chân địch để đoàn cán bộ và đạn dược thoát khỏi vòng vây an toàn. Cuộc chiến đấu không cân sức, Phạm Văn Chiến chỉ huy tổ trinh sát chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, anh bị thương gãy một chân. Thấy ta chống cự yếu ớt, địch lấn tới. Đồng chí Chiến bình tĩnh rút chốt quả lựu đạn, chờ địch đến gần. Quả lựu đạn rơi trúng toán địch đang bò lên làm nhiều tên chết và bị thương, số còn lại bỏ chạy rồi rút lui. Chiến ráng sức bò vào gò trâm bầu gần quốc lộ. Sáng hôm sau, địch lùng sục, phát hiện ra anh. Bọn chúng gọi hàng, Chiến cố gượng dậy nhìn thẳng vào bọn chúng, hô to: “Quân giải phóng không biết đầu hàng!”. Vậy là, người đảng viên trẻ, quê Hà Nội, nguyên là sinh viên Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp, đã anh dũng hy sinh.

Ngay sau đó, cơ sở của ta đã vận động bà con đấu tranh trực diện với bọn lính ngụy rồi đưa thi thể đồng chí Phạm Văn Chiến về chôn cất. Ban đầu mộ của anh nằm trên Gò Me, thuộc cánh đồng Phước Thạnh, sau đó hài cốt của anh được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Tiền Giang.

TÔ KIỀU THẨM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/pham-chat-dang-vien-609942