Phạm nhân có cơ hội ăn cơm với người thân

Bắt đầu từ ngày 29-3-2018, phạm nhân có cơ hội được ăn cơm cùng người thân, được liên lạc điện thoại trong nước với thân nhân. Thân nhân phạm nhân khi đến thăm gặp hoặc qua đường bưu điện, có thể gửi thuốc chữa bệnh, thuốc bổ cho phạm nhân theo chỉ định của y, bác sỹ tại cơ sở giam giữ …

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 07/2018/TT-BCA quy định về việc phạm nhân gặp thân nhân với nhiều điểm mới dành cho những phạm nhân chấp hành tốt nội quy của cơ sở giam giữ; tích cực học tập, lao động hoặc để thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Việc tổ chức cho phạm nhân gặp thân nhân được lãnh đạo nơi giam giữ thực hiện vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Khi phạm nhân gặp thân nhân được kéo dài thời gian thăm gặp không quá 3 giờ, gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ.

Căn cứ điều kiện cụ thể, giám thị trại giam, giám thị trại tạm giam, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự CA cấp huyện xem xét, quyết định có thể cho phạm nhân ăn cơm cùng thân nhân tại căng tin nhà thăm gặp trong thời gian 60 phút (mỗi lần không quá 3 người). Việc ăn cơm cùng thân nhân còn được lãnh đạo tại nơi giam giữ xét và đồng ý trong một số trường hợp khác như khi có hội nghị gia đình phạm nhân; hoặc trường hợp phạm nhân có 2 quý liền kề ở thời điểm xét duyệt được xếp loại tốt; hoặc lập công.

Phạm nhân chấp hành tốt nội quy của cơ sở giam giữ; tích cực học tập, lao động, lập công… còn được xét thưởng thêm thời gian ăn cơm, gọi điện thoại với người thân. Ảnh Tư Liệu

Thân nhân là vợ (hoặc chồng) của phạm nhân có đủ điều kiện được gặp phạm nhân tại phòng riêng theo quy định tại khoản 1, Điều 46 Luật Thi hành án hình sự thì phải có giấy đăng ký kết hôn…

Thân nhân phạm nhân khi đến thăm gặp hoặc qua đường bưu điện, có thể gửi thuốc chữa bệnh, thuốc bổ cho phạm nhân theo chỉ định của y, bác sỹ tại cơ sở giam giữ hoặc tại cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước nơi phạm nhân đang khám và điều trị bệnh. Thuốc do thân nhân gửi cho phạm nhân phải có nhãn, mác ghi rõ hàm lượng, công dụng, nơi sản xuất và còn thời hạn sử dụng.

Điều 4 của Thông tư quy định, đối tượng được thăm gặp phạm nhân gồm: Ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột, dâu, rể; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột. Mỗi lần đến thăm gặp phạm nhân tối đa không quá 3 người.

Cá nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc thân nhân khác ngoài những người được quy định tại khoản 1 Điều này được thăm gặp phạm nhân nếu giám thị trại giam, giám thị trại tạm giam, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự CA cấp huyện xét thấy phù hợp với lợi ích hợp pháp của phạm nhân và yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm, quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân.

Với hướng dẫn này, các cơ quan báo chí cũng sẽ được tiếp cận với phạm nhân trong trường hợp lãnh đạo tại nơi giam giữ xét thấy phù hợp với lợi ích hợp pháp của phạm nhân và yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm, quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân.

Thân nhân đến thăm gặp phạm nhân phải là người có tên trong sổ thăm gặp (trường hợp thăm gặp lần đầu chưa có sổ thăm gặp hoặc không có tên trong sổ thăm gặp thì phải có đơn xin thăm gặp có xác nhận của UBND cấp xã hoặc CA cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập).

Các cơ sở giam giữ phối hợp với cơ quan bưu chính viễn thông địa phương lắp đặt máy điện thoại bàn (cố định) và tổ chức cho phạm nhân liên lạc điện thoại với thân nhân. Cước phí gọi điện thoại được tính theo giá của cơ quan bưu chính viễn thông và do phạm nhân chi trả từ tiền lưu ký theo hình thức ký sổ.

Trường hợp phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy của cơ sở giam giữ, có thành tích trong lao động, học tập thì tăng thêm mỗi tháng 1 lần liên lạc điện thoại với thân nhân. Phạm nhân là người dưới 18 (mười tám) tuổi được liên lạc với thân nhân qua điện thoại theo quy định tại Điều 53 Luật Thi hành án hình sự. Khi phạm nhân có đề nghị cần phải trao đổi với thân nhân để giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ thì được liên lạc với thân nhân theo các nội dung đã đăng ký.

Phạm nhân đang có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử về những hành vi phạm tội khác hoặc có liên quan đến những vụ án khác đang được xem xét, xử lý, thì không được liên lạc điện thoại với thân nhân.

Nếu phạm nhân từ chối gặp người đến thăm thì cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp lập biên bản và thông báo cho thân nhân phạm nhân biết. Trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày gửi thông báo, nếu không có người đến nhận thì lập biên bản tiến hành tiêu hủy trước sự chứng kiến của phạm nhân được nhận. Thư và đồ vật của phạm nhân phải được kiểm tra kỹ trước khi đưa vào cơ sở giam giữ, trường hợp phát hiện đồ vật cấm phải xử lý theo quy định.

Thông tư số 07/2018/TT-BCA của Bộ Công an chính thức có hiệu lực từ ngày 29-3-2018.

Khắc Hạnh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/pham-nhan-co-co-hoi-an-com-voi-nguoi-than-112718.html